GS-TS Đặng Lương Mô, người sống trọn vẹn với lý tưởng khoa học
Điều những người làm khoa học yêu quý GS-TS Đặng Lương Mô không chỉ là sự gần gũi, sẵn sàng chia sẻ kiến thức… mà trong những năm tháng ở nước ngoài, ông vẫn luôn hướng về đất nước với khao khát cũng như nhiều nỗ lực để phát triển ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam.

GS-TS Đặng Lương Mô
Ông là đại diện của một trí thức lớn: học sâu, nghĩ xa, và sống trọn vẹn với lý tưởng khoa học. Những đóng góp của GS-TS Đặng Lương Mô cho nền khoa học nước nhà sẽ còn mãi…
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1962, ông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Nhật Bản vào năm 1968. Những năm sau đó, ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba, rồi trở thành giáo sư chủ nhiệm ngành vi mạch tại Đại học Hosei - một trong những trường đại học danh tiếng tại Nhật Bản.
Đến năm 2002, ông trở về Việt Nam và định cư tại TPHCM. Ngay sau khi về nước, ông đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn sau đại học tại nhiều trường đại học tại TPHCM, đảm nhiệm vai trò Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều. Đặc biệt, ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Phòng Nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch và Chương trình đào tạo sau đại học hướng vi điện tử trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Từ rất lâu, ông đã từng nói rằng vi mạch như là “bát cơm, chén nước” để phát triển đất nước lớn mạnh. Tôi nhớ, ông đề xuất thiết lập ICDREC tại Đại học Quốc gia TPHCM năm 2005. Trung tâm đã thiết kế thành công con chip đầu tiên của Việt Nam và thực chất đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch, đào tạo được hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.

GS-TS Đặng Lương Mô trao đổi với các giảng viên về thiết kế vi mạch. Ảnh: QUANG HUY
Với TPHCM, GS-TS Đặng Lương Mô như mang một duyên nợ với ngành vi mạch bán dẫn và các Chương trình phát triển vi mạch thành phố đều có dấu ấn của ông. Triển khai Chương trình Vi mạch TPHCM với mục tiêu hoàn chỉnh phần thiết kế chip, trong quá trình nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch, cách đây hơn chục năm, ICDREC thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã thành công trong việc cho ra đời chip Sigma K3 - con chip đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam gia nhập thị trường chip thế giới.
Hành trình từ con số 0 và sau nhiều mày mò, tìm kiếm thử nghiệm trong 4 năm, ICDREC đã chế tạo thành công con chip thương mại đầu tiên của Việt Nam. Hơn 150.000 con chip SG8V1 ICD REC sản xuất lần đầu ở Việt Nam được đưa ra thị trường tiêu thụ cuối năm 2014. Chip “made in Vietnam” có tính năng và thông số vượt trội so với chip cùng loại của hãng Microchip (ông vua ngành sản xuất chip thế giới) nhưng giá bán thấp hơn… có bóng dáng rất lớn của GS-TS Đặng Lương Mô ở đó.
Nói về những hoạt động không mệt mỏi của GS-TS Đặng Lương Mô thì rất nhiều và trong đó ông luôn cảm thấy tiếc nuối một dự án đầu tư cho Trung tâm Chế biến vi điện tử (Center for Micro-Electronics Fabrication, viết tắt là CMEF), mà năm 2003, GS-TS Đặng Lương Mô đã gần như xin được từ Tập đoàn NTT (Nhật Bản), viện trợ miễn phí cho Việt Nam.
Tổng giá trị của dự án lúc đó là 7,5 triệu USD nhưng vì một số lý do ở phía chúng ta, dự án CMEF đã không được Nhật Bản viện trợ. Sau đó, Nhật Bản đem viện trợ cho Malaysia, nên nước này đã chế tạo được vi mạch từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI… Việc này, đến trước những ngày chia tay chúng ta, ông vẫn còn thể hiện sự nuối tiếc!
Với Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), GS-TS Đặng Lương Mô đã có nhiều đóng góp thiết thực và những hoạt động không mệt mỏi. Ông đã tham dự hầu hết các sự kiện quan trọng của SHTP trong giai đoạn từ năm 2010 đến những năm sau này, cụ thể: Ông được mời tham gia làm thành viên danh dự của Hội đồng khoa học SHTP trong giai đoạn 2012-2028 và đã đóng vai trò cố vấn khoa học cho hướng đi chuẩn bị nhân lực cho chương trình phát triển vi mạch TPHCM và chương trình Minimal Fab hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM với SHTP ở thời điểm đó.
Khi ở những năm đã qua tuổi 70, nhưng GS-TS Đặng Lương Mô luôn tham gia và góp ý cho việc tổ chức Hội nghị KH-CN thường niên của SHTP nhằm tạo kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và thiết kế vi mạch, đã tạo ra nhiều tiếng vang tích cực trong cộng đồng khoa học quốc tế. Sự hiện diện, ý kiến đóng góp, phản biện của ông là minh chứng, là sự bảo tín cho các giá trị khoa học ở những sự kiện khoa học tầm cỡ quốc tế… mà ít người làm được.
“GS-TS Đặng Lương Mô, đã từ trần tại Bệnh viện 175 (TPHCM) vào ngày 6-5-2025, hưởng thọ 89 tuổi”, nghe tin này bao kỷ niệm của tôi cùng ông ùa về, vẫn còn đó nhiều việc chưa làm xong, những ước muốn còn chưa thành…
Sự ra đi của ông là mất mát to lớn đối với cộng đồng công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng và cộng đồng khoa học, giáo dục trong nước lẫn quốc tế. Tôi tin rằng, ông đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho bao thế hệ học trò, đồng nghiệp và những người trân quý tinh thần học thuật bền bỉ, đầy cống hiến của ông trong suốt cuộc đời để từ đây tiếp tục thôi thúc tinh thần khoa học cho bao thế hệ kế tiếp. Tôi tin vậy!
GS-TS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1962, ông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Nhật vào năm 1968. Trong suốt hơn 60 năm sự nghiệp, ông đã công bố hơn 300 công trình khoa học và sở hữu hơn 10 bằng sáng chế. Ông được vinh danh trong nhiều danh sách uy tín như “Marquis Who’s Who in the World”, nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt” năm 2004.
Với sự đóng góp của GS-TS Đặng Lương Mô, ngày 23-4 vừa qua, ông được Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tôn vinh là cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM (1975-2025).