Greenland có gì mà ông Trump muốn nước Mỹ kiểm soát?

Dù xa xôi, lạnh lẽo và gần như nguyên sơ, nhưng Greenland đang dần trở thành trung tâm chú ý của thế giới bởi ý nghĩa chiến lược về tài nguyên và địa chính trị.

Greenland hiện nóng lên nhanh gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu, và sự tan băng của nó đã lộ ra nguồn tài nguyên khổng lồ. Những mỏ khoáng sản đất hiếm quý giá, uranium cùng hàng tỷ thùng dầu và khí đốt tự nhiên chưa được khai thác đang làm dấy lên sự quan tâm từ các quốc gia lớn.

Các khoáng sản này, trước đây chủ yếu được cung cấp bởi Trung Quốc, giờ đây có thể trở thành mục tiêu khai thác của Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung toàn cầu.

 Thị trấn Qeqertarsuaq ở đô thị Qeqertalik, Greenland. Ảnh: Pexels

Thị trấn Qeqertarsuaq ở đô thị Qeqertalik, Greenland. Ảnh: Pexels

Giá trị thật sự của Greenland nằm ở lượng băng khổng lồ của nó. Hòn đảo này chứa đủ băng để nếu tan chảy hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu có thể tăng thêm 7,4 mét.

Hiện Greenland đang mất trung bình 182 tỷ tấn băng mỗi năm, với mức cao nhất là 489 tỷ tấn vào năm 2019. Các nhà khoa học cho biết, trong số đó, ít nhất một phần đáng kể sẽ tan chảy bất chấp nỗ lực giảm phát thải ra sao.

Hậu quả của sự tan băng này không chỉ là nước biển dâng mà còn làm thay đổi đáng kể các kiểu thời tiết. Greenland đóng vai trò như công tắc bật/tắt cho dòng hải lưu AMOC (hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương), một hệ thống luồng nước quan trọng ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu.

Việc AMOC suy yếu hoặc sụp đổ có thể gây ra "thảm họa khí hậu," dẫn đến thời kỳ băng giá kéo dài ở châu Âu và Bắc Mỹ, thay đổi mạnh mẽ lượng mưa và phá vỡ hệ sinh thái, nông nghiệp toàn cầu.

Không chỉ vậy, Greenland còn ảnh hưởng đến các luồng phản lực khí quyển, định hình các cơn bão và đợt thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Chẳng hạn, các điều kiện thời tiết trên Greenland từng góp phần đẩy siêu bão Sandy vào bờ Đông nước Mỹ năm 2012.

Các dãy núi băng và hệ thống áp suất cao ngoài khơi Greenland cũng thường khiến không khí Bắc Cực tràn xuống tấn công Bắc Mỹ và châu Âu vào mùa đông.

Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, vị trí chiến lược của Greenland càng làm tăng giá trị địa chính trị của nó. Nằm giữa Mỹ, Nga và châu Âu trên vòng Bắc Cực, Greenland được coi là một giải thưởng mà các cường quốc lớn muốn kiểm soát.

Căn cứ quân sự Thule của Mỹ tại đây đã khẳng định tầm quan trọng của Greenland từ thời Chiến tranh Lạnh, và với việc tuyến đường vận chuyển Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn, giá trị chiến lược của hòn đảo này ngày càng tăng cao.

 Greenland hiện đang trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế theo nhiều cách. Ảnh: Pexels

Greenland hiện đang trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế theo nhiều cách. Ảnh: Pexels

Greenland không chỉ là câu chuyện về băng và tài nguyên. Hòn đảo còn mang vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Những tảng băng có kích thước bằng cả Tòa nhà Empire State đổ xuống đại dương, cùng hệ động vật hoang dã như hải cẩu và cá voi sát thủ, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp và hùng vĩ.

Như Giáo sư David Holland, nhà khoa học khí hậu từ Đại học New York, từng nhận xét: "Greenland không chỉ là trung tâm của khí hậu, mà còn là trái tim sống động của Trái đất. Thật khó để không kinh ngạc trước sức mạnh và vẻ đẹp của nó".

Hoài Phương (theo Business Standard, Yahoo)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/greenland-co-gi-ma-ong-trump-muon-nuoc-my-kiem-soat-post329572.html
Zalo