Gói tín dụng 500.000 tỉ đồng: Đòn bẩy tiếp sức cho doanh nghiệp
Liên quan đến các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động.
Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước về triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội.

Các ngân hàng đều nhất trí chủ về chủ trương triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số - Ảnh: Internet
Liên quan đến các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, Phó thống đốc Tú cho rằng nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động. Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Với tinh thần đó, ngành ngân hàng thống nhất triển khai chương trình này theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Giới chuyên gia nhìn nhận gói tín dụng 500.000 tỉ đồng không chỉ đơn thuần là biện pháp tài chính, mà còn là định hướng chiến lược của Chính phủ trong giai đoạn tới. Đây được xem là một tín hiệu rất tích cực cho thấy Chính phủ đã bắt đầu thiết kế chính sách tài chính quy mô lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn thông minh, vốn biết chấp nhận rủi ro, có thời gian hoàn vốn dài và đi kèm cơ chế hỗ trợ khác biệt mới là thứ doanh nghiệp cần.
Gói tín dụng này sẽ được phân bổ cho hai nhóm lĩnh vực chính. Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ và trường đại học. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data), vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và các giải pháp chuyển đổi số. Với cơ chế lãi suất ưu đãi và thời hạn vay phù hợp với chu kỳ phát triển sản phẩm, các đơn vị này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ.
Tiếp đó là hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng vật lý và hạ tầng số. Cụ thể, gói tín dụng sẽ hỗ trợ các dự án xây dựng cao tốc, cảng biển, sân bay, trung tâm logistics, mạng lưới 5G, trung tâm dữ liệu và hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao. Đây là các công trình có tính kết nối vùng, thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đòn bẩy quan trọng cho doanh nghiệp
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng vốn cho doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần thiết, bởi lẽ trong bối cảnh các chi phí đều tăng lên như hiện nay, những biến động khó lường từ thị trường thế giới, việc tiếp cận được nguồn vốn với mức ưu đãi giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động, nâng khả năng sinh lời.
Vay vốn ngân hàng luôn là một vấn đề không đơn giản với các doanh nghiệp. Để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện về tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, khả năng thanh khoản...
Rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như lịch sử tín dụng tốt thì mới được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi. Vì vậy, để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để ngân hàng có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.
Về phía các ngân hàng, ông Thịnh cho rằng cần linh động xem xét các điều kiện doanh nghiệp được giải ngân nhanh chóng, nếu không khó có thể hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
"Nguồn vốn là một đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động khó lường, đặc biệt là chính sách thuế mới của Mỹ, khiến các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn vốn lớn để nhập nguyên vật liệu, tăng cường sản xuất", ông Thịnh nhấn mạnh.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý các ngân hàng cần thực hiện chương trình này sao cho đạt được hiệu quả thực chất và đạt được nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngân hàng cần hài hòa giữa các mục tiêu: hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhưng đảm bảo an toàn hoạt động. Về cơ chế cho vay trong gói tín dụng này, Phó thống đốc Tú cho biết sẽ chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp.
"Các khoản vay trong khuôn khổ gói tín dụng này vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn, nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ... Ngân hàng Nhà nước khuyến khích mở rộng thêm sự tham gia của nhiều ngân hàng theo tinh thần ngân hàng lớn làm lớn, ngân hàng nhỏ làm nhỏ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại nhà nước cần phát huy vai trò dẫn dắt, thể hiện trách nhiệm cao hơn với nền kinh tế", Phó thống đốc gợi ý.
Để triển khai hiệu quả gói tín dụng trên, Phó thống đốc Tú yêu cầu thời gian tới các ngân hàng thương mại chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia chương trình tín dụng theo đúng chỉ đạo.
Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật.
Về mức lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Về thời gian giải ngân của chương trình đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết chương trình tín dụng tùy theo thời điểm nào đến trước.
Về thời gian áp dụng ưu đãi, ngân hàng chủ động xác định thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cân đối, hài hòa với thời gian cho vay đảm bảo tính chất hỗ trợ của chương trình. Song song với đó các ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách để các đối tượng thụ hưởng biết và tham gia; định kỳ hằng quý, báo cáo tình hình triển khai chương trình trong quý trước về Ngân hàng Nhà nước.
"Với sự quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, gói tín dụng trên được kỳ vọng góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ số, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vươn lên trong bối cảnh toàn cầu đang có nhiều biến động", Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nói ngành ngân hàng xác định tín dụng là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực trên, nhất là doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo, cần xem xét xây dựng cơ chế góp vốn và chia sẻ lợi ích, thay vì áp dụng hình thức cho vay truyền thống.
Bên cạnh việc sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên trên, các ngân hàng đang chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ rất sớm cho khách hàng chịu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ. Với những trường hợp bị ảnh hưởng rộng, một số ngân hàng kiến nghị có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.