Vang vọng mãi tiếng trống trận Gio An
Người bạn đồng nghiệp cùng cơ quan hát tặng tôi một đoạn trong bài 'Tiếng đàn Ta Lư' của nhạc sĩ Huy Thục. Giai điệu và ca từ hào hùng của bài hát nổi tiếng càng thôi thúc chúng tôi tìm về xã Gio An, vào thời điểm địa phương chuẩn bị kỷ niệm 60 năm giải phóng (30/12/1964-30/12/2024). 'Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới. Rừng núi ta ơi. Hãy thắm xanh vui cùng bản làng. Mừng thắng trận Gio An…'.
Từ năm 1964, Gio An, vùng đất phía nam sông Bến Hải, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vinh dự trở thành một trong rất ít xã đầu tiên của miền nam hoàn toàn giải phóng; là niềm khích lệ lớn lao cho đồng bào cả nước tiến lên trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc đi đến thống nhất đất nước.
Sẵn sàng đi đầu, hy sinh vì nghĩa lớn
Tôi vui lòng khi được các bạn chọn làm người hướng dẫn viên để về với vùng đất nổi tiếng này. Từ xưa, người Gio An luôn có đặc điểm quý báu đó là lòng biết ơn, sự thơm thảo và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Để tưởng nhớ ân đức trời đất, tổ tiên ban phúc cho người dân có được cuộc sống ấm no, an lành, năm thế kỷ trước, vùng đất xã Gio An được gọi với tên Bái Ân.
8 phường của Gio An ngày đêm tấp nập tư thương và người ngoại quốc theo đường biển đến từ thương cảng Thanh Hà, Cửa Việt ở Gio Linh, rồi lên vùng trung du Gio An mua sản vật như hồ tiêu, vỏ cây quế, dầu trẩu, ngà voi… về buôn bán. Trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”của nhà bác học Lê Quý Đôn viết từ thế kỷ 18 đã nhắc đến sự giàu có về lâm thổ sản của vùng đất này.
Người Gio An sống giản dị, không ích kỷ cho riêng mình, lòng thơm thảo chia sẻ muôn nơi. Tại vùng đất bán sơn địa này, ở những mảnh ruộng nhỏ dưới chân đồi, hằng năm, người dân sản xuất được giống lúa rất quý có tên Minh Xuân để làm ra hạt gạo ngon đặc biệt nhằm cung tiến cho chúa, vua Nguyễn làm thực phẩm trong yến tiệc.
Người Gio An sống giản dị, không ích kỷ cho riêng mình, lòng thơm thảo chia sẻ muôn nơi.
Rồi họ luôn tự hào về người con yêu của quê hương, cụ Lâm Hoằng, thi đỗ Phó bảng, được triều đình nhà Nguyễn mời về kinh đô Huế tham gia việc nước, giữ chức Tham tri Bộ Công. Cụ thuộc phe chủ chiến, vì nghĩa lớn, cụ cầm quân chỉ huy cùng tướng sĩ đánh thực dân Pháp tại cửa biển Thuận An vào ngày 18 đến 20/8/1883, khi Pháp tấn công kinh đô Huế lần thứ 2. Trận đánh không cân sức, cụ bị thương nặng, nhảy xuống biển tuẫn tiết để giữ trọn thanh danh, khi tuổi đời tròn 60.
Tiếc thương cho một con người suốt đời tận tụy vì đất nước, vua Nguyễn truy phong cho cụ “Công bộ Thượng thư”, ban sắc 4 chữ vàng “Tư Thiện Đại Phu”. Ở quê nhà Gio An của cụ, một thời gian chính quyền đổi tên xã thành xã Lâm Hoằng. Ngày nay tên của cụ được đặt tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và tỉnh Quảng Trị.
Câu chuyện mạch nguồn sâu thẳm của Gio An ngày thêm hấp dẫn. Rồi những cơn mưa dầm đổ xuống vùng đất đỏ Gio An cùng cái rét kéo dài làm tê tái người cũng không ngăn nỗi khí thế bừng bừng của mỗi người dân Gio An náo nức chuẩn bị kỷ niệm ngày chiến thắng. Làng nào cũng mổ bò, tổ chức bữa cơm tập thể để ăn mừng. Xã quyết định tặng mỗi gia đình 50 nghìn đồng làm quà mừng chiến thắng.
