Gỡ khó về thời gian lái xe, đăng kiểm ôtô chưa đổi chứng nhận đăng ký

Hàng loạt các quy định về thời gian lái xe trong tuần, ôtô chưa đổi chứng nhận đăng ký xe hay biển số kinh doanh sẽ bị từ chối đăng kiểm đang gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Doanh nghiệp vận tải tuyến cố định hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô do còn một số quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn trong Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ và nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đề nghị thời gian lái xe 70 giờ/tuần

Về thời gian lái xe của người lái xe ôtô theo quy định Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, tại khoản 1 Điều 64 quy định: “Thời gian lái xe của người lái xe ôtô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.”

Thực tế tình trạng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay, bao gồm hạ tầng đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, quy định về tổ chức giao thông và mật độ phương tiện tham giao thông, tổng số giờ lái xe của người lái xe ôtô khoảng 60-65 giờ/tuần đối với vận tải đường ngắn (dưới 300km) và trên 65 giờ/tuần đối với vận tải đường dài (trên 300km).

So sánh quy định về thời gian lái xe của người lái xe ôtô của các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới như Liên minh châu Âu số giờ lái xe tối đa của người lái xe ôtô là 56 giờ/tuần; Mỹ là từ 60-70 giờ/tuần; Nhật Bản tối đa là 60 giờ/tuần thì quy định thời gian lái xe của người lái xe ôtô không quá 48 giờ trong một tuần của Việt Nam là thấp nhất.

Mặt khác, quy định này đã gây ra những khó khăn, thiệt hại như người lái xe bị giảm 20-30% thu nhập do giảm giờ làm việc; giảm năng lực cung ứng dịch vụ của toàn thị trường vận tải đường bộ khoảng 20-30%, làm cho giá cước vận tải tăng ước tính khoảng 20-25%, dẫn đến làm tăng chi phí logistics vận tải lên khoảng 10-11% và làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam.

 VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Do đó, VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần; chỉ xử phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về vượt quá thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải trên 10% thời gian quy định tại Điều 64 Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ; không xử phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp vận tải là chủ phương tiện, trường hợp chủ phương tiện vận tải yêu cầu thời gian lái xe của người lái xe vượt quá thời gian làm việc theo quy định thì giữa chủ phương tiện vận tải và lái xe sẽ giải quyết bằng quy định nội bộ của doanh nghiệp.

VATA đề nghị tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15km/giờ để loại bỏ đi những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam bởi đây là những tình huống bất khả kháng cần miễn trừ trách nhiệm; tạm thời chưa áp dụng quy định về thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải khi lưu thông trên các đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ.

Đăng kiểm cho xe chưa đổi đăng ký và màu biển số

Đối với việc các xe chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” và biển số xe kinh doanh (nền màu vàng, chữ và số màu đen), ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch VATA cho biết ngày 5/2/2025, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép các xe chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo quy định tại Thông tư 79/2024/TT-BCA được kiểm định và cấp bản sao “Giấy chứng nhận kiểm định” có giá trị trong 3 tháng.

Tuy nhiên, theo thống kê, thời gian để hoàn thiện, đủ các thủ tục để đổi “chứng nhận đăng ký xe” và biển số xe sang màu vàng (nếu chưa đổi), đổi cấp lại phù hiệu cho khoảng hơn một triệu xe sẽ phải cần thời gian khoảng 2 năm.

Do đó, VATA đề nghị cho phép các xe chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo quy định tại Thông tư 79/2024/TT-BCA tiếp tục được kiểm định trong năm 2025 và 2026 để người dân, doanh nghiệp và cơ quan Cảnh sát giao thông có đủ thời gian làm lại công việc đã thực hiện trong 4 năm trước đó, khi thực hiện Thông tư 58/2020/TT-BCA. Trước mắt cần tiếp tục thực hiện việc kiểm định cho các phương tiện đã hết hạn kiểm định nhưng chưa đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo quy định của Thông tư số 79/TT-BCA.

VATA kiến nghị cho phép người dân và doanh nghiệp được thực hiện quy trình rút gọn đối với những xe đã được cấp mới, cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, nay được phép cấp đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo Thông tư 79/2024/TT-BCA mà không cần thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung số máy để tránh lãng phí vô ích cho người dân và doanh nghiệp.

“Việc xe phải dừng hoạt động để đưa đến cơ quan công an thực hiện thủ tục khám xe, cà lại số khung, số máy (lần thứ hai hoặc lần thứ ba) là rất phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng .... có trụ sở Đội Cảnh sát giao thông đăng ký xe trong nội thành nên không thể đưa xe tải, sơ mi rơ-mooc, xe khách loại trên 30 ghế vào đó để thủ tục khám xe, cà lại số khung số máy," ông Quyền đánh giá.

 VATA đề nghị đăng kiểm cho các xe kinh doanh vận tải chưa đổi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe kinh doanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

VATA đề nghị đăng kiểm cho các xe kinh doanh vận tải chưa đổi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe kinh doanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về việc đổi “chứng nhận đăng ký xe” đang thế chấp tại ngân hàng, VATA đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng trong cả nước tạo điều kiện, có giải pháp phối hợp, hỗ trợ chủ xe đang có “chứng nhận đăng ký xe” thế chấp tại ngân hàng đó, được rút ra để đưa đến Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương để đổi “chứng nhận đăng ký xe” theo biển số có nền màu, bao gồm cả các xe đã đổi và chưa đổi biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen. Sau khi đổi xong thì nộp thế chấp lại “chứng nhận đăng ký xe” mới về ngân hàng đó.

Liên quan đến quy định về thiết bị giám sát hành trình, phía VATA kiến nghị chưa xử phạt các hành vi vi phạm từ khai thác dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp đối với người điều khiển xe ôtô và chủ phương tiện vi phạm về vượt quá thời gian lái xe quy định tại Điều 64 Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ trong thời gian xem xét, điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải phù hợp với hoàn cảnh thực tế và chuẩn hóa thiết bị giám sát hành trình là phương tiện đo lường về thời gian lái xe theo quy định pháp luật đo lường.

Chỉ xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến việc lắp đặt, quản lý, sử dụng, khai thác thiết bị giám sát hành trình trên các loại xe ôtô kinh doanh vận tải đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải hoặc cá nhân, tổ chức kinh doanh sản xuất, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (không xử phạt đối với người điều khiển xe)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/go-kho-ve-thoi-gian-lai-xe-dang-kiem-oto-chua-doi-chung-nhan-dang-ky-post1011594.vnp
Zalo