Hà Nam: Tăng mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới và thu ngân sách nhà nước

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024, địa bàn tỉnh Hà Nam cũng tăng mạnh cả về số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn do tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động đặc biệt ảnh do cơn bão số 3, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo và định hướng của các cấp các ngành, tỉnh này vẫn có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 24/9/2024, toàn tỉnh có 677 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 9.248 tỷ đồng, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tăng 10,75% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực 8 doanh nghiệp FDI tăng 15,34%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,75%, riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,68%. Chia theo ngành công nghiệp cấp I, số lao động ngành khai khoáng tăng 1,32%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,95%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,5%; ngành cung cấp nước tăng 11,8%.

Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại Khu công nghiệp Đồng Văn II. Ảnh: Báo Đầu tư

Dây chuyền lắp ráp xe máy của Công ty Honda tại Khu công nghiệp Đồng Văn II. Ảnh: Báo Đầu tư

Chỉ số tiêu thụ 9 tháng năm 2024 ước tăng 20,6% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất trang phục tăng 10,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,2%; sản xuất kim loại tăng 50,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 28,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 39%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,6%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 46% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn quý II/2024; 42,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 11,3% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn hơn.

Dự báo 3 tháng cuối năm, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý IV tiếp tục có sự thay đổi tích cực khi có 47,6% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tốt lên so với quý III; 44,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 8,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó: 93,3% số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh 9 quý IV sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 100% và 89,1%.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 9.886 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 61,5% dự toán địa phương. Trong đó, thu nội địa đạt 8.666 tỷ đồng, tăng 25,2% và bằng 60,2%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.220 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ và đạt 72,4% dự toán địa phương. Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong 9 tháng gồm: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 2.310 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài QD ước đạt 2.115 tỷ đồng, chiếm 21,4%; thu về nhà, đất ước đạt 2.141,5 tỷ đồng, chiếm 21,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.220 tỷ, chiếm 12,3%.

Chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm 2024 đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán, đặc biệt là các nội dung chi hoạt động bộ máy nhà nước, chi an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương và chi cho đầu tư phát triển. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 8.982,5 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 58,1% dự toán địa phương. Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 6.270,3 tỷ đồng, tăng 82,2% và bằng 75% dự toán địa phương; chi đầu tư phát triển ước thực hiện 2.616 tỷ đồng, giảm 51,4% và bằng 38,4% dự toán địa phương.

Về tình hình thu hút đầu tư: Công tác thu hút, xúc tiến đầu tư tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện nhằm kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển từ cả nguồn vốn trong và ngoài nước. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/8/2024, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án (tăng 103,7% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 42 dự án (tăng 90,9%) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 6.317,4 tỷ đồng (tăng 5,6%) và 419,1 triệu USD (tăng 62,6%).

Trong đó, đối với dự án FDI, tỉnh này thực hiện cấp mới 16 dự án (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023) với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD (giảm 44,4%); điều chỉnh tăng vốn đầu tư 26 dự án với số vốn tăng 320,9 triệu USD (tăng 295,7%) và thu hồi, chấm dứt hoạt động 4 dự án với số vốn đăng ký 11,7 triệu USD. Đối với dự án trong nước, tỉnh này cấp mới 39 dự án (tăng 225%) với tổng số vốn đăng ký là 5.169,9 tỷ đồng (tăng 34,2%); thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 16 dự án (tăng 220%) với số vốn tăng là 1.147,5 tỷ đồng (giảm 46,1%) và thu hồi, chấm dứt hoạt động với 6 dự án với số vốn đăng ký 1.360,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.227 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 826 dự án trong nước và 401 dự án FDI với vốn đăng ký là 175.727 tỷ đồng và 6.490,1 triệu USD.

Phương Trang

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-nam-tang-manh-ve-so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-va-thu-ngan-sach-nha-nuoc-94242.html
Zalo