GS.TS Nguyễn Thị Doan: Thúc đẩy học tập suốt đời để bồi đắp tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh
Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội thảo Khuyến học xanh - nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 'Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050'.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thành Văn
Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan tại Hội thảo Khuyến học xanh:
Phát triển bền vững được đề ra từ năm 1992 tại hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển của Liên Hợp quốc tại Brazil, theo đó, phát triển bền vững được xác định là "sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện đại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai".
Phát triển bền vững được xác định là: phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phát triển môi trường. Như chúng ta đã biết tương lai của mỗi con người đang bị đe dọa bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên hỗ trợ cuộc sống đang dần bị cạn kiệt do sự khai thác "tàn bạo" của con người. Bởi lẽ, một thời gian dài con người coi tài nguyên thiên nhiên là nguồn sống chính. Với tư duy khai thác tài nguyên để làm giàu cho cá nhân, gia đình, tập đoàn, nhà nước đã kéo dài trong nhiều năm mà tài nguyên "Rừng vàng, biển bạc" đã bị tàn phá, càng khai thác, càng bị hủy diệt, thú rừng bị săn bắn, gỗ rừng bị tàn phá, có những cây tồn tại cả 100 năm. Điều đó làm tài sản quý giá mất đi vĩnh viễn nếu chúng ta không có cách "bồi hoàn" lại. Thậm chí tăng trưởng kinh tế cũng bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường. Với tư duy thiển cận, lạc hậu kéo dài như vậy nên nguồn tài nguyên "Rừng vàng, biển bạc" đã dần mất đi, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, lũ quét... làm cuộc sống của một số vùng rơi vào cảnh nghèo kéo dài. Thiên nhiên bị tàn phá bởi con người, vì con người kéo dài quá lâu, thậm chí hiện nay, đâu đó vẫn còn cảnh phá rừng, đáng lên án là đã có cán bộ trong bộ máy nhà nước ở địa phương can dán vào tình trạng đó.
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về "Bảo vệ môi trường", chống phá rừng và đã có nhiều biện pháp răn đe và mới đây, ngày 01 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" với 4 mục tiêu cơ bản: Giảm cường độ phát thải nhà kính; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Sau khi có Quyết định 1658/QĐ-TTg, tất cả các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu cả nước chung tay để làm cho Việt Nam trở thành Quốc gia xanh phát triển bền vững để góp phần bảo vệ Trái đất xanh theo công ước Liên Hợp quốc mà Việt Nam là thành viên tích cực.
Vấn đề lớn nổi lên ở đây là: Cần thay đổi tư duy về cách ứng xử với Môi trường thiên nhiên từ chỗ coi tài nguyên thiên nhiên chỉ là nguồn sống nên phải khai thác đến cạn kiệt, sang coi thiên nhiên là bạn, sống dựa vào nhau, cùng phát triển bền vững. Chúng ta đã từng nghe bài hát:
"Đất nước Việt Nam yêu dấu,
Có còn đẹp mãi được không
Điều đó là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn
Hoàn toàn phụ thuộc vào bạn mà thôi".
Bài hát này ra đời đã nhiều thập niên qua, nhưng "Bạn" là ai? Chúng ta đều xác định được: Đó là con người. Nhưng Con người vẫn hủy hoại môi trường sống, do đó phải đổi mới tư duy theo hướng xanh hóa: Sống dựa vào thiên nhiên, thiên nhiên là nguồn sống, là lá phổi, là mạch máu... của đất nước và con người.
Do đó, phải bảo vệ thiên nhiên, bồi đắp để thiên nhiên ngày càng giàu có, đồng hành với cuộc sống của cỏ, cây, muông, thú, cá, tôm... và như vậy cả con người và thiên nhiên ngày càng phát triển, đồng hành trên con đường phát triển bền vững.
Như vậy, thế hệ này qua đi, thế hệ khác vẫn phát triển bền vững. Lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" mãi mãi là kim chỉ nam chỉ đường cho chúng ta đi.
