GS. Huỳnh Văn Sơn: Dành thời gian chất lượng cho gia đình là khoản đầu tư không bao giờ lỗ

Gia đình không tránh khỏi những 'cơn bão nhỏ', nhưng nếu mỗi thành viên đều nắm tay nhau đi qua, 'ngôi nhà' sẽ thêm bền vững. Lúc ấy gia đình sẽ là nơi chúng ta rất cần, thật sự cần bảo vệ, vun đắp, tôn tạo…

GS. Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm, khi nền tảng gia đình vững chắc, cá nhân có khả năng thích nghi tốt hơn với biến động xã hội. (Ảnh NVCC)

GS. Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm, khi nền tảng gia đình vững chắc, cá nhân có khả năng thích nghi tốt hơn với biến động xã hội. (Ảnh NVCC)

Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Gia đình (15/5).

Gia đình là “cái nôi” của nhân cách

Trong thời đại hiện nay với nhiều thay đổi về lối sống và giá trị xã hội, ông định nghĩa “gia đình” như thế nào để phù hợp với bối cảnh hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi?

Gia đình trong bối cảnh hiện đại vẫn là một hệ thống tình cảm – trách nhiệm – phát triển, nơi mỗi thành viên tìm thấy tình yêu thương, sự bảo vệ, sự định hình giá trị sống và động lực để trưởng thành.

Tình thương cần đi liền với trách nhiệm; tình cảm đi liền với sự phát triển của mỗi người, từng người và cả gia đình. Dù xã hội thay đổi, gia đình vẫn là “mái nhà” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - nơi được mỗi người nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tâm hồn. Mái nhà ấy đủ ấm, đủ che chở, đủ thu hút, đủ lôi cuốn, đủ nhắc nhở mỗi cá nhân biết sống, sống trách nhiệm…

Gia đình có vai trò không thể thay thế dù sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội như thế nào, bởi đó là nơi đầu tiên và lâu dài nhất hình thành nhân cách, điều chỉnh hành vi, phát triển cảm xúc. Khi nền tảng gia đình vững chắc, cá nhân có khả năng thích nghi tốt hơn với biến động xã hội, xa hơn còn góp phần kiến tạo một xã hội nhân văn, bền vững. Gia đình không chỉ giúp ta trưởng thành mà ở góc độ nào đó thúc đẩy sự hoàn thiện, nỗ lực không ngừng và quyết tâm sống tốt.

Theo ông, gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành nhân cách, sự phát triển tâm lý và xã hội của mỗi thành viên, từ trẻ em đến người lớn?

Gia đình là “cái nôi” của nhân cách và để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm trí của mỗi cá nhân. Những giá trị đầu tiên về yêu thương, trung thực, trách nhiệm, sự kiên nhẫn… đều được gieo mầm từ môi trường gia đình.

Một đứa trẻ lớn lên trong sự quan tâm đúng mức, trong cách ứng xử văn minh của cha mẹ, sẽ hình thành những mô hình hành vi tích cực, vững vàng vào đời. Những quan hệ của cá nhân trong cuộc sống cũng bị “phóng chiếu” sâu sắc từ những ảnh hưởng ban đầu và cả lâu dài từ gia đình.

Không chỉ với trẻ em, người trưởng thành cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ gia đình, Đó là, sự cân bằng cảm xúc, năng lực vượt qua khủng hoảng, cách giải quyết xung đột đều phản ánh “văn hóa gia đình” đã thấm sâu như thế nào. Có thể nói, gia đình chính là nơi “tập dượt xã hội” đầu tiên và liên tục của mỗi con người để sống, để tồn tại và phát triển.

Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại hóa, kéo theo những thay đổi trong cấu trúc và giá trị gia đình truyền thống. Những giá trị nào vẫn cần được giữ gìn và phát huy, những yếu tố mới nào cần được xây dựng để gia đình ngày càng vững mạnh?

Những thay đổi trong cấu trúc và giá trị gia đình truyền thống là điều tồn tại thật. Nhưng chúng ta cần giữ gìn những giá trị cốt lõi như yêu thương vô điều kiện, tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm với bản thân và gia đình, kiên trì gắn bó vượt qua thử thách, hết lòng và hy sinh. Đây là những giá trị nền móng mà thời đại nào cũng cần và gia đình nào cũng cần.

Bên cạnh đó, gia đình hiện đại cần thêm những yếu tố mới như sự tôn trọng cá tính và khác biệt, kỹ năng giao tiếp đa thế hệ, khả năng thích ứng với thay đổi, năng lực điều chỉnh và dung hòa, bản lĩnh chấp nhận và tác động tích cực. Một gia đình hạnh phúc, vững bền hôm nay không chỉ cần sự chăm sóc, mà còn cần sự sẻ chia, đối thoại cởi mở và đồng hành chủ động trong đời sống thường nhật và cả định hướng cho tương lai.

