Góp ý thêm về Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Nhiều chuyên gia đề nghị cần có thêm đánh giá về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% với nước giải khát có đường, nếu áp dụng thì cần có lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian thích ứng.

Chiều 4/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm "Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì.

Trước đó, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2024, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là đã bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, với thuế suất 10%.

Theo dự thảo Luật, mục đích của việc sửa đổi là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Chưa rõ mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và thừa cân, béo phì ở Việt Nam

Phát biểu tại tọa đàm, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA cho biết, khi nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dự thảo Luật, đặc biệt là phần thuyết minh đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này.

Ý kiến của nhiều số chuyên gia và các nghiên cứu khoa học cho thấy, việc áp thuế TTĐB như tại dự thảo Luật chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về “ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì”, chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế.

Trong khi đó, theo PGS - TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, có 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì tại Việt Nam, bao gồm: Khẩu phần ăn và dinh dưỡng; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế - xã hội; ngủ ít và suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.

Từ đó, ông Dũng cho rằng, nước giải khát có đường (thuộc nhóm dinh dưỡng) không phải là nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ngoài ra, so sánh với tỉ lệ thừa cân béo phì trung bình ở các nước ASEAN là 33,96% thì Việt Nam vẫn thấp hơn, ở mức 18,3%.

PGS - TS Nguyễn Quang Dũng, chuyên gia dinh dưỡng đến từ ĐH Y Hà Nội

PGS - TS Nguyễn Quang Dũng, chuyên gia dinh dưỡng đến từ ĐH Y Hà Nội

"Tỷ lệ béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng, tuy nhiên, đang được kiểm soát tốt và thuộc nhóm thấp nhất so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới", ông Dũng nói và nhấn mạnh, không nên đơn thuần coi việc tiêu thụ đường hay một sản phẩm cụ thể nào là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.

Năm 2024, một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khảo sát về mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam với 1.128 người tham gia.

Công bố kết quả khảo sát này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công của Đại học Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, người tiêu dùng trẻ tuổi có nhu cầu cao hơn với các thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng và các sản phẩm trà sữa; ít ưu tiên hơn sản phẩm nước giải khát.

Mặt khác, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị thấp hơn của trẻ em khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh thành thị lại cao hơn học sinh nông thôn; cho thấy hoàn toàn chưa có cơ sở để khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công của Đại học Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công của Đại học Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Từ đó, ông Việt cho rằng, chính sách áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường không bảo đảm được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Thêm vào đó, việc đề xuất áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường mà bỏ qua các sản phẩm chứa đường khác đang được người tiêu dùng ưu tiên nhiều hơn, có thể làm tăng nguy cơ người dân lựa chọn đồ uống thay thế không nguồn gốc, nhãn mác và không làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.

Đây cũng là quan điểm của ôngDương Đình Giám, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi cho rằng, nếu chỉ cảnh báo nước giải khát có đường là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng chỉ chú ý vào đó mà bỏ quên những thực phẩm có nguy cơ cao khác như bánh gato, bánh quy, trà sữa…

Mặt khác, theo ông Giám, hiện nay dưới góc độ người tiêu dùng, sử dụng đồ uống có đường là nhu cầu có thật, ngoài mục đích giải khát thì nó còn cung cấp năng lượng cho người lao động nhất là ở khu vực nông thôn.

Ông Dương Đình Giám, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm chiều 4/4 (Ảnh: M. Minh)

Ông Dương Đình Giám, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm chiều 4/4 (Ảnh: M. Minh)

"Nếu áp thuế TTĐB với đồ uống có đường thì quyền lợi của người tiêu dùng nói chung, người lao động nói riêng có bị hạn chế không, trong khi mục tiêu cuối cùng của chính sách là hạn chế thừa cân béo phì thì chưa được làm rõ?", đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu câu hỏi.

Cân nhắc giãn lộ trình áp dụng

Đưa ra kiến nghị cho vấn đề này, ông Dương Đình Giám cho rằng, trước hết cần có nghiên cứu đánh giá để khẳng định nước giải khát có đường là "thủ phạm" chính gây thừa cân béo phì, nếu đúng như vậy thì hạn chế sử dụng bằng công cụ thuế là hợp lý.

Tuy nhiên, vị này cho rằng nếu đánh thuế thì vẫn cần có lộ trình để người tiêu dùng có thời gian chuyển sang đồ uống khác, tránh việc họ sử dụng đồ uống trôi nổi, chưa biết có giảm được thừa cân béo phì hay không nhưng chắc chắn gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở góc độ khác.

