Gỡ rào cản thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày một tăng trong những năm gần đây, nhất là đầu tư trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp số. Tuy nhiên, cả nước hiện có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thì chỉ có hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là con số khiêm tốn, cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp còn đối diện khá nhiều rào cản.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dù năm 2024 ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó có yếu tố thiên tai, đặc biệt là bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp... Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Có được kết quả này, cần phải khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Nhất là trong những nỗ lực của các DN với việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch...
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn
Nhiều năm trở lại đây, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, dịch vụ nông nghiệp. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân trồng lúa và nuôi tôm, như mô hình "Lúa thơm – tôm sạch" và "Tôm rừng Mangrove – Carbon Zero" của Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng với đó, DN cũng đang nỗ lực hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH De Heus, chia sẻ về cam kết của công ty trong việc thúc đẩy chăn nuôi bền vững thông qua chương trình "Responsible Feeding". Chương trình này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với sự hợp tác của các khách hàng và đối tác.
Mặc dù vậy, phát biểu tại Diễn đàn DN đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 tổ chức mới đây, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sự gắn kết giữa DN với nhà nông còn chưa thật sự chặt chẽ như kỳ vọng, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Một vướng mắc nữa là số lượng DN đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho DN chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút DN.
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, đây là một con số khiêm tốn trong tổng số 900.000 DN đang hoạt động hiện nay.
Tạo cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp
Đề cập đến nguyên nhân khiến việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chuỗi Chiến lược Dữ liệu quốc gia Lê Nguyễn Thiên Nga cho biết, việc tiếp cận để tổ chức sản xuất của các DN nông nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc như: Quy hoạch vùng nguyên liệu còn thiếu ổn định, quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm; bài toán tín dụng vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Mặt khác, nguồn giống cây trồng và vật nuôi phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, trong khi các viện nghiên cứu trong nước chưa phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện cũng tồn tại nhiều bất ổn. Chuỗi liên kết giữa DN và các nhà phân phối chưa chặt chẽ; thách thức lớn đến từ chất lượng nguồn nhân lực. Các chính sách ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh...
Thực tế, hiện nay, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với gần 15% GDP quốc gia. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và áp lực cạnh tranh toàn cầu, ngành nông nghiệp không chỉ cần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống mà phải vươn lên xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, tích hợp công nghệ và chuyển đổi số ở mọi giai đoạn.
Để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vai trò của các DN rất quan trọng. Tuy nhiên, để thu hút được DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để ngành nông nghiệp bứt phá.
Là một trong số những DN tiên phong phát triển nông nghiệp sạch, trong đó là phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây mía, bao gồm điện sinh khối, phân bón hữu cơ và cồn ethanol, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, công ty cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2035 và phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ và đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây trồng, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu và tận dụng phụ phẩm từ cây mía như bã mía, rỉ mật để sản xuất điện sinh khối, phân bón hữu cơ và các sản phẩm phụ trợ khác. Đồng thời hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh.
Tuy nhiên, để các DN đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, theo bà Ngọc, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ DN trong nước; nhất là các giải pháp bảo vệ ngành mía đường trước áp lực từ hàng hóa không chính ngạch, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Cần có thêm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. “Tăng cường các gói tín dụng ưu đãi, giúp bà con có nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu. Đặc biệt, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP), đây sẽ là nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa nhà nước, DN và nông dân” – bà Ngọc nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hiếu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tài trợ các dự án sáng tạo, giúp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị công nghệ cao. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép và kiểm tra chất lượng sản phẩm, minh bạch quy trình đấu thầu và cấp phép các dự án nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết vùng, hỗ trợ chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông dân; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và kho bãi.
Còn theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, để DN đồng hành với nông dân, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững. Cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp. “Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt quy định phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong quản lý. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, cung cấp cho các DN tại địa phương các gói tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, nhằm giảm bớt rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư” – ông Phòng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến:
Doanh nghiệp cần gắn kết với nông dân
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều thách thức cả trong nước, trong khu vực và toàn cầu nhưng với sự tham gia tích cực doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, chịu khó của bà con nông dân sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, không những đáp ứng nhu cầu trong nước và còn vươn rộng, vươn xa ra trường quốc tế.
Về thu hút nguồn vốn FDI, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Tính đến tháng 10/2024, tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động. Sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học.