Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Huyện Đồng Hỷ có trên 50% số dân là người dân tộc thiểu số. Tại các địa bàn như Văn Lăng, Tân Long, Quang Sơn, Hợp Tiến…, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các xóm, bản nằm trên núi cao, nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống vẫn còn thiếu nước sạch sử dụng trong sinh hoạt.

Từ năm 2022 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Đồng Hỷ đã quan tâm xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 (giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), giai đoạn 2021-2025, huyện được hỗ trợ kinh phí trên 18,6 tỷ đồng.

Riêng năm 2024, từ nguồn vốn được cấp, ngoài xây mới nhà ở cho 35 hộ dân, huyện đã đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Cụ thể, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng, với kinh phí phân bổ trên 1,8 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Dạt, xã Văn Lăng, kinh phí phân bổ gần 1,1 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Liên Phương, xã Văng Lăng, kinh phí phân bổ 300 triệu đồng; đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến, kinh phí phân bổ xấp xỉ 1,7 tỷ đồng và đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Viến Ván, xã Quang Sơn, kinh phí 350 triệu đồng.

Ngoài ra, trong năm qua, huyện còn đầu tư trên 8,4 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 1.050 hộ dân là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Ông Dương Văn Sình, Trưởng xóm người Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn, chia sẻ: Trước đây, chưa có nước sạch, người Mông chúng mình vất vả lắm! Nhiều hộ phải hứng từng can nước trên núi rồi cõng về nhà. Thiếu nước sạch để ăn, sức khỏe không bảo đảm, trẻ nhỏ, người già thường hay mắc bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy... Nay nước sạch đã được đưa về tận nhà, bà con ai cũng phấn khởi.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cấp nước sinh hoạt phân tán và xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã phát huy hiệu quả tại Đồng Hỷ.

Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng, cho hay: Các công trình nước sạch tập trung được đưa vào sử dụng đã giúp những hộ dân vùng sâu, xa, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, phục vụ sinh hoạt, đời sống. Đặc biệt là góp phần bảo đảm sức khỏe của người dân miền núi, vùng cao, cũng như nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Dù đang phát huy hiệu quả tích cực nhưng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có thể bị xuống cấp, hư hỏng nếu không được quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Tại Thái Nguyên, 5 năm qua đã có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp, bỏ hoang sau khi hư hỏng, không được sửa chữa kịp thời.

Bởi vậy, để các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Đồng Hỷ phát huy hiệu quả bền vững rất cần sự quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tại các địa bàn dân cư. Nhất là sự quan tâm, giám sát của chính quyền địa phương và ý thức bảo vệ tài sản, tiết kiệm nguồn nước của bà con.

Hoàng Bách

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/gop-phan-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-b8836b5/
Zalo