Góp nhặt từng ngày để làm nên thành công trên đường khởi nghiệp

Vượt qua hàng nghìn dự án của hội viên phụ nữ khắp cả nước, chị NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO (sinh năm 1961), trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh vừa bước vào vòng chung kết cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa' năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và xuất sắc đoạt giải Nhì. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện sau khi chị trở về từ lễ trao giải.

- Trước tiên, xin chúc mừng chị vừa vinh dự đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Cảm xúc của chị như thế nào khi nhận tin vui này?

- Trước tiên, xin chúc mừng chị vừa vinh dự đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Cảm xúc của chị như thế nào khi nhận tin vui này?

- Tham dự cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, mong muốn lớn nhất của tôi là đưa những sản phẩm quê nhà và câu chuyện khởi nghiệp của mình đến với mọi người. Tôi hy vọng có thể truyền lửa cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ mạnh dạn phát huy nguồn tài nguyên bản địa sẵn có để khởi nghiệp. Việc giành giải Nhì tại vòng thi ở khu vực miền Trung, rồi sau đó tiếp tục đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi là một bất ngờ lớn đối với tôi. Bởi, tôi biết, cuộc thi năm nay có sự tham gia của hơn 2.500 dự án tiêu biểu, được các cấp hội phụ nữ lựa chọn rất kỹ càng. Khi đứng trên bục nhận giải thưởng, tôi cảm giác như mình đang mơ. Tôi thực sự vui mừng, vinh dự và tự hào.

- Chị có thể bật mí với độc giả Báo Quảng Trị về dự án mà mình mang đến cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023?

- Tôi mang đến cho cuộc thi dự án mang tên: “Phát triển mô hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm chế biến từ nghệ có lợi cho sức khỏe theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Dự án này gắn liền với quá trình khởi nghiệp lắm lo toan, vất vả nhưng nhiều niềm vui của tôi. Sống ở mảnh đất Vĩnh Linh, tôi thấy cây nghệ vàng được bà con trên địa bàn huyện trồng nhiều. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm trồng trọt cho người dân gặp khó khăn do chưa bắt tay được với những doanh nghiệp lớn. Từ thực tế ấy, tôi đã thành lập Công ty TNHH Anh Thư Pro, tiên phong thu mua sản phẩm nghệ tươi của bà con để làm tinh bột nghệ và tiếp đó là bột ngũ cốc, bánh quy, bánh bông lan làm từ tinh bột nghệ...

Để dự án đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình khép kín vào sản xuất. Công ty của chúng tôi cũng luôn nỗ lực đảm bảo một cách cao nhất an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Hiện nay, sản phẩm mà công ty làm ra đã đến tay khách hàng nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

- Như chị vừa chia sẻ, dự án mà chị mang đến cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 gắn liền với quá trình khởi nghiệp của bản thân. Chị có thể chia sẻ về những bước đầu tiên trên con đường mà mình đã chọn?

-Tôi sinh ra, lớn lên ở Quảng Bình nhưng cơ duyên lại đưa tôi đến Quảng Trị làm việc, rồi lấy chồng, sinh con. Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Hai vợ chồng tôi bươn bả với đủ thứ nghề nhưng vẫn chật vật để lo cho con ăn học. Sấp ngửa với khó khăn, thử thách nhưng tôi vẫn tích cực tham gia công tác hội phụ nữ, hội nông dân ở cơ sở. Qua công tác hội, tôi thấy nhiều người còn vất vả hơn mình. Vì thế, tôi dấy lên mong muốn làm giàu cho bản thân, mọi người và mảnh đất mà mình chọn làm quê hương thứ hai.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào (thứ 4, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sau khi nhận giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 - Ảnh: T.L

Chị Nguyễn Thị Anh Đào (thứ 4, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sau khi nhận giải Nhì cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 - Ảnh: T.L

Nung nấu mong muốn đó nên tôi quyết định khởi nghiệp ở tuổi 45. Tôi bắt đầu với mô hình chăn nuôi heo, rồi bán thức ăn gia súc... Trong những chuyến ngược xuôi làm ăn, tôi thấy bà con ở Vĩnh Linh trồng nghệ nhiều nhưng không biết bán cho ai. Vì thế, tôi đã bàn với chồng lập doanh nghiệp, thu mua nghệ để làm tinh bột nghệ và các sản phẩm khác. Để hiện thực hóa ý tưởng này, chúng tôi đầu tư máy móc hiện đại; thuê nhân công; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm... Sau nhiều nỗ lực, việc làm ăn của vợ chồng tôi thuận lợi hơn.