60 năm trước, hàng nghìn người dân nổi dậy tham gia giải phóng xã Gio An, bây giờ còn sống không được mấy người. Cụ Trần Lương Phiến ở làng Tân Văn năm nay tròn 100 tuổi và cụ Nguyễn Văn Tụng ở làng An Hương đã ngoài tuổi 90. Các cụ như đang sống lại thời tuổi trẻ của mình, minh mẫn, mạch lạc, kể về những tháng ngày giành giật với đối phương, giữ từng tấc đất quê hương.
Đêm 29, rạng sáng 30/12/1964, lực lượng vũ trang phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân Gio An phá tan ấp chiến lược ở tất cả các thôn trong xã, dùng bộc phá đánh sập trụ sở Ủy ban xã của chính quyền chế độ miền nam cũ, làm tan rã bộ máy do chế độ Việt Nam Cộng hòa dựng lên. Ngày 30/12/1964, xã Gio An hoàn toàn giải phóng, trở thành một trong rất ít xã đầu tiên của miền nam được giải phóng, là niềm khích lệ lớn lao cho đồng bào cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Chế độ miền nam cũ không thể dựng lại được chính quyền trên đất Gio An kể từ thời điểm ấy.
Từ năm 1965 đến 1966, trong 2 năm đó, Gio An đúng nghĩa thực sự là vùng quê giải phóng, niềm tự hào, hạnh phúc trào dâng trong mỗi con người, cuộc sống thanh bình đi qua mỗi ngày trên từng ngõ xóm. Chợ An Nha của xã Gio An lại tấp nập, người thập phương đến mua, bán sản vật quý hiếm.
Để mất Gio An là mất địa bàn quan trọng nằm trên tuyến phòng thủ phía nam sông Bến Hải, từ Dốc Miếu, lên Cồn Tiên đến đỉnh Phu Lơ của chế độ Việt Nam Cộng hòa, nên chúng vô cùng cay cú. Mùa hè năm 1967, chúng tổ chức tấn công, càn quét, hủy diệt các xã phía tây quốc lộ 1 như: Trung Sơn, Gio Sơn, nhất là căn cứ cách mạng Gio An.
Không để cho đối phương tiếp tục thực hiện ý đồ càn quét, hủy diệt vào vùng căn cứ cách mạng, Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9 quyết định mở chiến dịch, chọn Gio An làm điểm quyết chiến. Ta chủ động dụ lực lượng đối phương vào địa bàn Gio An để tấn công tạo lợi thế trên chiến trường, đối phương bị trúng kế. Một ngày cuối tháng 6/1967, đúng giờ đã chọn, từ trên các đỉnh núi cao chót vót, từ khu vực Vĩnh Linh, bờ bắc sông Bến Hải, các loại pháo của quân giải phóng bắn xối xả vào mục tiêu Gio An, kéo dài đến 5 ngày.
Tiếng pháo kết thúc, từ Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, đơn vị chủ công làm nên chiến thắng Gio An, tiếng trống nổi lên giục giã liên hồi mừng thắng trận Gio An. Âm hưởng tiếng trống mừng chiến thắng đã khơi nguồn cảm hứng bất tận để nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài ca bất hủ “Tiếng đàn Ta Lư” mãi đi vào lòng nhiều thế hệ, và hôm nay bài hát ấy vẫn được người dân Gio An trân quý, hát mỗi ngày.
Chiến thắng Gio An đã khơi nguồn truyền cảm hứng cho những chiến thắng liên tiếp trên địa bàn Quảng Trị, góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ 1965-1968” của quân đội đế quốc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Máu đào của các chiến sĩ Sư đoàn 324, quân và dân Gio An đã nhuốm đỏ thêm màu lá cờ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Trong thành công và thắng lợi, Gio An cũng chịu đựng mất mát cao quý, rất nhiều chiến sĩ của các lực lượng đã hy sinh, bị thương; nhiều người dân thương tật, nhiễm chất độc hóa học da cam. Máu đào của các chiến sĩ Sư đoàn 324, quân và dân Gio An đã nhuốm đỏ thêm màu lá cờ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Hồ tiêu hữu cơ, rau liệt và du lịch giếng cổ…
Gần 50 mùa hòa bình đi qua, đói nghèo, lạc hậu, chiến tranh đã được đẩy lùi, nhường chỗ cho hạnh phúc. Trong màu xanh no ấm, nhiều người cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất nổi tiếng lịch sử trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ấn tượng sâu đậm khiến nhiều người mê mẩn khi đến xã Gio An hôm nay là sự hoang sơ, tự nhiên vô cùng đẹp mắt bởi những chân ruộng bậc thang tiếp nối nhau.
