Gỡ vướng cho xuất nhập khẩu tại chỗ: Bài 1 - Xuất nhập khẩu tại chỗ phát sinh nhiều vướng mắc khó giải

Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đang được đề xuất bãi bỏ, tuy nhiên trong thực tế giao dịch đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến đội chi phí cho doanh nghiệp.

Khó khăn trong xác định đối tượng

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (Nghị định 08) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, trong đó phần lớn doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu quan tâm tới cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ và mong muốn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (điểm 1c, khoản 35).

Giải thích cơ bản về cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, ông Nguyễn Hải Minh- Phó Chủ tịch EuroCham cho hay, chủ hàng, ví dụ là nhãn hàng thời trang đặt nhà máy 1 sản xuất vải - vải sản xuất ra được giao cho nhà máy 2 in họa tiết - vải thành phẩm được giao cho nhà máy 3 cắt may … Hoạt động giao nhận này theo yêu cầu của chủ hàng và thông qua giao dịch kinh tế. Toàn bộ quá trình này gọi là xuất nhập khẩu tại chỗ và cơ chế này khá phổ biến trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da giày.

Ông Nguyễn Hải Minh- Phó Chủ tịch EuroCham. Ảnh: EuroCham

Ông Nguyễn Hải Minh- Phó Chủ tịch EuroCham. Ảnh: EuroCham

Cũng theo đại diện EuroCham, cơ chế này đã tồn tại được khoảng 25 năm, tuy nhiên chỉ đến năm 2015, Nghị định 08 ra đời mới quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là xuất nhập khẩu tại chỗ, trong đó có quy định về thương nhân nước ngoài.

Doanh nghiệp nội địa Việt Nam bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài, sau đó doanh nghiệp nước ngoài này bán lại cho doanh nghiệp khác của Việt Nam và chỉ định giao trong nước. Giao dịch được thực hiện với một điều kiện, doanh nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam”, ông Minh thông tin.

Ông Minh cũng đồng thời cho biết, trước Nghị định 08, không hề đặt ra vấn đề thương nhân có hay không hiện diện tại Việt Nam. Đến năm 2022, Tổng Cục Hải quan đề xuất cần rà soát thêm vấn đề này, đồng thời siết chặt điều kiện áp dụng thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Thời điểm này bắt đầu phát sinh vấn đề định nghĩa thế nào là thương nhân hiện diện hay không hiện diện tại Việt Nam và khó thực hiện thủ tục hải quan.

Để gỡ vướng, giữa năm 20203, Tổng Cục Hải quan ban hành Công văn 2578/TCHQ-GSQL hướng dẫn sử dụng kho ngoại quan thay thế cho xuất nhập khẩu tại chỗ, hoặc chuyển thành giao dịch nội địa. Ví dụ, nhà máy số 1 giao hàng vào kho ngoại quan, sau đó từ kho ngoại quan mới chuyển ra ngoài, giao cho doanh nghiệp số 2.

Trường hợp coi đây là giao dịch nội địa thì chưa có hướng dẫn cụ thể nào. “Khi nhà máy số 1 giao hàng hóa cho nhà máy số 2 có phải xuất hóa đơn không? Có được xuất hóa đơn cho thương nhân nước ngoài hay không và có phải chịu thuế giá trị gia tăng không. Đây là vướng mắc”, đại diện EuroCham nêu. Cuối năm 2023, Bộ Tài chính tiến hành sửa đổi Nghị định 08, đề nghị bãi bỏ khoản 1c, tức là xóa bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ.

Nảy sinh nhiều quan ngại

Theo ông Minh, việc bãi bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ nảy sinh nhiều quan ngại. Cụ thể, với doanh nghiệp nội địa Việt Nam là bên giao hàng có khả năng không còn được hưởng thuế suất 0% trên doanh thu bán hàng, thay vào đó là thuế suất phổ thông 8% hoặc 10%. Không còn được hưởng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh thu xuất khẩu. Không còn được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sử dụng cho sản xuất để xuất khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu lo tăng chi phí khi xóa bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu lo tăng chi phí khi xóa bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ. Ảnh minh họa

Với doanh nghiệp nội địa Việt Nam là bên nhận hàng, cũng sẽ không được hưởng chính sách miễn thuế hoặc hoàn thuế nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu là nguyên liệu sử dụng cho sản xuất để xuất khẩu.

Trong trường hợp xóa bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, liệu thương nhân nước ngoài có phát sinh chi phí thuế giá trị gia tăng với doanh thu bán hàng cho doanh nghiệp nội địa là bên nhận hàng. “Thương nhân nước ngoài càng hoang mang bởi nếu áp thuế giá trị gia tăng giống như một giao dịch nội địa sẽ đội chi phí rất nhiều”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cũng cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp hiện đang chọn phương án tạm thời là giao hàng qua kho ngoại quan để giải quyết tình thế. Tuy nhiên, phương án này mang lại những bất cập, đầu tiên là tăng chi phí lưu kho, vận chuyển, có rủi ro không tuân thủ với định nghĩa về kho ngoại quan và hàng hóa được phép gửi vào kho ngoại quan, đồng thời không kiểm soát được thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp chuyển giao dịch thành giao dịch nội địa trực tiếp thì doanh nghiệp rất lúng túng bởi lẽ chưa có cơ chế hóa đơn chứng từ và kê khai thuế giá trị gia tăng cho trường hợp này.

Mặt khác, chuỗi cung ứng rất phức tạp và không phải có chỉ 1 chủ hàng mà có nhiều chuỗi nhỏ hơn nằm trong chuỗi lớn mà được điều chỉnh bởi thương nhân nước ngoài khác nhau, cho nên nếu chuyển thành giao dịch nội địa sẽ mất đi vai trò điều phối của thương nhân này. Theo đại diện EuroCham, cũng không dễ để thương nhân nước ngoài thành lập 1 công ty con ở Việt Nam chỉ để thực hiện giao dịch chuyển giao.

Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ theo Nghị định 08 của Bộ Tài chính đang được đề xuất bãi bỏ gây hoang mang cho doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/go-vuong-cho-xuat-nhap-khau-tai-cho-bai-1-xuat-nhap-khau-tai-cho-phat-sinh-nhieu-vuong-mac-kho-giai-370217.html
Zalo