Song, vấn đề tư duy xanh nêu trên mới chỉ dừng lại ở khía cạnh bảo vệ môi trường. Lối tư duy này sẽ được triển khai trong lĩnh vực phát triển kinh tế, hướng vào xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm. Một khi tư duy đã thay đổi thì mọi hành vi, mọi hành động sẽ thay đổi theo vì tư duy quyết định hành vi, mọi hành động sẽ thay đổi theo vì tư duy quyết định hành vi, hành động về phát triển xanh, bền vững.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay cần được đề cập đến, đó là: Cùng với việc môi trường thiên nhiên bị hủy hoại thì cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, nề nếp gia phong, gia pháp dòng họ và đời sống xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi. Tâm hồn, tư duy của cả người trẻ lẫn người cao tuổi khác trước rất nhiều. Cuộc sống thực dụng, ít quan tâm đến người thân, bạo lực, bạo hành... trong gia đình nhiều nơi mang tính dã thú, ác độc... Lối sống ấy phát triển từ tư duy thực dụng, lạc hậu, dùng sức mạnh đối với kẻ yếu để chiếm đoạt tài sản và hạnh phúc. Lối sống ấy cũng bị tác động bởi các ấn phẩm đồi trụy, các tài liệu phản động mà chúng ta đã có nhiều biện pháp nhưng do mạng xã hội phát triển khách quan, không thể cấm triệt để. Trong một bức tranh xã hội đã có nhiều khởi sắc mà điểm nhiều chấm đen bởi lối sống như vậy cũng làm môi trường sống bị ô nhiễm. Vì môi trường sống không chỉ đơn giản là môi trường thiên nhiên mà môi trường sống còn bao hàm cả sự lành mạnh của môi trường. Một môi trường đầy ắp tình yêu thương, nhân ái, đầy ắp sự sẻ chia... cộng với môi trường thiên nhiên xanh mát, dịu dàng sẽ làm cho con người và thiên nhiên phát triển hài hòa, một ngày trôi đi là một ngày vui, đáng nhớ, đáng tiếc. Lối sống xanh được quyết định bởi tư duy xanh. Việc không săn bắn, giết hại động vật hoang dã, chặt phá rừng chỉ là một khía cạnh của nội dung ngược lại lối sống xanh. Lối sống xanh còn gắn liền với sự thể hiện trong cuộc sống hàng ngày: Cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, tổ chức, xã hội... luôn giữ được cuộc sống vì cộng đồng, yêu thương, chia sẻ, truyền cảm hứng, động viên, khích lệ, tạo không khí vui tươi trong tổ chức, trong gia đình để có môi trường sống tốt là yếu tố quyết định cho cuộc sống xanh. Một lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu việc đối xử không văn hóa với Bạn thiên nhiên, không sử dụng các sản phẩm độc hại, đồi trụy, luôn tìm cách truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Đó là lối sống xanh cần được xây dựng và phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số, AI sẽ dần thay thế con người, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Nếu không có lối sống xanh, chúng ta sẽ ra sao trong bối cảnh ấy? Làm thế nào để đổi mới mà không ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục và phát triển bản sắc tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam, để văn hóa không bị vẩn đục bởi thói hư tật xấu. Như vậy, chúng ta hướng tới tư duy xanh để chỉ đạo mọi hành vi luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và bảo vệ lối sống của con người.