Hiện tại, chúng tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động. Vào mùa vụ, số lao động làm việc cho công ty khoảng 35 người. Những sản phẩm mà chúng tôi làm ra được các cấp, ngành, đơn vị công nhận, đánh giá cao, tuyên dương, khen thưởng và đặc biệt là được nhiều khách hàng tin dùng. Đó là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi.

- Là một người phụ nữ, lại bắt tay khởi nghiệp khá muộn, chị gặp những khó khăn, thử thách gì?

- Đàn ông hay phụ nữ, ai khởi nghiệp cũng gặp khó khăn, thử thách nhưng những khó khăn, thử thách đến với phụ nữ thường nhiều hơn. Nó đến từ vô vàn thứ, đôi khi đơn giản chỉ vì định kiến của xã hội. Nhiều người cho rằng là phụ nữ thì không thể làm được việc lớn. Họ nghi ngờ tư duy, năng lực... của phụ nữ. Cũng như nhiều chị em, tôi từng gặp phải những rào cản như thế. Khó khăn hơn là tôi khởi nghiệp khá muộn và thú thực là chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách không làm tôi chùn bước. Tôi nỗ lực vừa học, vừa làm. Bản thân khởi đầu từ những việc rất nhỏ, góp nhặt từng ngày để làm nên thành công trên con đường khởi nghiệp. Đến giờ, tôi vẫn đang vươn lên để vượt qua những khó khăn, thử thách, thu về nhiều hơn những “quả ngọt”.

- Thông thường, khi khởi nghiệp, nhiều người muốn làm ngay những dự án lớn, có quy mô. Chị nghĩ sao về điều này?

- Sẽ rất tuyệt vời nếu ai cũng có nền tảng tốt để có thể cho ra đời, triển khai những dự án khởi nghiệp lớn, quy mô, mang lại nhiều giá trị. Thế nhưng, thực tế, không phải ai cũng thuận lợi như vậy. Tôi là một ví dụ. Cũng vì lẽ đó mà tôi khởi nghiệp từ những thứ đơn giản, gần gũi như củ nghệ quê hương. Tôi không ngừng tính toán, nỗ lực từng ngày để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ làm gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, góp phần giảm thiểu tác động môi trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương. Tôi nghĩ, nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn giống tôi cũng có thể làm được điều đó nếu chúng ta thực sự quyết tâm, nỗ lực.

- Chị có lời khuyên gì dành cho những người phụ nữ mong muốn khởi nghiệp nhưng chưa thực sự mạnh dạn, tự tin?

- Như đã chia sẻ, tham dự cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, mong muốn lớn nhất của tôi là đưa những sản phẩm quê nhà và câu chuyện khởi nghiệp của mình đến với mọi người. Tôi hy vọng có thể truyền lửa cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ mạnh dạn phát huy tài nguyên bản địa để khởi nghiệp. Tôi muốn nói với các chị em khác rằng, khi khởi nghiệp, mỗi người đều gặp những khó khăn, thử thách riêng. Điều quan trọng là chúng ta đủ bản lĩnh để đương đầu, vượt qua những khó khăn, thử thách. Chị em đừng sợ thất bại, bởi ta sẽ học được rất nhiều thứ từ nó. Một điều nữa là đừng nghĩ khởi nghiệp là việc gì đó quá to tát, quá sức chúng ta và cũng đừng ôm mộng khởi nghiệp lớn ngay lập tức. Thực ra, ta có thể bắt đầu từ những thứ rất nhỏ, nằm ở xung quanh chúng ta, chẳng hạn như nguồn tài nguyên bản địa. Từ những thứ rất nhỏ, chúng ta đều có thể làm nên việc lớn.

Thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển doanh nghiệp, tìm kiếm thêm nguồn tài nguyên bản địa để phát huy giá trị nó. Tôi hy vọng câu chuyện khởi nghiệp của mình có thể truyền lửa cho các chị em khác. Bản thân tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng khởi nghiệp mà mình thu nhặt được cho chị em.

- Xin cảm ơn chị!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gop-nhat-tung-ngay-de-lam-nen-thanh-cong-tren-duong-khoi-nghiep/180928.htm
Zalo