Thi giáo viên dạy giỏi có nên xếp loại không?

Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cần xếp hạng giáo viên để trao giải thì Hội thi mới mang lại nhiều ý nghĩa.

Hiện nay, Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Thông tư này không quy định phải xếp thứ hạng cao thấp, không công bố điểm số của từng giáo viên sau Hội thi. Và thực tế, hiện có địa phương xếp thứ hạng và có địa phương không xếp thứ hạng giáo viên đạt giải tại hội thi.

Tuy vậy, người viết là giáo viên bậc phổ thông cho rằng, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cần xếp thứ hạng và công bố điểm thi cụ thể của từng giáo viên vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, tại điểm d khoản 2 Điều 14 Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT quy định thẩm quyền thành lập Ban tổ chức Hội thi và quyền hạn, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Hội thi như sau:

“d) Tổng kết, đánh giá và công bố kết quả Hội thi; thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý theo quy định và các nhiệm vụ khác liên quan.”

Cùng với đó, khoản 2 Điều 16 quy định thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Giám khảo Hội thi như sau:

“a) Dự giờ, trao đổi, nhận xét và đánh giá tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục của giáo viên;

b) Dự phần trình bày biện pháp, trao đổi, nhận xét và đánh giá kết quả trình bày biện pháp đã thực hiện trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; trong công tác giảng dạy, chủ nhiệm lớp;"

Bên cạnh đó, Điều 17 quy định tổ chức thi, đánh giá các nội dung và kết quả Hội thi như sau:

“2. Đánh giá các nội dung thi:

a) Đối với phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục (trích):

- Phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục được ít nhất 03 giám khảo cho điểm và đánh giá theo quy định hiện hành.

b) Đối với phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; công tác giảng dạy; công tác chủ nhiệm lớp:

- Giáo viên trình bày biện pháp; giám khảo trao đổi, đánh giá và thống nhất mức đạt hoặc chưa đạt (trích).

3. Đánh giá kết quả của giáo viên dự thi:

Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh phải đảm bảo: Phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi, và không có giám khảo đánh giá là loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt.”

Thứ hai, phiếu đánh giá bài dạy theo Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH quy định chấm điểm 3 nội dung: 1. Kế hoạch bài dạy (6 điểm); 2. Hoạt động của giáo viên (7 điểm); 3. Hoạt động của học sinh (7 điểm).

Cụ thể, các tiêu chí được nhận xét, đánh giá theo 3 mức: Đạt mức 1 cho khoảng 50-65% điểm tối đa; Đạt mức 2 cho khoảng 65-80% điểm tối đa; Đạt mức 3 cho khoảng 80-100% điểm tối đa. Cho điểm đánh giá thành phần là bội số của 0,25.

Xếp loại bài dạy: GIỎI: tổng điểm đạt từ 18 điểm đến 20 điểm; KHÁ: tổng điểm đạt từ 13,5 điểm đến dưới 18 điểm; TRUNG BÌNH: tổng điểm đạt từ 10 điểm đến dưới 13,5 điểm; KHÔNG ĐẠT: tổng điểm dưới 10 điểm.

Từ các căn cứ trên cho thấy, Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp hoàn toàn có thể xếp hạng và công bố điểm thi của từng giáo viên. Có điều, Hội thi chỉ nên công bố điểm của những giáo viên dạy đạt, còn giáo viên nào dạy chưa đạt thì không cần công khai.

Cùng với đó, Hội thi cần xếp hạng giáo viên dạy giỏi để làm động lực cho thầy cô giáo phấn đấu nâng cao chất lượng chuyên môn và hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình dạy học.

Ngoài ra, giáo viên đoạt giải Nhất Hội thi còn là niềm tự hào cho bản thân, nhà trường, học sinh và gia đình, vì không phải ai cũng có thể đoạt giải cao ở Hội thi cấp tỉnh.

Liên quan đến hội thi giáo giáo viên dạy giỏi, những năm qua, người viết có tham gia làm thành viên ban giám khảo chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Hội thi giáo viên dạy giỏi này được chấm điểm theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT và Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, sau đó nhà trường công bố giáo viên đạt giải, không xếp hạng.

Người viết đã hỏi đồng nghiệp là giáo viên bậc trung học phổ thông ở một số tỉnh phía Nam thì được biết, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thường không xếp hạng, còn ở cấp tỉnh thì giáo viên được xếp giải Nhất, Nhì, Ba.

Cần biết thêm, tại Điều 2 Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT cho biết mục đích và nguyên tắc của Hội thi giáo viên dạy giỏi như sau (trích):

"Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp;

Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học... đối với giáo viên phổ thông."

Thiết nghĩ, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nên xếp hạng giáo viên để trao giải thì Hội thi này mới mang lại nhiều ý nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-giao-vien-day-gioi-co-nen-xep-loai-khong-post247900.gd
Zalo