Cán bộ không chuyên trách lo bị 'bỏ quên' khi sáp nhập xã
Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập xã, lực lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố lo bị 'bỏ quên', không được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ. Tại địa bàn huyện biên giới Mường Nhé, đội ngũ cán bộ không chuyên trách bày tỏ lo lắng khi sáp nhập xã, họ có thể bị cắt giảm trong khi mức phụ cấp thấp, lại không được hưởng chế độ thôi việc như cán bộ chuyên trách.
Trước chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như tiêu chí về tinh giản, tuyển chọn cán bộ xã cho đơn vị hành chính mới định hướng kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách. Các chính sách hiện hành đã quy định tương đối cụ thể về chế độ hưu trí sớm cho cán bộ, công chức, viên chức, cũng như phương án sắp xếp lại lực lượng lao động, còn những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì chưa xác định được tương lai.
Anh Tòng Văn Toàn, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé): "Trong quá trình sáp nhập, số lượng cán bộ không chuyên trách nhiều khả năng bị cắt giảm, nguy cơ mất việc làm là hiện hữu".

Anh Tòng Văn Toàn, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Mường Nhé mong muốn được tiếp tục làm việc, cống hiến cho địa phương.
Chia sẻ tâm tư, anh Tòng Văn Toàn cho biết thêm: Trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính, đặc biệt là sáp nhập xã, cán bộ không chuyên trách đối mặt nhiều thiệt thòi so với cán bộ chuyên trách. Vào công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã Mường Nhé từ tháng 7/2010, quá trình công tác mặc dù gặp nhiều khó khăn, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Dù gọi là "không chuyên trách" nhưng thực tế công việc của tôi thường mang tính chất chuyên trách, đòi hỏi sự tận tâm, trách nhiệm. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, hội nghị về sáp nhập, sắp xếp cán bộ, vai trò và đóng góp của cán bộ không chuyên trách thường không được đề cập, quan tâm đúng mức. "Trong quá trình sáp nhập, số lượng cán bộ không chuyên trách nhiều khả năng bị cắt giảm, nguy cơ mất việc làm là hiện hữu. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường có được hưởng chế độ khi thuộc diện phải tinh giản do sáp nhập xã, phường hay không, vì trong Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 không thấy nhắc đến chế độ cho người hoạt động không chuyên trách.
Bà Lý Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé: Đa số người hoạt động không chuyên trách mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn đối với những cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé Lý Thị Hoa đánh giá cao chuyên môn cũng như hiệu quả công việc của cán bộ không chuyên trách cấp xã.
Bà Lý Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé chia sẻ: Xã có 11 cán bộ không chuyên trách, trong đó trình độ đại học chiếm trên 90% (10 người). Mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách vốn đã thấp hơn nhiều so với lương của cán bộ chuyên trách trong khu vực công và người lao động trong khu vực tư. Khi sáp nhập xã, nhóm đối tượng này không được hưởng các chế độ hỗ trợ như cán bộ chuyên trách. Hiện nay, đa số người hoạt động không chuyên trách mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với những cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Cần có quy định rõ ràng về việc tham gia bảo hiểm xã hội cho cán bộ không chuyên trách để đảm bảo quyền lợi của họ khi về già hoặc gặp rủi ro; có chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề cho cán bộ không chuyên trách bị ảnh hưởng khi thực hiện sáp nhập, nhằm giúp họ có thêm nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.
Mong muốn Đảng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh tế, đào tạo nghề cho cán bộ không chuyên trách dôi dư khi sáp nhập xã cũng là nguyện vọng của ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong.

Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong (huyện Mường Nhé)
Trao đổi về vấn đề chế độ đối với cán bộ không chuyên trách, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Nhé cho biết: Trên địa bàn huyện có 118 cán bộ không chuyên trách cấp xã; 331 người không chuyên trách thôn, bản và 224 người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản. Theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ, cán bộ, công chức cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, xã, phường loại 1 là 14 người, loại 2 là 12 người, loại 3 là 10 người. Cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không quá 3 chức danh (bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận). Số cán bộ không chuyên trách hiện nay chủ yếu là cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực khá cơ bản và mong muốn tiếp tục được cống hiến cho địa phương. Chúng tôi động viên mọi người làm tròn trách nhiệm công việc của mình, cơ quan tham mưu cấp trên tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng cán bộ, công chức.
Ngoài việc thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người lao động không chuyên trách cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé, từ nay đến khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính mới, yêu cầu các phòng, ban của huyện và lãnh đạo xã lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm lý tiêu cực.