Góp ý về dự thảo Luật Công đoàn: Nhiều điểm cần làm rõ để bảo vệ Đoàn viên Công đoàn
Sáng 18/6, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có phát biểu góp ý trước Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cần quy định số năm tối thiểu sinh sống để kết nạp vào công đoàn
Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, hai phương án mà dự thảo Luật đưa ra, mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, cần phân tích, đánh giá kỹ hơn các điều kiện về nguồn lực, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức công đoàn đối với người lao động là người nước ngoài. Sự bình đẳng và sự khác biệt giữa người lao động là người Việt Nam và người lao động nước ngoài trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn có những đặc thù, quy định riêng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa các nhóm người lao động này. Cần đề ra các giải pháp rõ ràng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, chính trị... để chuyển tải đúng, đầy đủ yêu cầu của họ đến cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích cho họ nhưng vẫn giữ vững được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn… Do đó, cần tính toán quy định số năm tối thiểu (3 năm hoặc 5 năm) người lao động là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam mới được quyền gia nhập tổ chức Công đoàn, mục đích quy định số năm tối thiểu để người lao động là người nước ngoài có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, có hiểu biết nhất định về pháp luật, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, chính trị… của chúng ta. Từ đây, khi gia nhập tổ chức công đoàn mới thực sự mang lại lợi ích cho người lao động và phát huy được vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với người lao động, hoặc chúng ta có thể chọn phương án áp dụng thí điểm ở một số khu vực, địa phương để rút ra kinh nghiệm từ thực tiễn, từ đó nhân rộng nếu thực sự mang lại hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu góp ý trước Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên để cấp trên trả lương
Việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Do đó, quy định cụ thể như Phương án 2 của dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, việc đề xuất tỷ lệ cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”, cũng như bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới. Đồng thời, không nên quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh: Tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp là người bảo vệ quyền lợi của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm đó là vấn đề tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp lại do chính chủ công ty, doanh nghiệp (người sử dụng lao động) trả lương. Vấn đề đặt ra là cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp đó có thực sự giám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm hay không? Và thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ được cho người lao động hay chưa? Hiệu quả như thế nào? do đó yếu tố bảo vệ cho người lao động ở đây cần phải xem lại. Để tổ chức công đoàn cơ sở tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được thực sự vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí từ của công đoàn cấp trên để chi trả, để cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó…