Gỡ vướng mắc để cấp giấy tờ cho trẻ em, thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt
Theo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 1,5 triệu trẻ em, trong đó có 75.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 350.000 trẻ sống trong hộ nhập cư, di biến động, hộ nghèo và hàng ngàn trẻ trong số đó không có giấy khai sinh. TP Hồ Chí Minh có 54 cơ sở nuôi dưỡng được cấp giấy phép hoạt động, nuôi dưỡng trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi…
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh, cho biết, trên địa bàn thành phố có 444 em tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương không có giấy tờ tùy thân. Tính đến ngày 21/11, các cơ quan, ban, ngành liên quan đã phối hợp cấp giấy khai sinh cho 417/444 trường hợp; 21/27 trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được giải quyết trong tháng 12/2024, còn lại 6 trường hợp, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đang xin ý kiến từ Bộ Tư pháp do vướng mắc về Luật Hộ tịch.
Theo TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), kết quả khảo sát tại 41 cơ sở xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố cho thấy nguyên nhân phổ biến khiến trẻ gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân là do không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Điều này khiến các em bị thiệt thòi, nhất là khi đăng ký đi học, tiếp cận dịch vụ y tế (mua bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh)…
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã giải quyết cấp giấy khai sinh cho hơn 400 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết tiếp, đồng thời đã nhận báo cáo có thêm gần 100 trường hợp nữa.
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây lãnh đạo HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và CCCD/căn cước đối với các nhóm trẻ em, thanh, thiếu niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn thành phố.
Theo TS Nguyễn Minh Nhựt, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng (trong đó có trẻ em mồ côi) được hưởng chính sách theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 833 trẻ, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; còn trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.397 trẻ, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Như vậy, số lượng trẻ được xét duyệt, ngân sách chăm lo dành cho các đối tượng trẻ được hưởng chính sách trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 1,7 lần so với năm 2023.
Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các quận, huyện rà soát, xử lý triệt để các trường hợp chưa được giải quyết, báo cáo ngay cho Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Đồng thời, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng cần đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương, hành động nhanh chóng để tránh tồn đọng hồ sơ.