Trong điều kiện cuộc sống đang diễn ra với nhiều yếu tố khó lường, khó dự đoán và mang tính khách quan hiện nay, đòi hỏi mỗi con người phải có đầy đủ kỹ năng làm việc tốt theo hướng xanh hóa, có ứng xử văn minh, có trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên và sự phát triển bền vững của xã hội. Để có đầy đủ các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của phát triển xanh, lối sống xnah, mỗi công dân cần luôn phải bồi đắp tri thức theo hướng "Học không bao giờ cùng" và vận dụng sáng tạo những kiến thức đã có và tìm tòi những tri thức chưa có đưa vào cuộc sống lao động và hoạt động hàng ngày. Nếu không học, học suốt đời thì chúng ta không thể đổi mới tư duy, xử lý các mâu thuẫn, các xung đột xảy ra từ gia đình đến xã hội trong bối cảnh yêu cầu phát triển xanh, bền vững, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, trí tuệ nhân tạo dần thay thế con người, cạnh tranh việc làm giữa máy móc và con người ngày càng gay gắt, sự kết nối vạn vật bằng Internet phát triển trong khi trình độ toàn diện của chúng ta còn hạn chế (có tới 67% lao động lứa tuổi từ 15 đến 44 chưa có 1 chứng chỉ công nhận trình độ về nghề nghiệp nào - Theo ILO 2024). Lứa tuổi lao động vàng này chỉ biết lao động chân tay, kiếm nhiều tiền càng tốt. Sáng đi làm theo ca, hết giờ về nhà dành thời gian nghỉ ngơi, lướt điện thoại... thì sự am hiểu về tăng trưởng bền vững, phát triển xanh, trái đất xanh và những việc cần làm chắc chắn bị hạn chế. Trong khi tri thức hàng ngày tăng theo cấp số nhân, cuộc sống đòi hỏi ở con người nhiều tri thức để xử lý nhiều vấn đề để phát triển bền vững. Có thể nói, hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực xanh với tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh.
Trước yêu cầu cấp bách để xanh hóa môi trường, xanh hóa trái đất, xanh hóa trong tất cả các công đoạn của cuộc sống từ nhà đến cơ quan, nhà máy, trường học, chúng ta phải học, học suốt đời để trang bị kiến thức và các kỹ năng, trước tiên giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội và hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Cuộc sống xã hội hiện đang có nhiều sự khác biệt so với giá trị truyền thống trước đây, song mẫu số chung của mọi thời đại là ai cũng phải sống tốt, nhân ái, yêu Tổ quốc, yêu thương cộng đồng và bảo vệ môi trường (môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, môi trường làm việc...).
Từ xa xưa cha ông ta đã dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm, rồi: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...", "Giấy rách phải giữ lấy lề". Những lời dạy ấy sẽ mãi mãi trường tồn đối với mỗi người con đất Việt. Do đó, xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng tươi đẹp nhưng cũng bộn bề sự phức tạp chính từ trong gia đình. Nếu chúng ta không học thì không ứng xử tốt với mọi tình huống và mãi mãi "Là một dân tộc yếu".
Vậy Hội Khuyến học phải làm gì trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg về "Tăng trưởng xanh" với tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh đã nêu ở trên?
Nhiệm vụ chính của Hội Khuyến học không phải trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng xanh hóa mà chỉ là liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự nghiệp này mà thôi. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự chủ động mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với giáo dục ban đầu, đây là việc hết sức hệ trọng vì Nguồn nhân lực xanh phải bắt đầu từ đây. Hội chỉ có thể hỗ trợ thông qua các chương trình trao thưởng nội dung này theo tiêu chí 2 cơ quan xây dựng, xét chọn hoặc phối hợp mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh theo chương trình giáo dục xanh.
Vận động, thúc đẩy, khuyến khích việc học tập suốt đời của người lớn là nhiệm vụ chính của Hội, với vai trò Hội làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Người lớn bao gồm những người trong độ tuổi lao động cho đến khi nghỉ hưu. Đây là lực lượng nòng cốt trong guồng máy của đất nước hiện nay. Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rất rõ những khuyết tật trong học tập của một bộ phận Người lớn này. Nếu cứ duy trì tình trạng này lâu thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của Quyết định 1658/QĐ-TTg.
