GRDP thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 ước tăng 7,17%
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 ước tăng 7,17%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 502.000 tỷ đồng.
Ngày 4-12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức Hội nghị lần thứ 34. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; tổng kết công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025; báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Thành ủy về đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030…
Đặc biệt, hội nghị đề ra phương hướng cụ thể hóa những nội dung chủ yếu thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương vào ngày 1-12 vừa qua và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đứng trước thời cơ và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Thành ủy đã xác định chủ đề năm 2024 là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”; đồng thời thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó quyết tâm cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5%-8%.
Đến nay, theo số liệu thống kê ước thực hiện, các nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong năm 2024 đã cơ bản hoàn thành: Tăng trưởng GRDP cả năm khoảng 7,17%; thu ngân sách trên địa bàn cả năm đạt hơn 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan, thành phố còn những hạn chế, yếu kém, vướng mắc, cần ra sức khắc phục. Trong đó, tăng trưởng kinh tế khoảng 7,17% dù mục tiêu đề ra từ 7,5%-8%. Các đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, giải quyết nhà ở ven kênh rạch…
Về kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Thành ủy về đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, trong thời gian tới nhằm khắc phục những thiếu sót, vi phạm, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, phấn đấu hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng chủ trương Thành ủy đã đề ra.
Về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Thành ủy về Kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 15-9-2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nhất là chuyển đổi số (trọng tâm của Chiến lược kinh tế); thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế (trọng tâm của Chiến lược y tế); chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội và tập trung giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (trọng tâm của Chiến lược xã hội).
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, là: “Phải đổi mới mạnh mẽ cách thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị hội nghị tập trung thảo luận những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với mục tiêu: Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đi đôi với sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn triệt để bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.