Hà Nội bứt phá thành công để tăng tốc về đích

Năm 2024, Hà Nội tiếp tục tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng đô thị, an sinh xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 27/11/2024. Ảnh: Thanh Hải

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 27/11/2024. Ảnh: Thanh Hải

Kết quả đó đến từ việc xác định đúng các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, huy động mọi nguồn lực tạo được sức bật mới, để bứt phá thành công.

Đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025 - 2030 (ngày 27/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của T.Ư để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân. Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa Nghị quyết của T.Ư vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Tổng Bí thư cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, TP đã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ chính trị. Đời sống của Nhân dân được cải thiện, nâng cao; TP ngày càng có nhiều khởi sắc, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với Nhân dân ngày càng được tăng cường; triển khai nhanh và quyết liệt những chủ trương của T.Ư, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Thực tế năm 2024 tại Hà Nội cho thấy, đây là năm thứ tư Hà Nội thực hiện chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt” (rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả; một việc một đầu mối xuyên suốt), TP đã tiếp tục đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm; hành động quyết liệt hơn, biến thách thức thành cơ hội, đề ra những giải pháp cho từng thời điểm cụ thể, đi kèm với những chính sách, cơ chế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại một cách bao quát, tổng thể, nhờ chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, TP đã đạt kết quả toàn diện và quan trọng với 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%); quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng… Số DN thành lập mới đạt hơn 27.000, nâng tổng số DN đăng ký trên địa bàn TP là trên 400.000 DN. Dự kiến năm 2024, vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 10,5%, đạt kế hoạch đề ra.

Trong năm qua, TP tiếp tục nâng cao chất lượng, môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN với 6 hội nghị đối thoại theo từng chuyên đề như lĩnh vực văn hóa - xã hội, tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, về vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường. TP thiết lập và duy trì hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến (zalo, website...) theo thời gian thực để tương tác, trao đổi và thu thập các phản ánh, kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Hà Nội không chỉ làm tốt công tác an sinh xã hội tại Thủ đô, mà còn hỗ trợ các địa phương khác. Hà Nội tiên phong trong hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo; xóa toàn bộ nhà dột nát, khắc phục hiệu quả hậu quả cơn bão số 3… Theo Quyết định số 6489/QĐ-UBND ngày 18/12/2024 của UBND TP phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024, Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, chỉ còn 890 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,04%/tổng số hộ dân TP.

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Thanh Trì và Gia Lâm. Ngoài ra, TP còn có hơn 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hơn 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả đó cho thấy đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nông thôn Hà Nội ngày một khang trang, giàu đẹp và văn minh hơn...

Phát triển hạ tầng, nâng chất lượng sống cho người dân

Trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực, cũng như định hướng phát triển bền vững, sự ra đời của những công trình giao thông lớn, quan trọng, hình thành các khu đô thị, tuyến phố kiểu mẫu… đã nâng tầm vóc, diện mạo đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp và hiện đại. Trong đó, năm 2024, TP đã vận hành thương mại đoạn trên cao Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thành dự án đường Âu Cơ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 cầu gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi…

Hạ tầng đô thị của Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm Hùng

Hạ tầng đô thị của Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm Hùng

TP đang quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất, toàn diện từ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch... đến việc tập trung xử lý vấn đề nước thải, làm “sống lại” các dòng sông nội đô. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2021 - 2025. Như kỳ vọng, trước mắt là sông Tô Lịch sẽ được “hồi sinh” trước ngày 2/9/2025. Việc TP phát động phong trào “Hà Nội xanh, sạch, đẹp” với cách làm thực chất cũng sẽ tạo tiền đề làm thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị trong năm 2025.

Trong năm 2024, TP cũng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi; hoàn thành xây dựng cơ chế, chính sách cũng giúp tạo lập không gian phát triển mới cho Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo. Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025, TP đã nhanh chóng cụ thể hóa, xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để đưa Luật vào cuộc sống, tạo cơ hội để Thủ đô huy động nguồn lực cho xây dựng và phát triển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đây là những động lực để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới mà Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội cũng đi đầu trong xây dựng Thành phố thông minh, ứng dụng mô hình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Một điểm nhấn trong năm vừa qua chính là những bước tiến vượt trội trong ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý, để hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân, DN tốt hơn. Các ứng dụng phục vụ công dân, DN, phát triển xã hội số được TP triển khai quyết liệt, đặc biệt là ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) là nơi người dân, DN có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực.

Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội cũng tiến tới giảm cấp trung gian, hướng tới phục vụ hoàn toàn trực tuyến mức độ 4 toàn trình với mục tiêu không còn “cửa hành chính, khóa thủ tục”, với xu hướng giải quyết thủ tục hành chính “3 phi: phi địa giới, phi trung gian, phi vật chất”.

Từ những định hướng của T.Ư, của Tổng Bí thư Tô Lâm về những vấn đề đặt ra trong xây dựng thể chế hiện nay, trong chống lãng phí, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, TP đang thể hiện sự vào cuộc quyết liệt. Đáng chú ý, để chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển, thực hiện các chỉ đạo của T.Ư, TP Hà Nội đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai; ra quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9ha.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, xử lý và chỉ đạo các tổ chức liên quan khẩn trương hoàn thành một số công trình đang bị chậm, lãng phí để đưa ngay vào phục vụ Nhân dân, thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu, quyết liệt của TP.

Để tiếp tục xây dựng bộ máy hệ thống chính trị với tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư, Ban Chỉ đạo TP về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết và gương mẫu, đi đầu triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư… Đây cũng chính là những tiền đề, cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, không bỏ lỡ thời cơ phát triển trong một giai đoạn mới với những yêu cầu, mục tiêu cao hơn.

Có thể nói, sự bứt phá của Hà Nội trong năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với Thủ đô mà tác động rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với những kết quả đã có, TP tiếp tục có nhiều giải pháp mạnh để cán đích nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ khóa XVII; tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, không bỏ lỡ thời cơ phát triển trong một giai đoạn mới với những yêu cầu, mục tiêu cao hơn.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-but-pha-thanh-cong-de-tang-toc-ve-dich.html
Zalo