Gỡ khó cho người trồng mắc-ca
Mắc-ca đang dần khẳng định vị trí trong cơ cấu cây trồng hàng hóa tại tỉnh. Bởi loại cây này không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch, tiêu thụ và phát triển chuỗi giá trị cây mắc-ca vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá cả, nhân công và thị trường có nhiều biến động.

Ông Trần Đức Văn ở tổ dân phố số 15 (phường Tân Phong) kiểm tra chất lượng quả mắc-ca
Sản lượng tăng,thu hoạch vẫn thủ công
Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.421ha cây mắc-ca, trong đó hơn 3.000ha đã cho thu hoạch (gồm 1.000ha trồng thuần và gần 2.000ha xen với các loại cây ăn quả khác). Diện tích còn lại đang trong giai đoạn sinh trưởng và hứa hẹn cho thu hoạch trong vài năm tới, góp phần gia tăng sản lượng chung của toàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Hiện nay, năng suất bình quân của cây mắc-ca đạt từ 5 - 7kg quả tươi/cây/năm. Riêng năm 2025, thời tiết thuận lợi và bà con áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, sản lượng có xu hướng tăng nhẹ. Nhiều diện tích mắc-ca bước vào thời kỳ kinh doanh, cây ra hoa đồng đều và tỷ lệ đậu quả cao”.
Dù sản lượng tăng, nhưng bài toán thu hoạch mắc-ca vẫn khiến nhiều hộ trồng trăn trở. Bởi, phần lớn khâu thu hái vẫn thực hiện thủ công, chủ yếu bằng tay, dùng sào hoặc rung cây cho quả rụng. Điều này không chỉ năng suất lao động thấp mà còn gia tăng chi phí nhân công, nhất là trong bối cảnh giá thuê lao động tại địa phương ngày càng tăng.
Điển hình như gia đình ông Trần Đức Văn ở tổ dân phố số 15 (phường Tân Phong) có hơn 5ha mắc-ca trồng xen bưởi. Thời tiết thuận lợi và chủ động phòng trừ sâu bệnh, vườn mắc-ca của gia đình ông năm nay phát triển tốt, cây sai quả. Tuy nhiên, điều khiến ông Văn trăn trở lại ở khâu tiêu thụ. Ông Văn chia sẻ: Gia đình tôi tự hái là chính, vì thuê nhân công chi phí lớn, trong khi các đơn vị đến thu mua nhưng không ổn định, giá lên xuống thất thường mà lại trừ thêm chi phí công hái, vận chuyển… thì gần như không có lãi. Do vậy, quả tươi chủ yếu được sấy khô và bán trên các nền tảng số như: facebook, zalo, tiktok.
Thực tế, mức chi phí thu hoạch hiện dao động từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí vận chuyển, đóng gói. Trong khi đó, giá bán quả mắc-ca tươi cả vỏ gần như không tăng trong nhiều năm qua, dẫn đến lợi nhuận của người trồng ngày càng bị giảm.
Cần liên kết chuỗi để nâng giá trị
Một trong những nguyên nhân chính khiến thu nhập từ mắc-ca chưa được cải thiện là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc chưa đồng đều, sản lượng phân tán. Hầu hết hộ dân vẫn bán hàng theo hình thức tự phát, mang ra chợ bán lẻ hoặc bán qua thương lái với giá không ổn định. Tình trạng thiếu liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ khiến mắc-ca chưa hình thành được chuỗi giá trị bền vững. Mặc dù đã được xác định là cây trồng tiềm năng, nhưng đến nay, mắc-ca trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được chuỗi liên kết rõ ràng từ sản xuất đến tiêu thụ. Các doanh nghiệp còn e dè đầu tư do thiếu vùng nguyên liệu ổn định; trong khi người dân lại thiếu thông tin về thị trường, kỹ thuật canh tác an toàn và chiến lược phát triển dài hạn. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung phát triển vùng nguyên liệu mắc-ca. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể dành riêng cho khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm quả mắc-ca.
Để tháo gỡ khó khăn, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đang tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp. Trọng tâm là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến sâu ngay tại địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các sản phẩm chế biến sâu từ mắc-ca như: nhân sấy khô, dầu mắc-ca, mỹ phẩm thiên nhiên… không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ còn tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với đó, ngành chức năng sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ dài hạn.
Theo ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cây mắc-ca đang mở ra hướng phát triển đầy triển vọng, không chỉ giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng còn là đòn bẩy giảm nghèo bền vững cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để mắc-ca phát triển bền vững, rất cần đầu tư đồng bộ vào hạ tầng chế biến, hệ thống logistics, truy xuất nguồn gốc và cơ chế tín dụng ưu đãi. Quan trọng hơn là phải có sự vào cuộc đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đặc biệt, cần hình thành mô hình liên kết 3 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư thì mới tạo bước đột phá và đưa mắc-ca thực sự trở thành nền tảng quan trọng cho nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả, bền vững tại địa phương.