Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu đồng/tháng

Chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế cần tăng lên 16-18 triệu đồng/tháng. Đồng thời, biểu thuế nên giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc.

 Dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) đang xem xét về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Ảnh: Nam Khánh.

Dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) đang xem xét về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Ảnh: Nam Khánh.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) và lấy ý kiến công khai. Một trong những nội dung sửa đổi trong dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lần này là nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.

Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng, nhóm có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) vào khoảng 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Luật Thuế TNCN hiện hành quy định mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, tức gấp hơn 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người và tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Trong khi đó, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc đang được quy định ở mức 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh trong quy định hiện hành là quá thấp, cần phải tăng thêm.

Ông Thịnh dẫn chứng ở các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, người dân có thu nhập trung bình 40.000-60.000 USD/năm, trong khi muốn có một mức sống ổn định ở quốc gia này chỉ cần khoảng 20.000 USD.

Ngược lại, thu nhập bình quân của Việt Nam hiện quá thấp so với nhu cầu và mức sống thực tế.

 PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính. Ảnh: NVCC.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính. Ảnh: NVCC.

“Xét trên mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế hiện nay ở 11 triệu đồng/tháng, nếu người này sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì không đủ chi trả các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống như thuê nhà, ăn ở, điện nước,khám chữa bệnh, xăng xe, cưới hỏi, ma chay… Vì thế, mức giảm trừ này tôi đánh giá là quá thấp, và việc tăng thêm là cần thiết”, ông Thịnh nhận định.

Nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính cho rằng với trường hợp cá nhân sống tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh nên dao động 16-18 triệu đồng/tháng trở lên. Mức này sẽ giảm đi khi áp dụng với người dân sinh sống tại các tỉnh miền núi bởi mức thu nhập và mức sống của họ thấp hơn.

“Về vấn đề này, Bộ Tài chính có thể căn cứ ngay vào vùng hưởng lương để xác định mức giảm trừ phù hợp. Hiện nay lương phân chia theo vùng, nên nếu tính thuế TNCN theo vùng là tốt nhất. Còn không cũng nên tính theo mức cao nhất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để làm trục so sánh cho mọi người”, vị PGS.TS nêu quan điểm.

Trước đó, nội dung liên quan mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế TNCN cũng đã được đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) đưa ra nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Thủy cho rằng mức giảm trừ hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống của người lao động, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn. Điều này đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

Đại biểu phân tích mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng đã được duy trì từ năm 2020, sau 5 năm, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đã tăng, thậm chí có hàng hóa tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng xấp xỉ 100%...

"Nhiều cử tri chia sẻ nếu gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình. Nếu gia đình có cha mẹ già, không chỉ có ăn uống sinh hoạt mà còn chi phí thuốc men…", đại biểu cho hay.

Đề xuất rút 7 bậc tính thuế về còn 5 bậc

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay gồm 7 bậc (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%) là chưa hợp lý và cũng không cần thiết.

"7 bậc là quá nhiều trong khi khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế cá nhân phải nộp”, ông Thịnh đánh giá.

Vị chuyên gia đề xuất biểu thuế lũy tiến từng phần chỉ nên gồm 5 bậc để dễ tính và nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên và khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp.

Về mức thuế suất, ông Thịnh chỉ ra xu hướng các nước hiện đều đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNCN, hiện cao nhất chỉ còn khoảng 25%.

“Mức 35% của Việt Nam là quá cao. Cần giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu, và mức đóng thuế hợp lý thì họ mới tích cực chủ động đóng thuế”, ông Thịnh nói thêm.

 Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường. Ảnh: M.L.

Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường. Ảnh: M.L.

Chia sẻ thêm về quy định biểu thuế lũy tiến từng phần, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng ưu điểm của việc chia các bậc thuế càng cụ thể thì sẽ càng dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm là dễ bị “lỗi thời” sớm bởi xã hội phát triển rất nhanh.

Ông Cường cũng nhấn mạnh để có mức thu thuế cá nhân phù hợp cơ quan soạn thảo Luật còn phải căn cứ vào rất nhiều thông tin quan trọng như số liệu GDP cả nước, công ăn việc làm người lao động, kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, năng suất lao động, kết quả kinh doanh…

Tuy nhiên, về mặt chính sách, đại biểu đồng tình với quyết định của Bộ Tài chính và cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để đảm bảo công bằng xã hội.

Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN sẽ được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển hạ tầng đất nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

“Việc áp dụng thuế TNCN cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay và khi đất nước phát triển, có điều kiện hơn rồi thì cũng nên giảm thuế thu nhập cá nhân”, ông Cường nhận định thêm.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-nang-muc-giam-tru-gia-canh-len-18-trieu-dongthang-post1513998.html
Zalo