Góp phần loại bỏ rào cản giữa công dân với chính quyền

Đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có các sáng kiến, mô hình sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở địa phương, qua đó góp phần loại bỏ rào cản giữa công dân với chính quyền.

Nhiều mô hình sáng tạo

Những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước, mà vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thực hiện chủ trương của Thành phố, nhiều địa phương đã và đang triển khai các mô hình sáng kiến, giải pháp hay mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ ngày 20/6/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện mô hình “Giờ làm việc thứ 9” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Với mô hình này, cán bộ, công chức tăng thời gian làm việc thêm 1 tiếng đồng hồ (ngoài giờ hành chính) để phục vụ người dân có nhu cầu giải quyết các TTHC mà không có thời gian đến bộ phận Một cửa các cấp trong giờ hành chính. Mô hình này được thực hiện tại bộ phận Một cửa của UBND huyện, xã (mô hình áp dụng chung cho các TTHC có phát sinh hồ sơ).

Cùng thời gian này, UBND huyện Ba Vì cũng tổ chức triển khai mô hình “Tra cứu TTHC mã QR tại nhà văn hóa các thôn”. Theo đó, công dân có nhu cầu thực hiện các TTHC, dịch vụ công trực tuyến bằng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính… sẽ không cần đến bộ phận Một cửa các cấp. Thay vào đó, công dân đến nhà văn hóa thôn có mạng wifi tại địa phương để tra cứu và thực hiện các TTHC bằng mã QR dán sẵn tại nhà văn hóa thôn. Dù thời gian triển khai chưa lâu, nhưng bước đầu đã nhận được sự phản hồi tích cực từ người dân.

Cán bộ quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân thực hiện TTHC theo hình thức số hóa. (Ảnh: L.T)

Cán bộ quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân thực hiện TTHC theo hình thức số hóa. (Ảnh: L.T)

Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, thời gian qua, quận đã triển khai 2 mô hình mới là Mô hình đổi mới phương thức “Thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính (CCHC) thông qua tổ chức Hội thi Công chức làm việc tại bộ phận Một cửa” và Mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường”.

Trong đó, Mô hình đổi mới phương thức “Thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC thông qua tổ chức Hội thi Công chức làm việc tại bộ phận Một cửa” được Thành phố quan tâm, đánh giá cao về sáng kiến, tính hiệu quả và khả năng nhân rộng.

Mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường” cũng nhận được kết quả tích cực khi qua hơn 2 tháng triển khai đã hỗ trợ được 97 người dân trên địa bàn 2 phường Thượng Cát, Cổ Nhuế 2 nộp hồ sơ cấp phép xây dựng qua mạng mà không phải đến Bộ phận Một cửa UBND quận để thực hiện.

Còn tại quận Nam Từ Liêm, theo Trưởng phòng Nội vụ UBND quận Nguyễn Thị Hoài Thu, những năm qua, quận Nam Từ Liêm đã triển khai đồng bộ 6 nội dung công tác CCHC, trong đó, là địa phương đầu tiên của Hà Nội xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” tại quận và 10 phường, đã nhận được sự ủng hộ đánh giá cao của người dân.

Đáng chú ý, UBND quận đã xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề CCHC với những giải pháp nổi bật nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC trên địa bàn, như: Mô hình “Một cửa đô thị hiện đại” thí điểm tại UBND 2 phường Trung Văn, Mỹ Đình 1 và nhân rộng ra nhiều phường; giải pháp “Ngày không viết”, “Ngày không đợi” tại các bộ phận “một cửa” và nhiều mô hình CCHC hiệu quả khác.

“Với những nỗ lực đó, Nam Từ Liêm liên tục nằm trong nhóm quận, huyện có chỉ số CCHC dẫn đầu Thành phố. Trong 2 năm 2022 - 2023 quận đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã về chỉ số CCHC”, Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình hay

Nhằm xây dựng những “phường thông minh” thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong chính quyền phường để tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, đầu năm 2024, quận Nam Từ Liêm cho ra mắt mô hình chuyển đổi số trong CCHC tại phường Phương Canh, trong đó đã xây dựng “Cổng thông tin điện tử phường” trên nền tảng Zalo OA.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Tổ công tác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phường Phương Canh đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 lĩnh vực gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, trong đó thực hiện 4 nhiệm vụ: Xây dựng kênh Zalo OA chính thức của Đảng ủy - UBND phường; lắp camera giám sát tại các điểm trục chính để bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng mô hình chính quyền điện tử, nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC; thực hiện “Nhà trọ chuyển đổi số phường Phương Canh”.

Công chức UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) hướng dẫn người dân dùng căn cước công dân để quét mã, đăng ký giải quyết TTHC (Ảnh: L.N)

Công chức UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) hướng dẫn người dân dùng căn cước công dân để quét mã, đăng ký giải quyết TTHC (Ảnh: L.N)

Bên cạnh đó, UBND phường đã phối hợp Tổ công tác Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hiện trạng, từ đó tiến hành cải tạo nâng cấp hệ thống “Một cửa điện tử”. Với việc lắp đặt những máy móc thiết bị mới, đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân.

Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, để đưa nền hành chính của quận ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bên cạnh ra mắt mô hình chuyển đổi số trong CCHC tại phường Phương Canh, quận cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong công tác CCHC, chuyển đổi số như: Phát động cuộc thi “Tìm hiểu và tuyên truyền về công tác CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06/CP”; phát động phong trào thi đua thực hiện mô hình, giải pháp “Tối ưu hóa quy trình và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”; giới thiệu mô hình “Một cửa số” tại phường Mỹ Đình 2...

Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện “Một cửa đô thị hiện đại” gắn với “chuyển đổi số trong quản trị, điều hành” tại UBND quận và các phường; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công nghệ số trong hoạt động cơ quan Nhà nước; tăng cường xử lý công việc trên môi trường số, tổ chức họp trực tuyến, không giấy tờ... Đặc biệt, tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm, bảo đảm sát thực tế và nội dung đào tạo bồi dưỡng liên quan quá trình thực thi công vụ.

Người dân hài lòng với các mô hình CCHC sáng tạo.

Người dân hài lòng với các mô hình CCHC sáng tạo.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác CCHC, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý Nhà nước về CCHC, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC, quận đã chỉ đạo xây dựng các mô hình mới về cải cách TTHC, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, ứng dụng ký số, thanh toán số.

Đặc biệt quận đã triển khai mô hình mới là Mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường” tại 2 phường Thượng Cát, Cổ Nhuế 2 và đạt kết quả tốt. Trong gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo UBND các phường còn lại trên địa bàn xây dựng, nhân rộng triển khai các mô hình, giải pháp mới nhằm góp phần thực hiện tốt công tác CCHC trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, quận cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC như hướng dẫn, chỉ đạo các phường tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản trên hệ thống truyền thanh phường, trong 6 tháng qua đã phát thanh được hàng nghìn buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quy định pháp luật trong các lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến người dân về công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thể chế, TTHC, chế độ công vụ công chức và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Thành phố năm 2024...

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gop-phan-loai-bo-rao-can-giua-cong-dan-voi-chinh-quyen-173265.html
Zalo