Tránh nắng nóng, nông dân đi cấy đêm

Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm chi phí vật tư, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng mà còn góp phần quan trọng trong giải phóng sức lao động cho người nông dân. Đến thời điểm này, cơ bản khâu làm đất, khâu thu hoạch trong quá trình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh ta đã được cơ giới hóa. Khâu gieo cấy, vì nhiều lý do (đồng đất sâu trũng, manh mún…) nên vẫn còn nhiều diện tích nông dân phải cấy thủ công. Vụ mùa 2024, nông dân các địa phương tranh thủ ra đồng cấy đêm, cấy sớm bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, đồng thời tránh nắng nóng gay gắt cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Vụ mùa 2024, gia đình chị Võ Thị Liên (thôn Phúc Hạ 1, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân) gieo cấy 9 sào lúa. Do ruộng nằm ở khu vực đồng trũng, gia đình chị Liên phải cấy thủ công diện tích hơn 4 sào (hơn 4 sào còn lại gieo sạ). Để bảo đảm lịch gieo cấy, vào vụ chị Liên tạm nghỉ việc buôn bán, thức khuya, dậy sớm ra đồng cấy lúa. Đã quen với cảnh cấy mùa, để tránh nắng nóng gay gắt thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 của mùa hạ, chị Liên tranh thủ đội đèn ra đồng cấy đêm, cấy sớm.

Chia sẻ về công việc nhà nông, chị Liên vui vẻ nói: Làm ruộng bây giờ nhàn hơn trước rất nhiều. Mất nhiều công sức nhất là diện tích phải cấy thủ công nhưng diện tích này gia đình tôi chỉ có hơn 4 sào. Vào vụ, tôi phải vất vả san ruộng, cấy tay, làm trong khoảng một tuần là xong. Qua trò chuyện được biết, vào vụ mùa, chị Liên thường thức dậy từ 3 giờ sáng, 4 giờ đã có mặt ngoài đồng. Cấy miết đến tầm hơn 6 giờ mới tranh thủ nghỉ ít phút ăn sáng (xôi hoặc bánh chưng...), uống nước cho lại sức rồi lại xuống cấy tiếp. Hôm nào nắng gắt, chỉ cấy đến khoảng 9 giờ là nghỉ, về tranh thủ lo việc gia đình. Buổi chiều, hôm nào nắng to, mặt nước phả hơi nóng hầm hập, phải hơn 4 giờ chiều mới có thể xuống đồng cấy lúa. Để kịp tiến độ thời vụ, tùy diện tích cấy nhiều ít khác nhau, thường nông dân đội đèn cấy tới 9, 10 giờ đêm mới về; có người vì diện tích nhiều nên cấy muộn hơn…

Chị Liên chia sẻ thêm: Những ngày cấy mùa, chân tay lúc nào cũng ngập trong bùn đất, mặt và cả người đều ướt đẫm mồ hôi; vất vả vậy mà chị em trong đội dân vũ của thôn vẫn duy trì tập luyện, tuy không được đầy đủ thành viên như những ngày bình thường. Ngày mùa, muộn hơn ngày thường 30 phút, tầm 7h30 tối, chị em đã xong việc lại tranh thủ hẹn nhau ra nhà văn hóa thôn để tập dân vũ cho thoải mái tinh thần, giảm mệt mỏi căng thẳng, lại rèn luyện được sức khỏe, tạo động lực để lao động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Nông dân tranh thủ sớm tối cấy lúa mùa.

Nông dân tranh thủ sớm tối cấy lúa mùa.

Gắn bó với nghề nông từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Liên (Tổ dân phố Hòa Trung, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục) rất thạo công việc đồng áng. Do diện tích đất cấy của gia đình cũng thuộc vùng trũng nên chị Liên cũng phải cấy tay vài sào. Chị Liên chia sẻ: Công cấy thủ công giờ rất cao, tới 400.000 đồng/ngày công (8 tiếng), nếu thuê thêm, cứ 50.000 đồng/tiếng. Vào vụ mùa, để tránh nắng nóng và kịp tiến độ thời vụ, tối đến người dân đeo đèn cấy đêm rất đông, đồng ruộng sáng lấp lánh như sao trời... Biết làm việc đồng áng giúp bố mẹ từ nhỏ, giờ đã trên 50 tuổi, chị Liên vẫn cấy rất nhanh, chỉ 8 tiếng được một sào. Ngày mùa, thức khuya, dậy sớm, tranh thủ cấy đêm có hôm chị Liên cấy được tới 2 sào. Theo chị Liên, công việc cấy mùa vất vả, cực nhọc nhưng chỉ diễn ra trong khoảng một tuần. So với ngày trước, làm ruộng giờ nhàn hơn rất nhiều. Vì vậy, tuy phải cấy thủ công vất vả ở diện tích đồng trũng nhưng người dân vẫn tranh thủ thức khuya, dậy sớm cấy lúa để cuối vụ lấy thóc phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của gia đình.

Bên cạnh hình thức gieo sạ, cấy máy..., hiện nay tỉnh ta vẫn còn nhiều diện tích phải cấy thủ công do đồng trũng, manh mún. Cũng như hai chị Võ Thị Liên, Nguyễn Thị Liên, vào vụ mùa, hầu hết gia đình nông dân có diện tích phải cấy thủ công đều tranh thủ bố trí nhân lực cấy đêm, cấy sớm bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, đồng thời tránh được cái nắng nóng oi bức của mùa hạ. Vất vả, cực nhọc nhưng mọi người đều nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chăm chỉ, cần mẫn phủ xanh đồng ruộng với mong muốn và hy vọng đến ngày thu hoạch sẽ có thêm vụ mùa bội thu.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/tranh-nang-nong-nong-dan-di-cay-dem-128922.html
Zalo