Cần "chất kết dính" giữa các thành viên

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, nhiều người dành thời gian cho mạng xã hội hơn là gia đình, ông đánh giá thế nào về tác động này? Và làm sao để cân bằng?

Công nghệ là công cụ hữu ích, nhưng nếu không kiểm soát, nó dễ khiến con người xa rời nhau ngay trong chính tổ ấm của mình. Mỗi phút giây chúng ta “trực tuyến” với thế giới ảo nhưng “ngoại tuyến” với người thân, là mỗi lần sợi dây kết nối gia đình bị mài mòn. Có thể chỉ nên đánh giá rằng, một bộ phận nhất định đang dành thời gian cho mạng xã hội hơn là gia đình và điều này nhất thiết phải thay đổi.

"Yêu thương không chỉ là cảm xúc, mà còn là hành động cụ thể mỗi ngày, thường xuyên, liên tục".

Để cân bằng, trước hết mỗi người hay mỗi gia đình cần đặt ưu tiên đúng đắn: dành thời gian chất lượng cho gia đình là khoản đầu tư không bao giờ lỗ vốn hay cần phải tính toán. Những bữa ăn chung, những buổi trò chuyện không thiết bị điện tử, những chuyến dã ngoại giản đơn nhưng đậm tình, những hoạt động cụ thể nhưng đầy trải nghiệm cùng nhau, cần nhau… sẽ là “chất kết dính” thực sự giữa các thành viên.

Cân bằng không phải là làm bằng nhau, càng không phải là sự trừ hao, lấp đầy sau thiếu mà nhận thức hài hòa, thái độ tích cực và hành động cụ thể, thật sự bằng hành vi, tâm huyết.

Ông nhìn nhận ra sao về những thách thức mà các gia đình trẻ hiện nay đang đối mặt, đặc biệt là áp lực kinh tế, ly hôn, hoặc khoảng cách thế hệ?

Một số gia đình trẻ đang gánh chịu nhiều áp lực đa chiều như kinh tế không ổn định, nhịp sống nhanh, kỳ vọng xã hội cao, áp lực tự thân, nội lực mỏng, gắn kết non… dẫn đến mâu thuẫn, căng thẳng, stress, bất hòa, thậm chí đổ vỡ. Khoảng cách thế hệ cũng sâu sắc hơn do sự khác biệt trong cách tiếp nhận thông tin và giá trị sống dẫn đến sự đỗ vỡ.

Để vượt qua, cần lắm sự cân chỉnh nhưng có thể chú ý đến các yếu tố, đó là biết lắng nghe và tôn trọng khác biệt; chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm trong gia đình; xây dựng kỹ năng giải quyết xung đột một cách văn minh; kiên nhẫn, dung hòa từng chút một từ sự cố gắng, nỗ lực.

Gia đình không tránh khỏi những “cơn bão nhỏ”, nhưng nếu mỗi thành viên đều nắm tay nhau đi qua, “ngôi nhà” sẽ thêm bền vững. Lúc ấy gia đình sẽ là nơi chúng ta rất cần, thật sự cần bảo vệ, vun đắp, tôn tạo…

Nhân Ngày Quốc tế Gia đình (15/5), ông có những lời khuyên nào muốn gửi gắm đến các gia đình Việt Nam hiện nay để củng cố các giá trị tốt đẹp, xây dựng hạnh phúc bền vững và vượt qua những thách thức trong cuộc sống hiện đại?

Ngày Quốc tế Gia đình là một dịp đặc biệt nhưng như đã nói, mỗi ngày phải đặt gia đình trong tâm thức của chúng ta. Bên cạnh đó, mong rằng mỗi gia đình Việt Nam nhận thức rằng, yêu thương không chỉ là cảm xúc, mà còn là hành động cụ thể mỗi ngày, thường xuyên, liên tục.

Đồng thời, tôn trọng sự khác biệt, điều chỉnh cái tôi để dung hòa là cách yêu thương trưởng thành, thông tuệ. Dành thời gian cho gia đình không bao giờ là điều thừa thãi, dù bận rộn đến đâu, mệt mỏi thế nào. Hy sinh cho gia đình, nghĩa là hy sinh cho mình, cho điều mình đã chọn, chúng ta đã chọn.

Mỗi lời nói chân thành, mỗi cảm xúc tích cực, mỗi hành động yêu thương đều là những viên gạch xây nên một tổ ấm vững chắc giữa muôn vàn đổi thay của cuộc sống. Gia đình là “bến đỗ bình yên” mà ai cũng cần, cũng là “bệ phóng” để mỗi người bay xa trên hành trình cuộc đời. Vì thế, hết lòng từ nhận thức, thái độ đến hành động dựng xây gia đình là điều không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-huynh-van-son-danh-thoi-gian-chat-luong-cho-gia-dinh-la-khoan-dau-tu-khong-bao-gio-lo-314323.html
Zalo