Vì sao 3 lần mở phiên tòa vẫn chưa thể xét xử?

Ngày 20/11, TAND tỉnh Bắc Giang mở lại phiên tòa (lần thứ 3) xét xử 10 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, một lần nữa phiên tòa lại phải trì hoãn...

3 lần mở phiên tòa vẫn chưa thể xét xử

Tại phiên tòa, thư ký báo cáo bị cáo Nguyễn Văn Thảo (SN 1963, trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân An, có 2 tiền án về tội “Đánh bạc”, “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”) sau thời gian bị bắt tạm giam, hiện đang được tại ngoại, có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do đang điều trị bệnh.

Về việc vắng mặt của bị cáo Nguyễn Văn Thảo, Chủ tọa phiên tòa cho biết, theo trình bày trong đơn xin xét xử vắng mặt thì bị cáo Thảo đang điều trị bệnh tại tỉnh Phú Thọ, không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu luật sư bào chữa cho bị cáo Thảo thông báo ngay cho bị cáo này biết và yêu cầu bị cáo đến Tòa án để làm việc, vì trong thời gian được tại ngoại, Tòa án đã cấm bị cáo đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp bị cáo Thảo không đến làm việc, Tòa sẽ yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam.

 Các bị cáo (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Dương Văn Dũng, Hà Văn Hòe, Phạm Thanh Thạch, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thắm khi mới bị bắt giữ.

Các bị cáo (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Dương Văn Dũng, Hà Văn Hòe, Phạm Thanh Thạch, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thắm khi mới bị bắt giữ.

Trước đó, ngày 4/11 vừa qua, TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa vụ án này ra xét xử (lần thứ 2), bị cáo Nguyễn Văn Thảo cũng đã vắng mặt, với lý do không đảm bảo sức khỏe đến tham dự phiên tòa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phiên tòa phải trì hoãn lần 2.

Cũng tại phiên tòa lần này, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa thông báo, sau nhiều lần yêu cầu, song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được đầy đủ các hồ sơ bàn giao tài liệu, vật chứng của vụ án này, do vậy, chưa đảm bảo việc đưa vụ án ra xét xử.

Phát biểu quan điểm về nội dung trên, đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho biết, do khối lượng hồ sơ, vật chứng của vụ án là rất lớn, Viện kiểm sát cũng đã nhiều lần đôn đốc, song cơ sở vật chất của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang chưa đảm bảo để có thể lưu giữ số lượng lớn vật chứng của vụ án, hiện vẫn đang trong quá trình bố trí, xin phê duyệt phương án và kinh phí để triển khai thực hiện.

Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang đề nghị HĐXX tiếp tục hoãn phiên tòa, tạo điều kiện cho việc tiếp nhận các hồ sơ, vật chứng đầy đủ, đảm bảo cho công tác xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Sau khi hội ý, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm hoãn phiên tòa lần thứ 3. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào sáng ngày 20/12/2024.

Khai thác trái phép hơn 5.4 triệu tấn than, trị giá 569,4 tỉ đồng

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang, ngày 22/12/2016, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang (Công ty Khoáng sản Bắc Giang) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho khai thác than tại Mỏ than Bố Hạ (thuộc xã Đồng Hưu, xã Đông Sơn và xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Quá trình khai thác than, Công ty Khoáng sản Bắc Giang ký hợp đồng liên kết khai thác than với Công ty TNHH MTV Xuân An (Công ty Xuân An).

 Một góc mỏ than Bố Hạ.

Một góc mỏ than Bố Hạ.

Cáo trạng xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến ngày 16/2/2023, các bị cáo thuộc Công ty Khoáng sản Bắc Giang, cùng trú tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, gồm: Hà Văn Hòe (SN 1955, Tổng giám đốc), Dương Văn Dũng (SN 1957, Chủ tịch HĐQT), Phạm Thanh Thạch (SN 1976, Phó tổng giám đốc) và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1988, trú tại phường Xương Giang, TP Bắc Giang; Giám đốc Công ty Xuân An) và Nguyễn Văn Thảo (Phó giám đốc) đã có hành vi chỉ đạo, thực hiện khai thác khoáng sản tại Mỏ than Bố Hạ không đúng nội dung giấy phép được cấp về phương pháp khai thác, độ sâu kết thúc, công suất khai thác, trữ lượng khai thác; vi phạm khoản 2 Điều 4 và khoản 1, khoản 3 Điều 8 Luật Khoáng sản năm 2010.

Tổng khối lượng khoáng sản các bị cáo đã thực hiện khai thác không đúng với nội dung giấy phép được cấp là hơn 5.4 triệu tấn than, trị giá 569,4 tỉ đồng.

Để ngoài sổ kế toán hơn 2,5 triệu tấn than, gây thiệt hại hơn 98,1 tỉ đồng

Nhằm mục đích để ngoài, che giấu bớt sản lượng than đã khai thác, giảm tiền thuế, phí và các khoản nghĩa vụ tài chính phải nộp ngân sách nhà nước, từ tháng 6/2018 đến hết tháng 12/2022, các bị cáo Hà Văn Hòe, Dương Văn Dũng, Phạm Thanh Thạch, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thắm và Lê Minh Dương (SN 1960, trú tại thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Phó giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty Xuân An) đã có hành vi chỉ đạo, thống nhất, biết rõ bộ phận kế toán lập 2 hệ thống sổ kế toán, để ngoài sổ kế toán hơn 2,5 triệu tấn than, gây thiệt hại tiền thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác phải nộp ngân sách nhà nước là 98,1 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Khoáng sản Bắc Giang là hơn 38,2 tỉ đồng, Công ty Xuân An là hơn 59,9 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi trên của các bị cáo đã vi phạm khoản 3, khoản 10 Điều 13 Luật Kế toán năm 2015; vi phạm khoản 4, khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế năm 2019; vi phạm điểm a, e khoản 2 Điều 55 Luật Khoáng sản năm 2010.

Nhóm cựu cán bộ Cục khoáng sản thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại hơn 102,4 tỉ đồng.

Cáo trạng còn xác định, nhóm 4 bị cáo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Lại Hồng Thanh (SN 1969, trú tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam); Phạm Ngọc Chi (SN 1963, trú tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội; Phó Cục trưởng điều hành Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc);

Phạm Phú Ninh (SN 1986, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội; Phó Chánh văn phòng Cục khoáng sản Việt Nam; Trưởng Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 864/QĐ-ĐCKS ngày 9/12/2021, của Tổng cục Địa chất và Kháng sản Việt Nam); Lưu Ngọc Thành (SN 1980, trú tại quận Long Biên, Hà Nội; Chuyên viên Cục khoáng sản Việt Nam, được phân công phụ trách lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thành viên Đoàn kiểm tra) là những người có chức vụ, quyền hạn, được phân công phụ trách công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình nguời có thẩm quyền xử lý các kiến nghị của Đoàn kiểm tra.

4 bị cáo nêu trên đều biết rõ kết quả kiểm tra, xác định Công ty Khoáng sản Bắc Giang có nhiều vi phạm, đến mức phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết, theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính và thuộc trường hợp phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khoáng sản hoặc phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 55 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, các bị cáo đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến việc để Công ty Khoáng sản Bắc Giang tiếp tục thực hiện khai thác trái phép hơn 2 triệu tấn than, trong đó đã tiêu thụ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,4 triệu tấn than, trị giá hơn 102,4 tỉ đồng.

Hồng Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/vi-sao-3-lan-mo-phien-toa-van-chua-the-xet-xu-168533.html
Zalo