Gỡ khó trong thu hút đầu tư để Làng Văn hóa trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia
Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra sáng 17/12 tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Hội nghị do Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung.
Xây dựng Làng thành trung tâm hoạt động văn hóa quốc gia
Theo báo cáo tại Hội nghị, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt: Làng Văn hóa) nằm trong khu vực hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, thị xã Sơn Tây, cách nội thành Hà Nội 40km về hướng Tây, theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, có tổng diện tích: 1544ha (gồm: 605ha đất, 939ha đất có mặt nước).
Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng Làng Văn hóa thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Quy hoạch chung của Làng gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí (125,22ha); Khu các Làng dân tộc (198,61ha); Khu di sản văn hóa thế giới (46,50ha); Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu công viên bến thuyền (341,53ha); Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).
Trong đó, các hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; Hệ thống cây xanh, cảnh quan; Khu các làng dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Hội nghị cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng VHDL các dân tộc Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư vào Làng. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Làng Văn hóa xuất phát từ mục đích, yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy hoạch nói riêng.
Trong thời gian vừa qua, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo triển khai rất nhiều những hoạt động xuất phát từ vị trí yêu cầu chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Làng Văn hóa ngay từ khi mới thành lập. Với hai mục tiêu cơ bản là xây dựng Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia để tập trung tái hiện gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam và đáp ứng các nhu cầu về vui chơi, giải trí hoạt động thể thao văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
"Với hai mục tiêu trên, Bộ VHTTDL và Làng Văn hóa đã nỗ lực để từng bước hình thành những nét chấm phá và đặc biệt là những thiết chế quan trọng thể hiện được tinh thần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian vừa qua. Đầu tư cho văn hóa theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, đó chính là đầu tư cho sự phát triển. Việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm và đã có những công trình, những hoạt động rất cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển tại Làng Văn hóa trong thời gian vừa qua"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Theo Thứ trưởng, với sự quan tâm của Bộ VHTTDL, Làng Văn hóa có nhiều đổi mới sáng tạo để phát huy lợi thế vị trí, vai trò của Làng trong tình hình hiện nay. Làng Văn hóa có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích mặt đất và diện tích mặt hồ rất thuận lợi cho việc đầu tư đa dạng phong phú các loại hình về văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ người dân. Đặc biệt, lợi thế quan trọng hơn, Làng Văn hóa là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa, nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc các địa phương. Đó là những điều kiện thuận lợi để đầu tư, kết nối và mở ra rất nhiều hoạt động mới tại Làng Văn hóa.
Thứ trưởng cũng chỉ ra những thách thức đặt ra đối với Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc huy động nguồn lực đầu tư để phát triển trong thời gian tới, đồng thời mong muốn Hội nghị sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những cơ chế chính sách, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa. "Mong các đại biểu, doanh nghiệp sẽ "hiến kế" cho Bộ và BQL Làng Văn hóa, cần tập trung triển khai nhiệm vụ nào, giải pháp nào để huy động được nguồn lực, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, để Làng vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa thực sự trở thành thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại, quy mô, đảm bảo phát triển bền vững"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Cần sớm có quy chế đầu tư vào Làng Văn hóa
Hội nghị diễn ra theo 2 phiên gồm: Cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; Giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, Làng Văn hóa là khu vực có quy hoạch ổn định nhất ở Hà Nội, tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư vào Làng còn nhiều khó khăn và không khả thi do chính sách, cơ chế đầu tư vào Làng chưa rõ ràng, quy định chức năng, nhiệm vụ của Làng cũng còn nhiều vướng mắc với các quy định, các Luật khác như Luật đất đai…
Ông Kiều Văn Toản – Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và thương mại Kvinland cho biết: "Cần sớm ban hành các quy chế về đầu tư vào Làng Văn hóa đồng thời quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của Ban quản lý Làng Văn hóa có thẩm quyền đến đâu, như thế nào. Làng Văn hóa cũng cần quan tâm hơn đến xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn".
Theo ông Kim Sơn, đại diện Công ty Chiến Thắng, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư vào Làng Văn hóa là thẩm quyền của Làng chưa được quy định rõ, dẫn đến việc phối hợp chưa rõ ràng.
Ông Kim Sơn cho biết: "Công ty Chiến Thắng đã 6-7 năm theo đuổi dự án đầu tư vào Làng Văn hóa, hiểu rất rõ về mục đích, chất lượng đầu tư vào Làng, nhưng cơ chế đầu tư còn chưa rõ. Chúng tôi có nhiều phương án đầu tư đồng bộ, hiện đại, nổi bật vào Làng nhưng vì những vướng mắc trên nên còn chưa thực hiện được. Chúng tôi mong muốn cơ chế và giải pháp thu hút vốn vào Làng Văn hóa được ban hành".
Giải đáp ở phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Làng Văn hóa, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, trong các năm qua, mặc dù Ban Quản lý đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng đến nay chưa có dự án đầu tư nào được triển khai, do nhiều nguyên nhân: Về chủ quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014.
Về khách quan, một trong những nguyên nhân là do mực nước hồ Đồng Mô không ổn định vì còn phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp lân cận nên cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn. Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án cải tạo Sông Tích và nếu dự án được triển khai nhanh, hồ Đồng Mô sẽ không phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp vùng lân cận nữa. Tuy nhiên, do vốn thực hiện dự án từ nguồn NSNN, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có khó khăn nên tiến độ dự án này cũng bị kéo dài.
Giá đất áp dụng theo khu vực (Sơn Tây) được UBND Hà Nội ban hành theo Công văn số 6788/UBND-KT ngày 25/4/2016 cao (giá đất khoảng 1.700.000đ/m2), khó thu hút đầu tư đối với các dự án văn hóa, du lịch. Nhiều nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, tính toán hiệu quả đầu tư dự án đều có mong muốn được đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư.
Để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định, đồng thời về lâu dài được khai thác, vận hành có hiệu quả, ông Trịnh Ngọc Chung cho rằng, theo Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 12/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015, quan điểm đầu tư phát triển được xác định "Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu".
Theo đó, Ban Quản lý đề xuất được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như Khu kinh tế đối với các Khu chức năng, dự án kêu gọi đầu tư tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm thúc đẩy lợi thế kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng, dự án thu hút đầu tư, đây cũng là một động lực thúc đẩy hiệu quả và tiềm năng phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để trở thành Khu Văn hóa – Du lịch quốc gia.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014. Theo Quyết định này, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Như vậy phù hợp với khoản 1, khoản 2 Điều 32 và khoản 1 Điều 39, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 năm 2020.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Làng Văn hóa gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014.
Thời gian vừa qua, để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường trực Chính phủ sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư, tuy nhiên vẫn có những nội dung kiến nghị chưa được như mong muốn.
"Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh tại các vùng miền trên cả nước và hội nhập kinh tế - văn hóa trong nước và quốc tế, nhiều biến đổi lớn tại nơi chủ thể là đồng bào các dân tộc sinh sống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang dần mai một, Ban Quản lý đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành các chính sách góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, xác định Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa chỉ lắng đọng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam"- ông Trịnh Ngọc Chung bày tỏ./.