Gương mặt thứ 81!
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn Phùng Văn Khai tuyển chọn, cho in thành tập '80 gương mặt văn nghệ sĩ quân đội', bìa cứng trang trọng, giấy tốt, in đẹp, nội dung hấp dẫn, văn chương lôi cuốn. Sách chưa phát hành đã được đăng ký mua gần hết, cũng là một sự kiện vui của giới cầm bút và xuất bản.
Theo tôi, tác giả là “gương mặt thứ 81”, tuy không có bài riêng, nhưng qua những trang viết hiện lên rất rõ một chân dung Phùng Văn Khai đáng quý, đáng kính.
Từng là phóng viên, đạo diễn, dựng kịch bản phim truyền hình, rồi chuyển sang nghiệp văn chương, như một cơ duyên, anh trở thành nhà văn sớm có thành tựu. Đa dạng về chủ đề, phong phú về thể loại, năng động, tâm huyết với công việc, Phùng Văn Khai tạo nên một phong cách riêng khó lẫn thể hiện qua hàng chục pho tiểu thuyết lịch sử được nhận nhiều giải thưởng, dăm bảy tập thơ (từng là Trưởng ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội), hàng trăm bài báo mang tính nghiên cứu chuyên sâu về văn học nghệ thuật.
Nhưng trước hết anh là người lính đúng nghĩa, trưởng thành từ binh nhì lên đến sĩ quan cao cấp (đương chức Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội), giàu có vốn sống đời, vốn binh nghiệp, nhiều trải nghiệm nhờ rộng rãi các mối quan hệ… Những điều ấy được biểu hiện rõ trong tập sách này.
Vì một sự dễ hiểu là viết về chân dung thì phẩm chất đầu tiên phải là hiểu biết, hiểu người, hiểu đời, hiểu nghề, hiểu tác phẩm và sự chân thành. Tấm lòng đến với tấm lòng, có con đường nào ngắn nhất, dễ đi nhất, ngoài sự thành thực đâu! Dựng chân dung cũng là một cách đối thoại, với người được nói tới, với độc giả, với chính mình. Không có sự trung thực về nội dung, sắc sảo về cách tiếp cận, mới mẻ về miêu tả, tinh tế về phân tích sẽ không có đối thoại. Vì ai cũng vậy, muốn được nghe cái đúng, cái mới, cái hay, cái lạ, cái nhân văn tốt lành. Càng là đối tượng đặc thù học vấn cao, trải đời, biết nhiều, hiểu rộng càng khó đối thoại là vì vậy.
Nhưng Phùng Văn Khai đã có những đối thoại thành công nhờ sự nắm vững đến “gan ruột” đối tượng, biết nảy ra những nét độc đáo, viết ra với sự thành tâm. Có ba nhóm các gương mặt anh quan tâm: các nhà văn; nhà thơ; các văn nghệ sĩ (họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh)… Hẳn nhiên, cũng tương đối vì ngay trong tác phẩm nghệ thuật đường biên ranh giới của thể loại cũng không rõ ràng, nhưng nhìn từ góc độ tác giả, chịu sự quy định của cái tôi luôn khác biệt nên cũng dễ thấy những đặc trưng, bút pháp riêng.
Một đặc thù của văn học viết về chiến tranh và người lính trong 80 năm qua là hầu hết các nhà văn đều từng là người lính cầm súng trước khi cầm bút, nhất là ở lĩnh vực văn xuôi vốn yêu cầu cao về chất liệu thực tế. Cuộc sống chiến trường đã tôi luyện người lính không chỉ dày dạn về kinh nghiệm chiến đấu, còn là sự lớn lên về tâm hồn biết rung động sâu sắc trước cái đẹp, cái ác; sự ngộ ra các chân lý ở đời… Vì chiến tranh là cuộc thử thách khốc liệt nhất, như một lò lửa, nếu ai bước qua sẽ trở thành một con người khác.
Tập sách có 38 chân dung, với lứa các nhà văn chống Pháp: Văn Phác, Siêu Hải, Hữu Mai, Phùng Quán, Nguyễn Khải, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Phương, Phù Thăng, Dũng Hà, Nguyễn Chí Trung… Nhiều hơn cả là lớp nhà văn chống Mỹ: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Tô Đức Chiêu, Chu Lai… Và những nhà văn thời hậu chiến: Trần Đăng Khoa, Minh Chuyên, Nguyễn Thế Hùng,… Xếp “đội hình” như vậy cũng không hẳn đúng, như Minh Chuyên từng là bộ đội đánh Mỹ, sau này viết nhiều hơn về bối cảnh hậu chiến… Nhưng giới thiệu qua như vậy để thấy “đội ngũ” ấy đều là những nhà văn tiêu biểu, có đóng góp.
Nguyên tắc phác thảo chân dung nhà văn của tập sách là từ không gian trận mạc đi đến trang văn, như một sự đối chiếu cần thiết, bóng dáng cuộc đời nhà văn luôn lấp ló trong trang viết. Lý thuyết nghệ thuật hiện đại quan niệm tác phẩm là mô hình nghệ thuật, thống nhất nhưng không đồng nhất với cuộc sống. Mô hình ấy là thước đo rõ nhất tài năng, vốn sống tác giả. Người đọc quan tâm hơn cả tới cách thức dựng mô hình tức cách kiến tạo/cách kể hơn là nội dung. Chắc chắn Phùng Văn Khai nắm chắc lý thuyết này nên tìm hiểu kỹ hơn quy trình, công thức nhà văn lấy chất liệu từ khói lửa chiến trường đưa vào tác phẩm.
