Góp sức hồi sinh vùng trồng đào, quất cảnh Tây Hồ
Hơn 179ha cây trồng trên tổng diện tích 271,85ha gieo trồng của quận Tây Hồ đã bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9-2024.
Trong đó, có hơn 65ha trồng đào và 27,5ha trồng quất bị hư hỏng nặng. Chỉ gần 5 tháng sau đó, các vườn đào, quất từng ngập trắng nước lũ đã hồi sinh, sẵn sàng phục vụ nhân dân đón Xuân Ất Tỵ.
Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng về sự hỗ trợ kịp thời của thành phố và nỗ lực bền bỉ của quận Tây Hồ nhằm giúp các hộ dân khôi phục vườn đào, quất sau thiên tai.
Hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời
- Gần 66% tổng diện tích gieo trồng của quận Tây Hồ đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3. Xin đồng chí cho biết những thiệt hại của quận Tây Hồ nói chung và các hộ trồng đào, quất nói riêng?
- Bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và Hà Nội (vào đầu tháng 9-2024) gây ra mưa lũ lớn. Toàn bộ diện tích trồng đào, quất trên địa bàn bị ngập, thiệt hại của các hộ dân trồng đào, quất rất lớn. Thống kê cho thấy, trên địa bàn quận có 65ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); có trên 27,5ha/30ha quất bị thiệt hại (chiếm trên 90%). Riêng việc canh tác cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với cây quất là 25 tỷ đồng. Cùng với đó, khoảng 80% cây hoa màu trên toàn quận cũng bị mất trắng, tỷ lệ phục hồi là 0%.
Trước, trong và sau bão số 3, cả hệ thống chính trị quận Tây Hồ đã đồng lòng, nhất trí triển khai công tác phòng, chống bão. Song, sức tàn phá chưa từng có của bão số 3 và mực nước sông Hồng dâng cao đã gây ngập gần như toàn bộ khu vực trồng đào, quất ngoài đê thuộc các phường Nhật Tân, Tứ Liên, khiến thiệt hại không thể đo đếm.
- Được biết, trên cương vị đại biểu HĐND thành phố, đồng chí đã đề xuất vấn đề hỗ trợ người dân có hoa màu và cây trồng bị thiệt hại do bão Yagi tại nghị trường HĐND thành phố. Xin đồng chí chia sẻ thêm xung quanh đề xuất này?
- Tại phiên làm việc sáng 4-10-2024, khoảng 1 tháng sau khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, khi thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông, góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, là đại biểu HĐND thành phố, tôi đã chia sẻ tại diễn đàn HĐND thành phố những thiệt hại nặng nề của người dân trồng đào, quất quận Tây Hồ với ước tính thiệt hại lên tới 64 tỷ đồng. Về phía quận Tây Hồ đã báo cáo đề xuất và gửi về Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với hoa đào; hỗ trợ 90 triệu đồng/ha quất bị thiệt hại.
Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, có quy định: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp. Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, quận Tây Hồ hoàn toàn có điều kiện về ngân sách để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp cho người dân bị thiệt hại sản xuất do thiên tai. Quận cũng mong muốn có cơ chế, chính sách để thực hiện hỗ trợ người dân ngay trong vụ đông xuân 2024-2025.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, mức hỗ trợ theo quy định rất thấp: Với cây trồng tối đa là 2 triệu đồng/ha; với vật nuôi là 6 triệu đồng/ha. Để khắc phục, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cùng các ngành tham mưu UBND thành phố triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó đã có 5 quyết định hỗ trợ các địa phương với số tiền 220 tỷ đồng; bổ sung 1.200 tỷ đồng cho 4 quỹ của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hội Nông dân, Quỹ Khuyến nông, quỹ của Liên minh Hợp tác xã để cho vay...
Trên cương vị là người điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị, UBND thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ, trình hỗ trợ cho các cơ sở, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, cố gắng hỗ trợ ở mức tối đa, nhanh nhất để đồng bào, các hộ sản xuất nông nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai.
Từ đề xuất của quận Tây Hồ tại diễn đàn HĐND thành phố, cùng với sự ủng hộ của các đại biểu, các sở, ban, ngành và UBND thành phố, ngày 19-11-2024, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-HĐND về Hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ năm 2024. Nghị quyết cũng giao các đơn vị có liên quan tổ chức các nội dung hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, đến nay đã hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân
- Cùng với chính sách của thành phố, được biết, quận Tây Hồ đã triển khai nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ các hộ dân có hoa màu, cây trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Trước khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 46/NQ-HĐND, căn cứ vào các quy định hiện hành, HĐND quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương bố trí ngân sách ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, thực hiện cho vay giải quyết việc làm để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2024. HĐND quận đã quyết nghị bố trí ngân sách với số tiền 10 tỷ đồng để thực hiện chủ trương này. HĐND quận cũng giao UBND quận tổ chức thực hiện; giao Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND quận giám sát việc thực hiện nghị quyết; đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp tuyên truyền, giám sát thực hiện nghị quyết.
Cùng với Nghị quyết của HĐND quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ cũng đã trích 644 triệu đồng từ nguồn Quỹ Cứu trợ để hỗ trợ người dân có hoa màu và cây trồng bị thiệt hại do mưa lũ. Với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, những hộ dân bị thiệt hại đã được hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn, khôi phục diện tích cây trồng và hoa màu đã bị hư hỏng nặng sau mưa lũ.
- Khi những ngày xuân Ất Tỵ đã cận kề, nhìn những vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng, những vườn quất Tứ Liên đua nhau khoe sắc có thể thấy sự vươn mình hồi sinh mạnh mẽ. Xin đồng chí cho biết, số lượng đào, quất của quận Tây Hồ cung cấp ra thị trường năm nay như thế nào?
- Sau mưa lũ, người dân làng đào Nhật Tân, Phú Thượng và quất cảnh Tứ Liên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa lũ để gây dựng lại những vườn đào, vườn quất bị ngập. Với bàn tay tài hoa, khéo léo, sự cần cù, một nắng hai sương của người dân nơi đây cùng sự đồng hành hỗ trợ của thành phố, sắc hồng của đào, màu vàng rực rỡ của quất đã dần trở lại. Hàng chục héc ta trồng đào, quất tại những làng hoa, cây cảnh truyền thống của Tây Hồ đã thực sự hồi sinh, sẵn sàng phục vụ nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cùng với đào Nhật Tân, Phú Thượng và quất cảnh Tứ Liên, quận Tây Hồ cũng sẽ cung cấp ra thị trường các loại hoa, cây cảnh có giá trị do các nghệ nhân có tay nghề cao chăm bón.
Tôi tin tưởng rằng, với việc nghề trồng đào Nhật Tân vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những làng hoa, cây cảnh cũng như các làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ, góp phần đưa Tây Hồ vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!