Góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Phong trào xây dựng trường đạt CQG được phát động từ nhiều năm qua. Tiêu chí xây dựng trường CQG ở các bậc học là những yếu tố thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, như: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ở tỉnh ta, ngay khi được phát động, phong trào này đã nhận được sự quan tâm vào cuộc từ phía cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cũng như các tầng lớp Nhân dân.
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, nhiệm vụ xây dựng trường CQG đã được huyện và ngành giáo dục huyện cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch từng năm và theo cả giai đoạn. Đặc biệt, kế hoạch xây dựng trường học đạt CQG được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; với Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Ngoài ra, quá trình xây dựng trường đạt CQG cũng được ngành giáo dục huyện gắn với chủ đề của từng năm học và các phong trào, cuộc vận động do ngành phát động, như việc “Học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thi đua “Dạy tốt - học tốt”... Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực này, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, đến nay toàn huyện Ngọc Lặc đã có 76/78 trường thuộc các cấp học đạt CQG, đạt tỷ lệ 97,4%. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ngọc Lặc Nguyễn Tài Toàn, các trường đạt CQG trên địa bàn huyện đều được xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại, bảo đảm các điều kiện, trang thiết bị cho nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Tại huyện Vĩnh Lộc, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn cũng được ngành giáo dục huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp quản lý và các nhà trường, là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Thầy giáo Trịnh Trung Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đô (Vĩnh Lộc), cho biết: “Để được công nhận lại trường đạt chuẩn, từ năm 2023, nhà trường đã đầu tư nhiều hạng mục như: phòng máy vi tính, xây dựng thư viện đạt chuẩn, xây dựng phòng học bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội... Mỗi năm nhà trường huy động từ 100 đến hơn 200 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh để nâng cấp không gian bên trong và bên ngoài lớp học, bổ sung trang thiết bị giáo dục... Hiện 100% phòng học của nhà trường đều được trang bị ti vi thông minh đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Được biết, trong quá trình triển khai, ngành giáo dục huyện Vĩnh Lộc đã lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị trường để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục trong quá trình thực hiện. Ban chỉ đạo xây dựng trường CQG huyện thường xuyên được kiện toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa, sự cần thiết xây dựng trường đạt CQG. Qua đó, các xã, thị trấn tích cực vào cuộc, huy động nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các nhà hảo tâm tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện Vĩnh Lộc đã có 44/46 trường học được công nhận đạt CQG, đạt tỷ lệ 95,65%. Trong đó có nhiều trường đạt chuẩn mức độ 2 như: Trường Tiểu học Vĩnh Thành, Tiểu học Vĩnh Long; Trường Mầm non Vĩnh Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hùng...
Phong trào xây dựng trường đạt CQG không chỉ là nhiệm vụ của các nhà trường, ngành giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị và Nhân dân các địa phương vào cuộc, ủng hộ. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã quan tâm, mở rộng khuôn viên, tăng quỹ đất cho các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của trường đạt CQG. Các nhà trường chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục; duy trì hiệu quả mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội...
Qua thống kê, tỷ lệ trường đạt CQG trong toàn tỉnh hiện đã đạt 85,31% với 1.690/1.981 trường đạt chuẩn. Trong đó, cấp mầm non có 575/676 trường (đạt tỷ lệ 85,06%); tiểu học 534/594 trường (đạt tỷ lệ 89,9%); THCS 520/609 trường (đạt tỷ lệ 85,38%); THPT 61/102 trường (đạt tỷ lệ 59,8%). Theo đánh giá của ngành giáo dục, các trường đạt CQG đã, đang phát huy vai trò là động lực thúc đẩy việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.