GV chủ trì ngành phải là cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu, ĐH tư thục có gặp khó?

Quy định về độ tuổi của giảng viên chủ trì chương trình đào tạo là điểm mới trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục đình chỉ và mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1/2025.

Trong đó, quy định chung về giảng viên các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được bổ sung nội dung "Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo".

Trường đại học ngoài công lập có gặp thách thức?

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi bày tỏ: “Quy định về việc giảng viên chủ trì phải là giảng viên không quá tuổi nghỉ hưu tối đa có thể tạo ra những thách thức nhất định cho các trường đại học tư thục, đặc biệt với những ngành đặc thù như kỹ thuật, y học, hoặc nghệ thuật.

Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đáp ứng yêu cầu chủ trì ngành vốn đã hạn chế về số lượng, trong khi đó, các chuyên gia đầu ngành thường có xu hướng làm việc quá tuổi nghỉ hưu thông thường để tiếp tục cống hiến tri thức.

Đối với trường tư thục, việc cạnh tranh thu hút các chuyên gia uy tín từ trường công lập hoặc các tổ chức giáo dục khác trở nên khó khăn hơn do sự khác biệt về nguồn lực và cơ chế hoạt động”.

 Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Châu Anh.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Châu Anh.

Thầy Nguyễn Tiến Luận cũng chia sẻ các khó khăn mà trường đại học tư thục thường đối mặt trong việc tìm kiếm giảng viên chủ trì ngành.

Một là, hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao: Giáo sư, phó giáo sư chủ trì ngành phải là người đã có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu. Những thầy cô này thường sở hữu sự hiểu biết sâu rộng và có tầm nhìn chiến lược về chuyên môn, đóng góp nhiều cho công tác phản biện, phát triển nhà trường.

Họ là những người có thể truyền đạt cho sinh viên những kiến thức thực tiễn và bài học quý giá từ những nghiên cứu quốc tế. Sự hiện diện của họ còn giúp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực giảng viên trẻ cho nhà trường, góp phần phát triển đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy trong tương lai.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng cao, đặc biệt là các giáo sư, phó giáo sư đạt tiêu chuẩn trong một số ngành chuyên môn cụ thể, còn rất khan hiếm. Tình trạng này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trường đại học công lập và tư thục, để thu hút và giữ chân những thầy cô này.

Điều này không chỉ tạo áp lực lớn lên các trường đại học tư thục trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp mà còn làm tăng khó khăn trong việc duy trì chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Hai là, chi phí tuyển dụng cao: Việc thu hút các chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu chất lượng cao đòi hỏi mức thu nhập và chế độ đãi ngộ cạnh tranh.

Các giảng viên có trình độ cao thường yêu cầu mức lương hấp dẫn và các phúc lợi đầy đủ, điều này tạo ra gánh nặng tài chính không nhỏ đối với các trường tư thục.

Với ngân sách có hạn, các trường phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng chi trả mà vẫn duy trì được chất lượng giảng dạy vì mục tiêu phát triển lâu dài của trường.

Ba là, đáp ứng các quy định tiêu chuẩn: Những quy định về giảng viên chủ trì, đặc biệt là các yêu cầu về độ tuổi, bằng cấp, và các tiêu chí chuyên môn, đôi khi là thách thức của các trường đại học tư thục.

Do vậy, khi áp dụng "giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập" có thể khiến việc tuyển dụng giảng viên có chất lượng những lĩnh vực đặc thù gặp khó khăn hơn.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại cho rằng, các trường đại học ngoài công lập không cần quá lo lắng về tiêu chí này trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT.

Theo thầy Tùng, Khoản 4, Điều 31, Chương V tại Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định: Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

“Do vị trí giảng viên chủ trì ngành là một chức danh quản lý nên các giảng viên quá tuổi nghỉ hưu tối đa không đảm nhiệm vai trò này là phù hợp với Dự thảo Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, các thầy cô vẫn có thể tham gia đóng góp vào chuyên môn.

Mỗi quy định đều sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tốt hơn, tôi cho rằng trường công hay trường tư đều bình đẳng” - thầy Tùng cho hay.

 Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT. Ảnh: NTCC.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT. Ảnh: NTCC.

Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ là giải pháp căn cơ

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Thông tư 12 là cơ hội để các trường tập trung vào việc phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ, nhằm đảm bảo sự bền vững và chất lượng giảng dạy trong tương lai.

"Đã đến lúc các trường nên tập trung đầu tư vào việc đào tạo, bồi dưỡng, và tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ phát triển nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo.

Việc này không chỉ giúp các trường cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn chuẩn bị tốt hơn cho sự thay đổi trong quản lý và định hướng phát triển dài hạn của các ngành học, từ đó tạo ra một môi trường giáo dục năng động và hiện đại” - thầy Tùng cho biết.

Còn lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Trãi thông tin, nhà trường chú trọng đến việc nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ giảng viên cơ hữu thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới.

Việc phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ không chỉ giúp nhà trường chủ động trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra nguồn nhân lực ổn định và bền vững.

Nhà trường đã triển khai các chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc cạnh tranh nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Việc xây dựng một chế độ đãi ngộ hợp lý và linh hoạt giúp tạo động lực làm việc cho giảng viên, đồng thời khuyến khích họ cống hiến lâu dài và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Các chuyên gia này không chỉ được mời tham gia làm cố vấn mà còn có thể giảng dạy với tư cách giảng viên thỉnh giảng, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Điều này giúp trường tạo ra một môi trường học tập phong phú, đa dạng và chất lượng.

"Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng kết hợp các phương pháp đào tạo trực tuyến và đào tạo thực tiễn để giảm tải khối lượng công việc cho giảng viên chủ trì.

Việc sử dụng công nghệ đào tạo giúp tối ưu hóa nguồn lực hiện có, tăng cường tính linh hoạt trong giảng dạy, mở rộng khả năng tiếp cận cho sinh viên. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập" - thầy Luận chia sẻ.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-chu-tri-nganh-phai-la-co-huu-khong-qua-tuoi-nghi-huu-dh-tu-thuc-co-gap-kho-post247762.gd
Zalo