Để đầu tư công là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng
Để đầu tư công tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, các bộ, ngành, địa phương đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này.
![Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi nhận được nguồn vốn giao. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_578_51421754/3c0876824fcca692ffdd.jpg)
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi nhận được nguồn vốn giao. Ảnh tư liệu
Đã phân bổ trên 96% kế hoạch vốn đầu tư công
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện quy định tại Luật Đầu tư công (ĐTC), Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch ĐTC vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 cho các bộ, ngành, địa phương 825.922,3 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương (NSTW) 350.195 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) 475.727 tỷ đồng. Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2025 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 52.393,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn ĐTC giao năm 2025 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng) là 878.316,2 tỷ đồng.
Giải ngân năm 2024 đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng giao
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, uớc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/1/2025 là hơn 635.579 tỷ đồng, đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 6.192 tỷ đồng (đạt 97,38% kế hoạch), Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 23.321 tỷ đồng (đạt 85,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đã phân bổ là 793.475,7 tỷ đồng, đạt 96,07% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Bao gồm 310.112,9 tỷ đồng vốn NSTW và 483.362,8 tỷ đồng vốn NSĐP.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 741.081 tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong quá trình phân bổ, các bộ, ngành và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là hơn 116.965 tỷ đồng.
Thúc đẩy giải ngân ngay khi có vốn
Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, do đó, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này càng có ý nghĩa quan trọng để đưa nguồn vốn ĐTC vào nhanh xã hội, giúp phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như của cả nước.
Xác định mục tiêu đó, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC ngay sau khi nhận được nguồn vốn giao. Ngoài những quy định chung, mỗi địa phương, đơn vị đều đưa ra những giải pháp riêng phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện hiệu quả công tác này.
Đơn cử như tại Bình Phước, với mục tiêu đặt ra là giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn giao, tỉnh này đã phát động phong trào thi đua “Đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh năm 2025”. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ nay đến hết tháng 1/2026.
Ngoài 7 nội dung thi đua như: đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ĐTC…, tỉnh Bình Phước còn yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời đối với nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình.
Đồng thời, tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường công tác nghiệm thu từng giai đoạn dự án để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục ngay để thanh toán với Kho bạc Nhà nước, không để dồn việc thanh toán vào cuối năm…
Năm 2025, kế hoạch vốn ĐTC của TP. Đà Nẵng là trên 8.744 tỷ đồng, trong đó, vốn do Thủ tướng chính phủ giao là trên 8.720 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn này đã được TP. Đà Nẵng phân bổ chi tiết tới từng chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án để có cơ sở triển khai thực hiện, lập kế hoạch giải ngân ngay từ đầu năm đối với từng công trình, dự án. Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết cho việc giải ngân vốn ĐTC năm 2025 theo các mốc tiến độ: đến ngày 30/4/2025 giải ngân đạt 10% kế hoạch; đến ngày 30/6/2025 giải ngân đạt 30%; đến ngày 30/9/2025 giải ngân đạt 50%; đến ngày 31/12/2025 giải ngân đạt 80% và đến 31/1/2026 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.
Để đạt được các mốc tiến độ này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị dự án cam kết về tiến độ giải ngân, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ trong triển khai các công việc để giải ngân vốn.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Giao thông vận tải khi cần đưa vào khai thác gần 1.000km đường bộ cao tốc, cũng như cần chuẩn bị đầu tư một số dự án có quy mô rất lớn, tiến độ rất gấp (dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối Trung Quốc) trong điều kiện sẽ có nhiều thay đổi về bộ máy, cơ cấu, tổ chức. Đồng thời, nguồn vốn cần giải ngân của ngành này trong năm 2025 cũng rất lớn với hơn 81.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao, Bộ Giao thông vận tải đã khẩn trương giao toàn bộ chi tiết kế hoạch cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Đồng thời, người đứng đầu bộ này cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, coi kết quả giải ngân là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm.
Với sự khẩn trương vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác giải ngân vốn ĐTC đã được thực hiện khẩn trương ngay từ đầu năm. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, uớc giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/1/2025 là 10.382,3 tỷ đồng, đạt 1,18% kế hoạch, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ này năm trước thì tỷ lệ này vẫn đang đạt thấp (cùng kỳ năm 2024 đạt 2,46% kế hoạch và đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Do đó, để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC trong những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai Công văn số 423/BTC-ĐT ngày 14/1/2025 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC nguồn NSNN năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương./.