"Ngoài ra, việc giãn lộ trình áp thuế còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian đầu tư công nghệ để chuyển đổi sản xuất, tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp", ông Giám nói.

Đây cũng là tâm tư của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường hiện nay. Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, chỉ riêng nhà phân phối, Tập đoàn này có 700.000 đơn vị, tương đương khoảng 2,4 triệu hộ gia đình, là đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi chính sách này.

Ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại Tọa đàm

Đo lường tác động lớn như vậy, đại diện Tân Hiệp Phát cho rằng, nếu chính sách còn có nội dung chưa rõ thì không nên thông qua. Thực tế, chưa có kết luận nào nói rằng nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì.

Vị này cũng chia sẻ, ba năm Covid-19 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng Tân Hiệp Phát vẫn nộp ngân sách đầy đủ và bảo đảm việc làm cho người lao động; năm 2024 mới bắt đầu hồi phục được một chút nên rất cần được hỗ trợ bởi chính sách.

"Hôm 3/4, chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm thế giới, trong đó có Việt Nam chao đảo. Chúng ta đang nỗ lực tìm giải pháp để cân bằng chính sách, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 8% Chính phủ đã đề ra, trong đó có biện pháp tăng tiêu dùng trong nước. Vậy tại sao ta không tự giải quyết những vấn đề của chính chúng ta, như câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt này?", ông Nguyên nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEANcũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn (do mới hồi phục sau Covid-19, cộng với rủi ro thuế quan của Mỹ, đồng thời phải thực hiện tinh gọn bộ máy...), việc áp thuế TTĐB hàng tiêu dùng trong lúc này sẽ làm giảm sức cầu, làm hạn chế động lực tăng trưởng để hướng tới mục tiêu tăng GDP 8% năm nay.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia của VCCI, thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia của VCCI, thành viên Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN

Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng, cải cách thuế cần xem xét cân bằng giữa các mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo theo Nghị quyết NQ192/2025/QH15.

Từ phân tích nêu trên, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét lùi thời hạn áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1/1/2028 với thuế suất khởi đầu là 5%.

Là chuyên gia có 52 năm hoạt động trong lĩnh vực thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, bản chất Thuế TTĐB là để điều tiết những mặt hàng không được khuyến khích sử dụng, với thuế suất thấp nhất là 10%, do đó khó có cơ sở để đề xuất áp mức 5%.

Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: M.Minh)

Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: M.Minh)

Tuy nhiên, bà Cúc cũng đồng tình với quan điểm rằng mỗi chính sách thuế ban hành ra cần phải hài hòa các mục tiêu. Ví dụ, mặt hàng nước nước xá xị hiện nay được công nhân lao động uống rất nhiều để có năng lượng làm việc, nếu đánh thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến nhóm này, hay trẻ em miền núi uống nhiều hơn nhưng béo phì ở trẻ em thành thị lại cao hơn...

"Đưa ra chính sách phải có cơ sở rõ ràng. Nếu còn có vấn đề chưa rõ ràng, theo tôi nên dừng lại, nghiên cứu cho kỹ để chính sách khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn", bà Cúc nói.

PSG. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, ngành đồ uống có những đóng góp nhất định vào kinh tế, xã hội, môi trường ở trung ương và địa phương nên chính sách thuế đối với nhóm này cần được áp dụng thận trọng, tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế và doanh nghiệp.

PSG. TS. Nguyễn Văn Việt phát biểu tại Tọa đàm chiều 4/4 (Ảnh: M.Minh)

PSG. TS. Nguyễn Văn Việt phát biểu tại Tọa đàm chiều 4/4 (Ảnh: M.Minh)

Đối với dự thảo Luật Thuế TTĐB sắp trình Quốc hội thông qua, ông Việt cho rằng, cần có thêm thời gian để đánh giá, hoàn thiện, chỉnh lý.

“Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành nước giải khát mong đợi các nhà hoạch định chính sách xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong trường hợp, Chính phủ đã có đủ cơ sở để áp thuế mặt hàng này thì cần thận trọng cân nhắc một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp”, Chủ tịch VBA nói.

Ngày 10/3, tại Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có họp về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế TTĐB dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5,6/2025.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận: "Đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng chịu thuế (thuốc lá, cục nóng, cục lạnh điều hòa), nước giải khát có đường, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô hybrid,... đề nghị Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trao đổi để có phương án thống nhất; trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức làm việc với các cơ quan có liên quan.

Trường hợp sau khi rà soát vẫn còn có ý kiến khác nhau giữa Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo, đề nghị nêu rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, ưu, nhược điểm đối với từng phương án trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo".

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gop-y-them-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post366842.html
Zalo