Đấy cũng là cách làm sinh động hóa chân dung, vì người đọc luôn muốn khám phá cái thao tác nhà văn biến hiện thực khốc liệt của chiến tranh thành những thông điệp, những mã văn hóa về hòa bình như thế nào. Thế nên những Phù Thăng, Hồ Phương, Hữu Mai… như được trở về bối cảnh những ngày chống Pháp để tái hiện cái thời rất đỗi trong sáng, đơn sơ nhưng cũng rất mực anh hùng… Những Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân… lại được “đặt” vào từng trận đánh, chiến dịch đánh Mỹ cụ thể vừa lột tả cái ác liệt, dữ dội, vừa nói được về con người kiên cường, quật khởi của thời đại.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào thơ như một giá trị văn hóa được các nhà thơ soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Với Chính Hữu, Vũ Cao, Hoàng Cầm, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi… mỗi người mỗi vẻ, bằng phong cách riêng được Phùng Văn Khai phác thảo theo lối bám sát vào những tác phẩm tiêu biểu nhất, phân tích bối cảnh sáng tác với hoàn cảnh thời đại và tâm trạng nhà thơ để làm bật ra nét riêng.
Qua đây bật ra một bài học sáng tạo: để có thi phẩm để đời, thi sĩ phải như cây xanh bám sâu rễ vào mảnh đất đời sống, vươn cành lá lên bầu trời thời đại quang hợp ánh sáng lý tưởng để kết trái cây tác phẩm nồng nàn hương vị thời thế và nhân thế. Những "Đồng chí", "Núi đôi", "Bên kia sông Đuống"… chứng minh cho điều ấy.
Lứa nhà thơ chống Mỹ, với Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Phạm Ngọc Cảnh… cũng được khắc họa theo lối này. Những chân dung sinh động, đúng là anh bộ đội thời chống Mỹ, và đúng với vai trò thi sĩ trong sứ mệnh sáng tạo những mã văn hóa riêng của thời đại, như một câu thơ Tố Hữu: “Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Tức người lính Cụ Hồ đánh Mỹ hoàn toàn tự nguyện, xả thân, mang tính tiên phong, đậm đà tính lý tưởng.
Chân dung các nhà thơ thế hệ thứ ba (tham gia quân tình nguyện giải phóng Campuchia, chống xâm lược phía Bắc) như Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Anh Nông, Hồng Thanh Quang… được đặt trong thế đối chiếu nghề (thơ) và nghiệp (bộ đội) cùng góc riêng đời tư để truy tìm tiếng nói của bản thể, trong những “Khúc rong chơi” (về Hồng Thanh Quang), những nét “xanh” của xưa Trường Sơn, nay Trường Sa (về Nguyễn Hữu Quý)…
Vẽ ra gương mặt các họa sĩ thường khó bởi phải hiểu sâu phong cách cùng giá trị, ý nghĩa của thế giới họa phẩm đã được sáng tạo, trưng bày. Có người trong nghề, dù hiểu sâu tính bếp núc nhưng chưa đủ vốn ngôn ngữ văn học nên chưa thuyết phục. Các bài viết tinh tế, sâu sắc của Thái Bá Vân, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng…, gần đây là La Khắc Hòa cũng theo xu hướng phân tích vẻ đẹp họa phẩm hơn là chân dung tác giả.
Các bài viết của Phùng Văn Khai về họa sĩ Mai Văn Hiến, Đức Dụ, Văn Đa, Quách Đại Hải, Lê Duy Ứng… khác hơn, thiên về đời sống để cắt nghĩa, lý giải tác phẩm, từ đó khái quát vẻ riêng của chân dung. Các nhạc sĩ (Nguyễn Đình Thi, Vũ Hùng…); các nhiếp ảnh gia (Hoàng Kim Đáng, Nguyễn Đình Toán…), ca sĩ Tân Nhân… cũng theo nguyên tắc này. Đó là cách khôn ngoan, không dẫm vào người đi trước, lại né được cái khó nhất (bởi sự khống chế câu chữ) là vỉa vàng ròng ẩn sâu, không dễ tìm ra của tác phẩm mà vẫn thỏa mãn người đọc. Cái bí quyết lại nằm ở cách dẫn chuyện với những kỷ niệm ngoài đời, những chi tiết ý vị, dí dỏm…
80 con đò bài viết đưa bạn đọc đi từ bờ cuộc đời tác giả sang bờ bên kia thế giới tác phẩm rồi ngược lại. Không chuyến nào giống chuyến nào, bởi nơi xuất phát khác nhau, cách chèo lái, điểm đến khác nhau nên tạo ra ở cả tập sách sự phong phú, đa dạng. Đó là cách làm chỉ có ở Phùng Văn Khai, được sự ưu ái của nghề nghiệp mà quen thân đối tượng, thêm sự cần cù đi sâu tìm tòi những cái riêng, nét mới ở tác phẩm để có những nhận xét, đánh giá bất ngờ, tinh tế, vừa có tính hàn lâm, kinh viện vừa có chất đời sống động, tươi tắn. Được vẽ bằng ngôn ngữ của sự thấu hiểu cả đời, cả văn rồi được “hô thần nhập tượng” của lòng kính trọng, biết ơn, tri âm, ký thác, nên dù chiêm ngưỡng “80 gương mặt”, vẫn thấy hiện lên tấm lòng thấu cảm liên tài của người viết. Được thế, thật khó lắm thay. Cũng thật kính trọng lắm thay!
Tôi muốn gọi gương mặt thứ 81: Nhà văn Phùng Văn Khai đa tài và liên tài!