Hà Nội: Cần quyết liệt hơn để giải quyết vấn nạn xe 'dù', bến 'cóc'
Vấn nạn 'xe dù, bến cóc' đã diễn ra suốt thời gian dài tại Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý hiệu quả khiến cho tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí ngày một công khai rầm rộ hơn với vô vàn chiêu thức 'lách luật'.
Hà Nội có nhiều điểm nóng về vấn nạn xe “dù”, bến “cóc”
Tình trạng “xe dù, bến cóc” mọc lên như nấm quanh các bến xe khách trên địa bàn Hà Nội, đua nhau tranh giành vợt khách, vợt hàng trên đường mặc cho tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn trật tự giao thông. Hành lang pháp lý đã có nhưng các biện pháp hiện tại đang áp dụng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe, chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các đơn vị đang đi vào vòng luẩn quẩn, cứ nay xử lý chỗ này, mai lại mọc ra chỗ khác khiến cho các nhà xe có tâm lý "nhờn", nghĩ ra nhiều cách đối phó với lực lượng chức năng.
Dù có đến 6 lực lượng có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra, xử phạt xe dù, xe núp bóng hợp đồng vận chuyển khách như: TTGT, CSGT, Cảnh sát 113... nhưng vấn nạn xe dù quanh khu vực các bến xe chưa bao giờ bớt nhức nhối. Có vô vàn những bất cập có thể dễ dàng nhìn thấy từ các hoạt động đó như: trốn thuế khi lách luật, hoạt động trá hình dưới hình thức xe hợp đồng, ngang nhiên tăng giá vé mà không được sự kiểm soát của cơ quan công quyền, nhồi nhét khách hàng vào các dịp lễ dẫn đến tình trạng quá tải gây mất an toàn giao thông.
Các nhà xe cố tình lách luật
Để việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, các chủ nhà xe đã có những bước đi để lách luật như: Các nhà xe "dù" núp bóng dưới danh nghĩa là các văn phòng làm việc, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh buôn bán với những tấm biển hiệu lớn giúp người đi đường dễ dàng nhận biết. Từ đây, các “chân rết” từ các văn phòng hay xe ôm “truyền thống” được cử đi để chèo kéo, vợt khách ngay trước khi khách bước chân vào bến.
Các nhà xe khi xuất bến thường chạy như “rùa bò” để bắt khách dọc đường, có những nhà xe họ thuê xe ôm chạy phía trước để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng đang đợi bên lề đường. Với mỗi lượt mời khách thành công nhà xe trả cho xe ôm 20.000VNĐ/người. Điều này có thể làm cho cả tuyến phố bị ùn ứ, cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông,…
Các nhà xe này còn nắm bắt rất chắc quy luật hoạt động của CSGT để luôn tìm mọi cách trốn tránh. Khi phát hiện có chốt CSGT, nhà xe sẽ thuê xe ôm, kẹp hai kẹp ba, thậm chí chạy ngược chiều chở khách tới một điểm cố định đã hẹn từ trước, không có camera và lực lượng chức năng để đón khách mà không lo bị phạt.
Ngoài ra, chủ các nhà xe còn mở thêm dịch vụ mới như “xe đưa đón tận nhà” với lịch trình dày đặc, cứ 30 phút là lại có 1 chuyến nhưng giá vé xe đắt gấp đôi giá mà nhà nước niêm yết.
Do đâu thực trạng này diễn ra hàng thập kỷ qua mà vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm
Vì thoải mái hoạt động lại thu lãi cao nên đại đa số nhà xe đăng ký kinh doanh xe hợp đồng, rồi hoạt động “trá hình”, “lách luật” chở khách theo tuyến cố định. Còn xe khách đăng ký chạy tuyến cố định thì bị cạnh tranh bất bình đẳng, không lành mạnh, dẫn đến thua lỗ, nhiều nhà xe buộc phải bỏ bến để “chạy dù”.
Ngoài ra, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nạn “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông, đồng thời thất thu thuế rất lớn, là do có sự bất bình đẳng trong các quy định về quản lý xe khách tuyến cố định và xe chở khách theo hợp đồng. Cùng loại xe ô tô chở khách trên một tuyến, nhưng xe khách tuyến cố định phải đăng ký vào bến xe, mất phí bến bãi, nộp đủ thuế theo số lượng vé bán ra, chịu sự quản lý chặt chẽ của bến xe, phải chạy đúng giờ và đúng đường quy định, không được tự do đón - trả khách... Trong khi đó, xe hợp đồng không phải vào bến xe, được tự do vào nội đô để đón - trả khách, “né” được nhiều loại thuế, phí và ít bị quản lý...
Các chế tài để xử lý vấn nạn này vẫn chưa đủ sức răn đe, các chủ xe sẵn sàng đóng phạt vì mức thu nhập trong ngày của họ lớn hơn rất nhiều nhiều so với mức xử lý vi phạm của Nhà nước.
Một phần lý do nữa là do ý thức sử dụng dịch vụ của người dân ưa sự tiện lợi mới góp phần hình thành nên nạn xe “dù”, bến “cóc”. Để có thể bắt xe về nhà sớm nhất, người dân thường chọn cách ra đứng đợi xe ở lề đường gần các bến xe. Nếu vào trong bến sẽ mất thêm nhiều công đoạn và thời gian trước khi được lên xe, sau khi lên xe còn phải chờ thêm một khoảng thời gian đợi xe xuất bến.
Để kiểm soát tình trạng này cũng rất khó khăn khi những quy định về hoạt động vận tải đường bộ chưa đủ chặt chẽ, còn nhiều khe hở tạo điều kiện cho xe “dù” lách luật. Việc cạnh tranh không công bằng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà xe thực hiện đúng quy định của pháp luật, khiến cho họ rơi vào tình trạng không có khách hàng, phải chuyển đổi từ xe chở khách thành xe chở hàng để duy trì, bám trụ lại.
Thời điểm cuối năm, lưu lượng xe cộ đi lại càng ngày càng lớn, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông của Thành phố. Nếu không sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, làm tới nơi tới chốn với các cơ sở vi phạm, tình trạng giao thông ở Hà Nội rất dễ bị vỡ trận, gây ùn tắc kéo dài, làm ảnh hưởng tới đời sống của rất nhiều người dân và xã hội. Lực lượng chức năng cần sớm đồng bộ, tổ chức ra quân tuần tra, giám sát, lập các chốt tại các điểm nóng và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để trả lại sự công bằng cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời giúp cho hạ tầng giao thông trong nội đô đỡ áp lực hơn.