Thiên nhiên và người xưa đã ban tặng cho vùng đất Gio An hệ thống giếng cổ và ruộng rau liệt sống trên đá, sỏi ở đầu nguồn nước trong veo nên nhiều người còn gọi là rau trên đá. Cùng với đó là những vườn hồ tiêu, cao su tiểu điền của người dân đang cho thu hoạch.
Xã Gio An đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhưng gặp không ít khó khăn. Tư liệu sản xuất là đất đỏ bazan màu mỡ không còn bao nhiêu, phần lớn đã chuyển qua cho công ty cao-su, cách nay mấy chục năm. Là xã có nền kinh tế nông nghiệp, nhưng thiếu điều kiện để phát triển cánh đồng lớn, vì đất đai ít và manh mún.
Trăn trở, tìm hướng phát triển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, nghị quyết đại hội đảng bộ qua các nhiệm kỳ của xã xác định, truyền thống cách mạng luôn là điểm tự vững chắc và khai thác tốt điều kiện tự nhiên riêng biệt để phát triển, hội nhập. Gio An chọn phát triển sản phẩm hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu, trồng cây cao su, du lịch giếng cổ và ruộng rau liệt, xa hơn tìm trồng lại giống lúa Minh Xuân để tạo ra khác biệt trong các sản phẩm nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập, chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Chỉ vỏn vẹn diện tích chưa đến 10ha, nhiều năm qua, cây rau liệt được trồng xen kẽ trong hệ thống các giếng cổ, luôn là loại cây mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ trồng rau liệt nhiều gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống. Những ngôi nhà được xây mới khang trang hơn, chất lượng sống cũng ngày một tốt hơn.
Hệ thống giếng cổ Gio An với 14 giếng là những công trình kiến trúc có một không hai.
Giáo sư Trần Quốc Vượng
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng thốt lên, hệ thống giếng cổ Gio An với 14 giếng là những công trình kiến trúc có một không hai. Trong xu hướng đi tìm điểm mới lạ để trải nghiệm, du khách trong và ngoài nước đã chọn hệ thống giếng cổ Gio An là điểm đến không thể thiếu được trên bản đồ du lịch. Tỉnh Quảng Trị đã kết nối hệ thống giếng cổ Gio An để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử đặc biệt của Quảng Trị cũng như Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho hoạt động bảo tồn vừa nâng cao đời sống cho người dân trong vùng di sản.
Còn trên những diện tích đất đỏ bazan khiêm tốn trong các mảnh vườn được người dân năng động hợp đồng với các doanh nghiệp để phát triển hồ tiêu hữu cơ xuất sang thị trường Mỹ. Chất liệu hồ tiêu Gio An thơm ngon nổi tiếng hơn tiêu trồng ở Tây Nguyên, Phú Quốc, dung trọng của tiêu đạt hơn 600g/l. Nói thì nghe rất dễ, để có được hạt tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất qua Mỹ, các hộ sản xuất phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, khắt khe.
Gia đình ông Bùi Văn Tâm ở thôn An Nha, xã Gio An, có vườn hồ tiêu rộng 12 sào. Năm nay sản lượng vườn hồ tiêu của ông Tâm ước tính đạt hơn 2 tấn hồ tiêu khô, bán thu về được khoảng 350 triệu đồng. Một số tiền rất mà ông Tâm không dám nghĩ đến khi vườn hồ tiêu bắt đầu mới ra hoa. Gio An được xem “thủ phủ” hồ tiêu của huyện Gio Linh với diện tích 120ha. Tổng giá trị thu về từ hồ tiêu khô mang lại cho người dân Gio An năm 2024 khoảng 20 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Gio Linh Lê Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gio An Anh hùng luôn lạc quan vượt qua, để làm nên một cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả, tạo ra bước nhảy vọt về chất trong phát triển kinh tế,xã hội và quốc phòng, an ninh để tiếng trống trận Gio An luôn vang vọng mãi. Huân chương Lao động hạng Ba được Đảng và Nhà nước tặng thưởng xã Gio An nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng là phần thưởng cao quý, xứng đáng.
Bí thư Huyện ủy Gio Linh Lê Tiến Dũng gợi ý, đối với việc xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, Gio An cần nỗ lực hơn nữa, huy động tối đa nguồn lực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cần chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, các hợp tác xã. Chú trọng xây dựng nhiều vùng sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản sạch, an toàn gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp để thực hiện để Gio An sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.