Gương sáng phát triển kinh tế của vợ chồng đảng viên người Vân Kiều

'Không chỉ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương, anh Hồ Văn May, Phó Chủ tịch HĐND xã và vợ là chị Hồ Thị Dinh, hội viên nông dân ở thôn Ra Po còn là những đảng viên nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc ở vùng khó'- ông Hồ Văn Lâng, Bí thư Đảng ủy xã Xy, huyện Hướng Hóa đã đánh giá về vợ chồng đảng viên tiêu biểu ở địa phương như vậy.

Vợ chồng anh May- chị Dinh đi thăm rừng tràm của gia đình - Ảnh: M.L

Vợ chồng anh May- chị Dinh đi thăm rừng tràm của gia đình - Ảnh: M.L

Cũng như nhiều đôi vợ chồng khác tại bản Ra Po, trước đây, khi mới cưới và tách hộ, khởi nghiệp từ tay trắng nên cuộc sống của gia đình anh May và chị Dinh gặp nhiều khó khăn. Là cán bộ, đảng viên, anh chị luôn xác định cần phải gương mẫu đi đầu thay đổi phương thức sản xuất, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để làm gương cho người dân noi theo.

Nhận thấy tiềm năng đất đồi ở xã khá dồi dào, phần lớn chỉ để làm lúa rẫy, hiệu quả kinh tế thấp, nhiều diện tích còn bỏ không, anh chị quyết định đầu tư mô hình trồng rừng. Trên những diện tích đất bố mẹ để lại, anh chị khai hoang, quy hoạch để trồng tràm.

Bằng nguồn vốn tích cóp được, họ vay thêm vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tín chấp của Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã để mua cây giống. Nhờ tích cực nghiên cứu, tìm hiểu cũng như học tập kinh nghiệm từ các vùng có điều kiện tương đồng về đất đai, khí hậu, ứng dụng phù hợp cách thức làm đất, lựa chọn cây giống nên diện tích tràm được xuống giống đạt tỉ lệ sống cao, phát triển tốt.

Từ kết quả bước đầu thuận lợi này, gia đình anh May mua dần từng mảnh đất rẫy nhỏ lẻ của các hộ lân cận với phương thức trả góp, đồng thời thuê thêm đất rẫy của bà con trong bản để mở rộng diện tích trồng tràm. Cho đến nay, gia đình anh chị có 7 ha rừng tràm, trong đó đất thuê là 3 ha.

Sau hơn 6 năm cần mẫn xây dựng mô hình, vừa qua 4/7 ha tràm của gia đình anh chị cho khai thác, thu về hơn 400 triệu đồng. Anh May chia sẻ: “Thực hiện mô hình trồng rừng, tôi thấy nguồn vốn đầu tư cho cây giống cũng như công làm đất không nhiều. Cây tràm cũng đòi hỏi ít công chăm sóc, phân bón.

Đầu ra của sản phẩm thuận lợi, thương lái đến tận rừng để mua, giá cả tương đối ổn định nên gia đình chúng tôi yên tâm phát triển mô hình này”. Để đa dạng thêm cây trồng, đồng thời tận dụng công chăm sóc, hiện nay gia đình anh May triển khai trồng xen lúa rẫy trên diện tích tràm; trồng cây gỗ sưa tại vườn nhà và khai hoang đất trồng sắn nguyên liệu.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh May và chị Dinh mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng bản, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại xã. Với mong muốn ngày càng có nhiều người ở thôn, xã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở địa phương, vươn lên thoát nghèo bền vững, anh chị sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình cho hội viên nông dân cũng như bà con dân bản.

“Để khai thác tốt tiềm năng về đất đai, với kinh nghiệm cũng như nền tảng bước đầu, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng rừng. Bởi vì, mô hình này vừa giữ đất vừa đem lại giá trị kinh tế. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ kết hợp trồng thêm lúa, sắn và chăn nuôi gia súc, gia cầm để đa dạng hóa cây con, phát triển kinh tế gia đình” anh May cho biết thêm.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/guong-sang-phat-trien-kinh-te-cua-vo-chong-dang-vien-nguoi-van-kieu-191481.htm
Zalo