Để thúc đẩy, vận động việc học tập suốt đời của người lớn theo hướng xanh hóa, trước tiên cần vận động họ thực hiện tốt 3 năng lực cốt lõi của "Công dân học tập", nhất là phân bổ thời gian, quản lý việc tự học một cách nghiêm túc. Tự học là chìa khóa của quá trình học tập thành công. Trước tiên phải quản lý thời gian học tập có khoa học, phân bổ thời gian hợp lý, không dùng thời gian vào việc chơi game, lướt mạng và xem các chương trình độc hại ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục... Điều này sẽ giúp con người sống khỏe, nạp được nhiều tri thức và tìm cách vận dụng sáng tạo vào công việc.
Trong quá trình làm việc và sản xuất: Vận dụng sáng tạo các kiến thức vào công việc. Thực hiện tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; sử dụng thành thạo các kỹ năng nhằm sử dụng thời gian lao động hợp lý; sử dụng thành thạo các thiết bị, an toàn lao động; tôn trọng kỷ luật lao động, không xả rác bừa bãi... Sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh; không phụ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo (Chat GPT), phải tự tư duy và quyết định. Cần kết hợp AI, kiến thức mình đã có và kinh nghiệm cá nhân để đưa ra quyết định chính xác. Đặc biệt sử dụng AI cần phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta... Muốn thực hiện được điều này, chúng ta phải có kỹ năng xanh trong sử dụng công nghệ thông minh. Chỉ có học cộng với quyết tâm cao độ thì mới có thể giải quyết được bài toán khó này, bởi dễ nhất là cái gì không biết thì hỏi Chat GPT. Cứ làm như vậy mãi, tri thức sẽ bị mai một, con người sẽ trở thành lười biếng, nguy cơ sẽ xảy ra đối với việc không thực hiện được mục tiêu của phát triển xanh - bền vững.
Phát triển kỹ năng xanh trong ứng xử với các mối quan hệ xã hội, ứng xử với đồng nghiệp, với gia đình, với thiên nhiên.
Về nội dung này: Khuyến học xanh nhằm vào việc phối hợp với cơ quan giáo dục xây dựng, lồng ghép nội dung các chuyên đề về phát triển bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi xanh, lối sống xanh, tư duy xanh vào chương trình học tập, sinh hoạt tại Trung tâm học tập cộng đồng. Muốn thành công, cần có phương pháp truyền đạt, trao đổi, thảo luận linh hoạt bằng các dẫn chứng thực tế, có thực, hấp dẫn giúp người học nhớ lâu, thực hành được ngay. Mục tiêu của các chuyên đề nhằm giúp mọi người phát triển được yếu tố dương tính: Thông minh, sáng tạo, dũng cảm đương đầu..., khắc phục dần yếu tố "âm tính" đã tồn tại khá lâu: làm theo thói quen (trăm hay không bằng tay quen), bắt chước cách làm đã có, quen sống bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên để sống, không cần học vẫn sống tốt. Cần tuyên truyền mạnh mẽ bằng các hình thức sinh động trong cộng đồng để người dân thay đổi tư duy, ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường sống mà dễ nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, không buôn bán động vật hoang dã, không phá rừng, không xem mạng độc hại...
Thực tế đã chứng minh vì có học mới phát triển bền vững: kinh tế - xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ và ngày càng xanh hóa.
Thực hiện các nội dung của khuyến học xanh là một quá trình gian nan, vất vả, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phải có cơ chế, chính sách có lợi cho dân và đất nước và có biện pháp xử phạt nghiêm minh. Bảo vệ môi trường tưởng dễ mà thật khó vì người dân chưa có ý thức cao trong vấn đề này (ví dụ: chỉ có phân loại rác mà trải qua thời gian dài phát động, đến nay chưa thành công). Các xung đột từ gia đình đến xã hội, vẫn xảy ra, có trường hợp rất trầm trọng. Hội Khuyến học các cấp sẽ bàn giải pháp để thực hiện khuyến học xanh sau tọa đàm.