Tăng kết nối cung - cầu

Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ dẫn đến nhiều hạn chế đáng tiếc: Gây lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực...

Trong những năm qua, thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, thị trường lao động vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Trong đó, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động ở một số ngành, nghề vẫn chưa được giải quyết triệt để, căn cơ. Không khó nhận ra điều này ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN thâm dụng lao động dù đơn hàng đã khởi sắc vẫn loay hoay tuyển lao động. Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ dẫn đến nhiều hạn chế đáng tiếc: Gây lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực, DN không tuyển được người khi nhiều lao động không tìm được việc; làm mất sức hút đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và năng suất chung của nền kinh tế.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội có 9 chương, 94 điều, đề cập rất rõ công cụ quản trị thị trường lao động. Ưu tiên hàng đầu là tập trung bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, cả việc làm công và việc làm tư. Cụ thể, sẽ xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia, đẩy mạnh giao dịch việc làm trên môi trường mạng theo hướng công khai, minh bạch có sự kết nối, liên thông. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) trong hệ thống thông tin thị trường lao động. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của NLĐ, NSDLĐ. Cùng với vai trò của ngành lao động, các cơ quan thống kê chịu trách nhiệm về thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông tin thị trường lao động theo pháp luật về thống kê. Những quy định trên nhằm phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, có sự liên thông, kết nối và chia sẻ.

Theo các chuyên gia lao động, để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, cần phát triển hệ thống dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tìm việc cho NLĐ.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của DN, đặc biệt là xu hướng ngành nghề và dịch chuyển lao động; Tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cần lồng ghép các mục tiêu phát triển việc làm trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, khuyến khích các DN chuyển hướng sang những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Theo Vĩnh Tùng (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tang-ket-noi-cung-cau-post302172.html
Zalo