Gỡ vướng để Luật Thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tổng hợp, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn cụ thể.

Tháng 8-2024, làm việc về công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), Chủ tịch nước đã đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp, sớm kiến nghị để giải quyết những điểm chưa thống nhất trong việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các quy định pháp luật có liên quan.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban TĐKT Trung ương (ảnh), để tìm ra giải pháp cho những vướng mắc đang tồn tại.

Ông Phạm Huy Giang khẳng định rằng: “Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 đã cụ thể hóa Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT”; kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng ở cả khu vực công và khu vực tư; thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong khen thưởng, góp phần giải quyết các hạn chế, tồn tại trong công tác TĐKT thời gian qua”.

 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng ở cả khu vực công và khu vực tư; thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. (Ảnh minh họa: Một buổi trao thưởng)

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng ở cả khu vực công và khu vực tư; thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. (Ảnh minh họa: Một buổi trao thưởng)

Do các bộ, ngành hiểu khác nhau?

. Phóng viên: Thưa ông, một số bộ, ngành như Y tế, Tài chính, GD&ĐT, Ban Đối ngoại Trung ương… đã gửi công văn về Ban TĐKT Trung ương để phản ánh, đề nghị hướng dẫn cách giải quyết những vướng mắc nào trong triển khai, thi hành Luật Thi đua, khen thưởng? Theo ông, những vướng mắc nào là nổi cộm nhất?

+ Ông Phạm Huy Giang: Có thể khẳng định qua bảy tháng triển khai, thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bước đầu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TĐKT, đảm bảo TĐKT đi vào thực chất, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ban ngành, địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu còn có một số khó khăn do quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng, nhất là điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng cho tập thể. Mặt khác, mặc dù đã được quán triệt, tuyên truyền, tập huấn và có văn bản trao đổi nghiệp vụ về công tác TĐKT nhưng một số bộ, ngành, địa phương còn có cách hiểu khác nhau ở một số điểm, khoản nên chưa thực sự thống nhất trong quá trình thực hiện.

. Nhiều bộ, ngành cho rằng có một số quy định trong luật khó có thể triển khai. Chẳng hạn như quy định tặng cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể có tiêu chí “trong sạch, vững mạnh”; dù Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn “hoàn thành xuất sắc” tương đương “trong sạch, vững mạnh” nhưng nhiều người vẫn băn khoăn vì có thể hướng dẫn như vậy là vượt luật. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

+ Đúng như nhà báo trao đổi, vấn đề này mặc dù Ban Tổ chức Trung ương đã có ý kiến nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương còn băn khoăn và có cách hiểu khác nhau. Đối với quy định này, Ban TĐKT Trung ương đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân do thiếu từ “sau đó” (Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022) nên có cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng cứ được tặng bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh và đảm bảo các điều kiện kèm theo là đủ tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng có ý kiến cho rằng sau khi nhận được bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh và đảm bảo các điều kiện kèm theo thì năm năm sau mới đủ tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi xin được trao đổi và làm rõ như sau: Trước hết phải xác định đây là loại hình khen thưởng công trạng. Khoản 9 Điều 30 Nghị định 98/2023 quy định: “Thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước”. Đồng thời, báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng đối với cá nhân quy định tại Nghị định 98/2023 cũng đã quy định: Báo cáo thành tích liên tục từ năm năm trở lên đến thời điểm đề nghị đối với bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, theo quy định trên, cá nhân phải được tặng bằng khen của cấp bộ, cấp tỉnh, sau đó có liên tục từ năm năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có ba lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Dù Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn “hoàn thành xuất sắc” tương đương “trong sạch, vững mạnh” nhưng hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Sau một năm thực hiện mới tổng hợp vướng mắc

. Trong các hội nghị triển khai luật và tập huấn công tác TĐKT cũng có những ý kiến nói về quy định “không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích”… Điều này cũng từng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến khi thảo luận về dự luật này tại Quốc hội vào năm 2022. Ông có thấy đây là vấn đề cần hướng dẫn thêm không?

+ Nguyên tắc “không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” không phải đến Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 mới quy định mà đã được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.

Dưới góc độ là cơ quan tham mưu về công tác TĐKT, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban TĐKT Trung ương đã có cuộc làm việc với Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ thống nhất sau một năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ tổng hợp, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn cụ thể theo tinh thần cần tách bạch rõ đâu là điều kiện và đâu là tiêu chuẩn khen thưởng. Có như vậy mới giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong việc trình khen thưởng hiện nay.

. Xin cảm ơn ông.•

Quỹ thi đua, khen thưởng đã… có quy định!

. PV: Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chưa có hướng dẫn về quy trình thành lập quỹ nên nhiều nơi chưa có tiền để khen thưởng; một số quy định về quỹ TĐKT trong luật khó thực hiện. Ông thấy phản ánh như vậy có sát với thực tế không? Nếu đúng thì giải pháp phải là gì?

+ Ông Phạm Huy Giang: Nội dung trên đã được quy định tại Điều 11 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Theo đó, quỹ TĐKT được hình thành trên cơ sở: (1) Ngân sách nhà nước, (2) Từ quỹ TĐKT của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác, (3) Sự đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài, (4) Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ TĐKT được dùng để chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (trừ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng); chi in, làm hiện vật khen thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình. Trích 20% trong tổng quỹ TĐKT của từng cấp để chi tổ chức phát động, chỉ đạo triển khai, chỉ đạo, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, phổ biến nhân rộng điển hình tiên tiến, học tập, trao đổi kinh nghiệm về TĐKT; kiểm tra công tác TĐKT của hội đồng TĐKT; họp xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác TĐKT. Mức chi cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị lập quỹ TĐKT để chi tổ chức phong trào thi đua và thực hiện chế độ thưởng theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 11 quy định: “Người ra quyết định khen thưởng có trách nhiệm chi tiền thưởng từ quỹ TĐKT do cấp mình quản lý; trường hợp Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng thì cơ quan đề nghị khen thưởng có trách nhiệm chi tiền thưởng từ quỹ TĐKT do cấp mình quản lý” (trừ các danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước vì kinh phí được hạch toán độc lập theo quy định của pháp luật).

Mức tiền thưởng đối với từng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đã được quy định tại Điều 54 Nghị định 98/2023.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/go-vuong-de-luat-thi-dua-khen-thuong-di-vao-cuoc-song-post822637.html
Zalo