Hà Giang: Quy hoạch tạo động lực thúc đẩy du lịch bứt phá

Xác định phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý tốt quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đã có nhiều giải pháp, chính sách linh hoạt, trong đó, công tác quy hoạch phát triển du lịch góp phần thúc đẩy du lịch bứt phá.

Huyện Đồng Văn là một trong 4 huyện vùng cao, núi đá, sở hữu công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó sắc thái văn hóa của người dân tộc Mông, Lô Lô tạo ra sự riêng biệt cho huyện Đồng Văn. Những di sản thể hiện qua kiến trúc nhà ở, bờ rào đá, nghệ thuật múa khèn, trang phục dân tộc, nghề đan lát, dệt vải… được huyện khai thác hiệu quả.

Dịp lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2024 huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã xây dựng, tu sửa 12 điểm nhấn để thu hút du khách.

Dịp lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2024 huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã xây dựng, tu sửa 12 điểm nhấn để thu hút du khách.

Một trong những thành công được thể hiện qua việc tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” ghi dấu 10 năm Lễ hội hoa Tam giác mạch có mặt trên bản đồ du lịch. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo gieo trồng hoa Tam giác mạch thành những vùng rộng lớn, có điểm nhấn với quy mô hàng trăm ha để thu hút du khách; tổ chức các chương trình nghệ thuật mang đậm hơi thở cao nguyên đá, hội thi trang phục dân tộc…

Thông qua lễ hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người nơi đây; quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách. Trong thời điểm diễn ra lễ hội, Đồng Văn thu hút hơn 13.000 lượt khách.

“Tôi thật sự ấn tượng và bất ngờ trước vẻ đẹp nơi đây; tôi được hòa mình vào nhịp sống cao nguyên với lối kiến trúc rêu phong, cổ kính, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào, người dân thì rất thân thiện…”, chị Nguyễn Ngọc Nga, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ.

 Nhờ lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tỉnh Hà Giang ngày càng thu hút du khách.

Nhờ lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tỉnh Hà Giang ngày càng thu hút du khách.

Đặc biệt, nhằm nâng cấp hạ tầng, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X, Đồng Văn đã thực hiện xây dựng, cải tạo 12 điểm nhấn du lịch tại các xã, thị trấn trọng điểm. Trong quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển địa phương này bảo tồn được nét truyền thống, đảm bảo hài hòa, không phá vỡ cảnh quan, địa mạo cao nguyên đá… Trong đó, nổi bật là hàng rào đá khu vực đầu thị trấn Đồng Văn gắn liền với Cổng chào huyện Đồng Văn có tổng chiều dài gần 2km, đây là công trình xếp đá dài nhất trong khu vực, với tổng kinh phí đầu tư 3,8 tỷ đồng. Trung tâm Diễn xướng huyện được thiết kế hình tròn có viền ngoài là bậc tam cấp, khu diễn xướng hình tròn, đường kính 28m với tổng diện tích trên 615m2, mặt sân được lát đá hoa và hoa văn trống đồng của dân tộc Lô Lô.

Các hạng mục xã hội hóa bao gồm trung tâm thương mại, ẩm thực, vui chơi giải trí... được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào người Mông; trung tâm Diễn xướng sẽ tạo điều kiện cho du khách có các hoạt động giao lưu dân ca dân vũ, văn hóa, văn nghệ về đêm khi đến du lịch tại huyện…

Ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: “Để có thể bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững, đồng thời để du lịch Đồng Văn toát lên được cái riêng, chúng tôi chú trọng đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch cho phát triển du lịch. Đặc biệt, tất cả các điểm nhấn, công trình xây dựng mới và sản phẩm du lịch đều phải theo kiến trúc truyền thống”.

Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Còn tại huyện Mèo Vạc, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, xã Pả Vi - một không gian mang đậm bản sắc văn hóa Mông hiện đang là điểm du lịch nổi tiếng mà mỗi du khách khi đến Mèo Vạc đều muốn trải nghiệm. Được khởi công vào cuối năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 4-2019, đến nay Làng văn hóa đã trở thành điểm nhấn trong bảo tồn văn hóa dân tộc Mông và thu hút du khách đến tham quan, lưu trú hằng ngày.

Sự độc đáo ngay từ cổng với hai chiếc khèn lớn, một biểu tượng cho văn hóa Mông, từ con đường sạch sẽ được lát bằng đá, hai bên đường trồng cây đào làm cảnh quan, tất cả các ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc mang đậm bản sắc của dân tộc Mông cùng không gian mở, thân thiện với thiên nhiên. Vì vậy, đây là điểm du lịch được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Du khách trải nghiệm nét sinh hoạt của đồng bào Hà Giang.

Du khách trải nghiệm nét sinh hoạt của đồng bào Hà Giang.

Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ homestay Mèo Vạc Clay house, cho biết: “Ngoài phục vụ dịch vụ lưu trú, ăn uống; để mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, chúng tôi tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ đậm sắc văn hóa Mông, đốt lửa trại…”. Được biết, để tạo thêm hoạt động cho du khách được trải nghiệm nét sinh hoạt, cuộc sống của đồng bào địa phương, homestay Mèo Vạc Clay house đã thuê lại diện tích đất nông nghiệp của bà con tiến hành cải tạo và trồng các loại rau sạch theo mùa vụ. Nhờ đó, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho bà con địa phương, vừa có nguồn thực phẩm sạch để phục vụ du khách. Hiện nay, Mèo Vạc Clay house đang tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động là người địa phương với mức thu nhập hàng tháng từ 7-10 triệu đồng.

Năm 2024, lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 3,286 triệu lượt người, tăng 8,8% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt 8.149 tỷ đồng.

Năm 2024, lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 3,286 triệu lượt người, tăng 8,8% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt 8.149 tỷ đồng.

Theo thống kê, năm 2024, lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 3,286 triệu lượt người, tăng 8,8% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch đạt 8.149 tỷ đồng. Nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận của người dân, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030...

Bài, ảnh: KIM THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/ha-giang-quy-hoach-tao-dong-luc-thuc-day-du-lich-but-pha-809177
Zalo