Góp sức trẻ xây dựng quê hương
Những ngày giáp tết, dọc các làng quê trên địa bàn tỉnh, sắc xuân ngập tràn trên từng con đường, phần việc ý nghĩa mà Đoàn Thanh niên đã góp công xây dựng. Đó là thành quả của phong trào 'Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội', 'lập thân, lập nghiệp' được tuổi trẻ toàn tỉnh hưởng ứng, phát động.
Dám nghĩ, dám làm
Với tinh thần xung kích lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Nông Văn Vui, xóm Bản Phuồng, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc) mạnh dạn lựa chọn mô hình trồng dâu, nuôi tằm phát triển kinh tế gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Lạc, anh Vui luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, vươn lên ổn định kinh tế gia đình. Năm 2021, từ nguồn vốn của gia đình, sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, anh Vui đầu tư 300 triệu đồng phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm.
Hiện nay, gia đình anh trồng trên 3 ha vườn ươm cây giống dâu tằm với khoảng 70.000 cây. Trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh Vui chia sẻ: Mạng lưới giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Cũng nhiều lần thất bại nhưng được sự động viên của gia đình, tôi quyết tâm đổi mới phương pháp và cách thức phát triển kinh tế. Đến nay, vườn dâu giống của gia đình đang phát triển ổn định, dự kiến trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm 1 ha vườn ươm.
Dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, anh Vui xứng đáng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
Không ngừng sáng tạo, đổi mới
Với mong muốn đưa thương hiệu “Miến dong Cai Bộ” vươn xa, những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Cai Bộ của gia đình chị Hà Hồng Yêm, xóm Kim Bảng, xã Cai Bộ (Quảng Hòa) đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất miến dong.
Nhận thấy nhu cầu thị trường và tiềm năng phát triển sản phẩm, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuối năm 2021, gia đình chị Yêm đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất miến dong mang thương hiệu “Miến dong Cai Bộ”. Từ số vốn ban đầu, gia đình chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại và các trang thiết bị để cơ giới hóa trong sản xuất, nâng tầm sản phẩm miến dong truyền thống.
Với quy trình khép kín, liên hoàn, trung bình để làm hết 190 kg bột, cần phải có từ 2 - 3 công nhân làm việc liên tục suốt 2 - 3 giờ, vì vậy trong suốt quá trình hoạt động, chị Yêm luôn theo dõi thường xuyên để kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, máy móc hoạt động linh hoạt, liên hoàn. Ước tính nếu thời tiết thuận lợi, Hợp tác xã nông nghiệp Cai Bộ sản xuất được 180 - 200 kg miến khô/ngày.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Cai Bộ Hà Hồng Yêm chia sẻ: Những năm trước đây, cơ sở sản xuất miến theo phương thức truyền thống nên mất rất nhiều thời gian, công sức, sợi miến không được đều, đẹp, không bảo quản được lâu, dễ mốc, mối, mọt. Là sản phẩm truyền thống thủ công nên không có bao bì, nhãn mác, hình thức cũng không đẹp. Cuối năm 2021, sau khi bàn bạc với gia đình, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện, tôi quyết định vay 600 triệu đồng đầu tư xây dựng sản phẩm “Miến dong Cai Bộ” có chất lượng cao, sợi miến đều, đẹp, dai, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng.
Năm 2023, Hợp tác xã đăng ký sản phẩm miến dong Cai Bộ tham gia Chương trình OCOP cấp huyện và được UBND huyện đánh giá là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.
Với việc không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chị Yêm là tấm gương sáng để nhiều đoàn viên thanh niên trong huyện học tập và noi theo.
Thành công từ quyết tâm khởi nghiệp
Với sức trẻ, không ngại khó, ngại khổ cùng với khát khao lập nghiệp, chàng thanh niên Nông Thanh Chuyền, xóm Kỳ Lạc, xã Quang Long (Hạ Lang) biết nắm bắt thời cơ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2015, nhận thấy điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp với phát triển cây cam, sau khi bàn bạc với gia đình, anh mua 200 cây cam giống để trồng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cây cam bị sâu bệnh chết, không nản chí, anh tiếp tục tìm hiểu nhiều tài liệu, thông tin trên mạng Internet, đọc báo, đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả của nhiều vườn trong và ngoài tỉnh. Từ những kinh nghiệm thu thập, học hỏi, anh áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây cam ra hoa, đậu quả, đạt năng suất, chất lượng.
Đến nay, vườn cam cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 5 tấn quả, chất lượng quả ngon, ngọt được thị trường ưa chuộng. Anh Chuyền chủ yếu bán trên địa bàn huyện và thành phố Cao Bằng, thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam, anh tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các cây ăn quả có giá trị kinh tế khác. Đến nay, gia đình anh trồng gần 1.000 cây cam, 100 trụ thanh long, trồng thử nghiệm gần 20 cây bưởi. Hiện các cây trồng phát triển tốt và đang cho quả.
Bằng tinh thần tự lực vươn lên, anh Chuyền xứng đáng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Câu chuyện vượt khó làm giàu của anh là động lực để đoàn viên thanh niên trong và ngoài huyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống ấm no từ đôi bàn tay và khối óc của mình.