Gỡ 'nút thắt' về giá, tạo đột phá thu hút đầu tư vào ngành điện

Theo các chuyên gia, trong thu hút đầu tư vào sản xuất điện, bên cạnh những thuận lợi, còn không ít những khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là những điểm còn chưa hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện

Giá điện chưa phù hợp với cơ chế thị trường

Nêu ý kiến tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/8, chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá điện đang có 4 bất cập rất lớn.

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Theo ông Thỏa, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường, nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện, nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.

"Số liệu hai năm 2022 và 2023 cho thấy, chính sách điều hành trên đã gây lỗ cho ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới," vị chuyên gia chỉ ra.

Về bất cập thứ hai, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: "Giá điện hiện nay chúng ta kỳ vọng và giao cho nó gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu. Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát… Có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không đảm bảo được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Cho nên chúng ta phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn".

Theo ông, phải dùng những biện pháp như thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện, chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Phải tính toán lại chính sách phát điện từ chính sách thị trường này.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cũng nêu bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng; giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cũng cho ý kiến về vấn đề giá điện, PGS TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng cho rằng, cách tính giá điện hiện nay là theo giá bán lẻ điện bình quân. Cách tính giá này có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay mà mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá.

“Nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp. Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường,” ông Bùi Xuân Hồi nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) thông tin, nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, tái đầu tư rất khó.

Ông Nguyễn Đình Tuấn đề xuất, cần liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện. Đặc biệt, như nhiệt điện than còn liên quan đến giá của các nguyên liệu và chuyển đổi, cần có cơ chế liên thông linh hoạt. Thứ hai, cần có một hệ thống truyền tải đảm bảo để có thể "cân" được nguồn từ các vùng, các thời điểm. Cuối cùng là cơ chế mua bán điện.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) nêu ý kiến tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) nêu ý kiến tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

"Đối với các đơn vị nhiệt điện như chúng tôi là nguồn điện nền, cơ sở, rất cần thiết để ổn định hệ thống. Tới đây, theo lộ trình sẽ có chương trình thay đổi nhiên liệu, phối trộn. Điều này Bộ Công Thương đã chỉ đạo và các đơn vị đã nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn quay lại câu chuyện về giá, giá đầu vào của những nguyên liệu đốt biomass, viên nén so với giá than có thể gấp 2-3 lần. Đây là vấn đề các chuyên gia cần phải tính toán," ông Tuấn nói.

Gỡ "nút thắt" về giá, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh

Ở góc nhìn lập pháp, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định, ngành điện có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Ngành này không chỉ quan trọng ở riêng Việt Nam mà quan trọng ở mọi quốc gia.

"Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy chính sách của chúng ta ổn định quá. Luật Điện lực có từ năm năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… nhưng thực tế, ngành điện thay đổi rất nhanh chóng, nên sự ổn định là chậm thay đổi.

Chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư thị trường phát điện, mua điện bán buôn nhưng chậm cải cách về bán lẻ thì rõ ràng không đồng bộ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay cần phải hoàn thiện về cơ chế để có công cụ thúc đẩy bền vững," ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng là hai mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết. Giá điện chưa phù hợp một mặt khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị.

Ngược lại, giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.

Theo đó, để giảm giá thành điện, theo ông Phan Đức Hiếu, phải nghĩ đến các thể chế, chính sách khác có giúp cho việc sản xuất điện tiết kiệm hơn không. Nếu cải cách được cả quy trình đầu tư để phát triển một dự án điện; quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi, sẽ tạo cơ hội để giảm giá.

"Giá điện có tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, vì vậy phải rà soát chính sách hỗ trợ về bán điện cho các đối tượng. Việc này phải thực hiện luôn, nhưng vẫn trên nguyên tắc cơ chế tài chính tách bạch, Nhà nước tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy bán điện cạnh tranh, để có sự tham gia của nhiều bên hơn. Cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất"

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Cho rằng rào cản hiện nay vẫn đang xuất hiện nhiều chính là các thủ tục hành chính, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa chỉ ra, Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá,... phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh: "Hãy làm Luật Điện lực một cách chất lượng, tạo ra một dự thảo tốt trình lên Quốc hội. Hãy đưa tất cả những vấn đề thật sự trọng tâm, trọng điểm của ngành vào để làm sao sau này dưới luật là những văn bản pháp quy khác làm cho ngành vận hành tốt. Thứ hai, chúng ta quyết liệt cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện".

PGS TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

PGS TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP.

Cũng theo ông Hồi, cần phải nghiên cứu sớm sửa Quyết định 28/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện song song với quá trình tu chỉnh Luật Điện lực. Cơ cấu biểu giá phải phản ánh một biểu giá phù hợp, và điểm quan trọng nhất là cơ chế điều hành giá, khi có cơ cấu biểu giá phù hợp rồi thì điều hành như thế nào.

"Những vấn đề về cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn, ví dụ như Nghị định của Chính phủ. Xăng dầu chúng ta thậm chí một tuần điều chỉnh một lần. Chúng ta không làm được như thế với điện, thì từ quyết định của Thủ tướng trở thành nghị định của Chính phủ, để 3 tháng chúng ta điều chỉnh một lần. Như thế, tôi cho rằng ngành điện sẽ dần dần ổn định và đảm bảo được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra một cách hợp lý nhất," vị chuyên gia này đề xuất.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/go-nut-that-ve-gia-tao-dot-pha-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-dien-32585.html
Zalo