Góp ý hoàn thiện xây dựng các văn bản để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 25-12, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hội thảo xin ý kiến một số cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp về việc xây dựng một số văn bản để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, với những nội dung, quy định mang tính chất đột phá, đặc thù cho Hà Nội, không chỉ định hướng phát triển của Thủ đô mà còn thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy sự nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và phát triển bền vững. Đặc biệt, các điều khoản về hỗ trợ phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm cùng với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ là nền tảng đề Hà Nội trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) từ năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ được giao tham mưu xây dựng 6 văn bản của HĐND Thành phố, 4 văn bản của UBND Thành phố và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng 1 Nghị định của Chính phủ.

Cuộc hội thảo đã tập trung vào nội dung 2 dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố liên quan các chính sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm (quy định tại điểm d khoản 3, khoản 5 Điều 23 Luật Thủ đô) và thử nghiệm có kiểm soát (quy định tại điều 25 Luật Thủ đô).

Đối với Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô (Điểm d Khoản 3, Khoản 5 Điều 23), trên cơ sở nghiên cứu quy định tại các văn bản hiện hành, tham khảo cơ chế chính sách hiện hành của Trung ương và các tỉnh/thành phố lớn, qua đánh giá tình hình thực tiễn của Thủ đô và tham vấn các chuyên gia, tổ soạn thảo đã đưa ra các nội dung đề xuất hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào dự thảo Nghị quyết.

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Qua 2 lần chỉnh sửa, đến nay, nội dung dự thảo Nghị quyết gồm 2 nhóm hỗ trợ chính: Hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu phát triển và nhận chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ươm tạo công nghệ (thông qua 3 giai đoạn: tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc). Hình thức hỗ trợ dưới dạng nhiệm vụ khoa học công nghệ. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn chỉ thường xuyên của ngân sách thành phố.

Đối với Nghị quyết quy định về hoạt động thử nghiệm có kiểm soát tại thành phố Hà Nội (Khoản 9 Điều 25), trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, tổ soạn thảo đã tham khảo một số ngành, địa phương, chuyên gia về lĩnh vực này và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng tham gia thử nghiệm. Đến nay, dự thảo Nghị quyết đã qua 3 lần chỉnh sửa, hoàn thiện.

Hiện có 2 luồng ý kiến để tiếp cận điều luật này. Hoặc là HĐND thành phố ban hành Nghị quyết chung, hoặc là ban hành Nghị quyết liên quan đến thử nghiệm có kiểm soát trong một lĩnh vực cụ thể đặc thù. Trên cơ sở đó sẽ xác định rõ đối tượng, phạm vi ứng dụng… thì các cơ chế áp dụng sẽ chi tiết hơn.

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý phát biểu

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý phát biểu

Theo TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư Pháp), dự thảo Nghị quyết quy định về hoạt động thử nghiệm có kiểm soát tại thành phố Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh các giải pháp công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cần bổ sung một số chi tiết để tăng tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong triển khai. Hiện dự thảo Nghị quyết chưa có tiêu chí cụ thể cho từng lĩnh vực ưu tiên nên cần bổ sung tiêu chí chi tiết cho từng lĩnh vực để đảm bảo tính minh bạch và khả năng đánh giá; Quy định miễn trừ pháp lý cần làm rõ hơn để tránh việc lạm dụng hoặc mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác; Cơ chế tài chính còn chung chung nên cần bổ sung cơ chế minh bạch phân bổ ngân sách, bảo đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí; Chưa có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý rủi ro khẩn cấp nên cần bổ sung quy trình và thời gian xử lý khi xuất hiện rủi ro khẩn cấp để tránh gián đoạn không cần thiết… “Về phạm vi thử nghiệm cần quy định linh hoạt hơn, đặc biệt cho các giải pháp liên quan đến mạng lưới quốc gia hoặc toàn cầu. Về phân cấp, cần mạnh hơn, giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm đầu mối nhận đơn yêu cầu thử nghiệm, đề xuất UBND TP giao cho cơ quan quản lý thử nghiệm phù hợp nếu lĩnh vực không thuộc quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ” – bà Hoa nêu rõ.

Kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Hà cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến tâm huyết. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện để các dự thảo Nghị quyết phù hợp hơn nữa với thực tiễn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới.

Tin và ảnh Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gop-y-hoan-thien-xay-dung-cac-van-ban-de-trien-khai-luat-thu-do-sua-doi-688590.html
Zalo