Gỡ điểm nghẽn xuất khẩu nông sản
Xuất khẩu nông sản thời gian qua liên tiếp lập kỷ lục mới với nhiều mặt hàng nằm trong top xuất khẩu tỷ đô. Thế nhưng, diễn biến của thị trường nông sản xuất khẩu những tháng đầu năm 2025 lại có dấu hiệu suy giảm. Tính đến cuối tháng 4/2025, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Vậy đâu là điểm nghẽn cần phải giải tỏa?
Sản xuất xanh là yêu cầu tất yếu
Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD; xuất khẩu sầu riêng đạt 3,3 tỷ USD, đứng đầu danh sách của ngành xuất khẩu rau quả nước nhà.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, xuất khẩu nông sản đối diện nhiều khó khăn. Xuất khẩu gạo tháng 3/2025 ước đạt 950 nghìn tấn, trị giá khoảng 463,6 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo, thu về 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm mạnh 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Từng là loại trái cây mang lại thu nhập khá cho các nhà vườn, thế nhưng thời điểm này, giá mít Thái đã giảm một nửa so với cách đây một tháng, xuống còn 4.000-10.000 đồng/kg.

Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong việc ký kết các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. (Trong ảnh: Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch thanh long).
Trong khi đó, sầu riêng - “vua trái cây” trong top xuất khẩu tỷ đô cũng bất ngờ lao dốc khi Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm. Họ tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O và cadimi. Các lô hàng bị phát hiện có chứa các chất này sẽ không được thông quan và bị trả về khiến các doanh nghiệp bị lỗ nặng. Xuất khẩu gặp khó khiến giá thu mua sầu riêng loại A tại Tiền Giang còn khoảng 53.000 đồng/kg. Còn nếu mua xô toàn vườn thì giá sầu riêng dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm kể từ khi loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Có thể thấy, sau một thời gian ghi dấu ấn trên thị trường xuất khẩu, “vua trái cây” đang gặp phải những khúc mắc cần được giải tỏa. Theo ông Võ Tấn Lợi - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, để hướng đến phát triển lâu dài cho ngành hàng sầu riêng, bắt buộc trái sầu riêng khi đưa ra thị trường phải thật sạch.
“Hiệp hội kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang thử nghiệm mô hình canh tác sầu riêng sạch. Mô hình này đang được triển khai ở huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy. Chúng tôi hy vọng mùa tới sẽ có kết quả. Nếu quả sầu riêng của mô hình không còn nhiễm cadimi, chúng tôi sẽ nhân rộng ra. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các hợp tác xã trong Hiệp hội sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, các hợp tác xã nên nhờ các phòng nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thêm kỹ thuật cho nhà vườn để hướng đến sản xuất ra các sản phẩm sạch, không tồn dư các chất cấm” - ông Lợi chia sẻ.
Đối với lúa gạo, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) đã ra mắt nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp”, đồng thời trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu nêu trên cho 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đủ điều kiện.
Ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, đây là bước ngoặt mang tính chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, hướng tới thị trường cao cấp với tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon. Nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" không chỉ là nhãn hiệu thương mại mà còn là cam kết về trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Nhận định về bức tranh xuất khẩu nông sản, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn tăng trưởng xuất khẩu, giữ vững các thị trường khó tính, nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đẩy mạnh sản xuất xanh, đây cũng là yêu cầu tất yếu đối với ngành nông nghiệp.
“Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây. Thậm chí còn khắt khe hơn một số thị trường khác. Bởi vậy, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất xanh mới có thể giữ vững thị trường này. Đối với trồng lúa, chúng ta đang đi theo hướng giảm phát thải, tức là giảm vật tư, phân bón, giống, giảm đốt đồng, sử dụng rơm rạ đúng cách… Đồng thời, tăng cường phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng có nhiều đề án như Đề án sử dụng phân bón hữu cơ; Đề án phát triển và sử dụng chế phẩm sinh học. Từ đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh” - ông Nghiêm chia sẻ.
Tránh phụ thuộc một thị trường
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có trái cây vẫn chủ yếu là xuất khẩu tươi và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thực tế này khiến nông sản Việt dễ bị tổn thương trước những biến động chính sách hoặc rào cản thương mại của nước nhập khẩu. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường là yêu cầu cấp thiết.

Vườn thanh nhãn của Hợp tác xã Trạng Tí Garden, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Úc tạo ra giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến
Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp, để giải quyết những bất cập hiện nay trong xuất khẩu nông sản, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng trồng bài bản, nâng cao chất lượng nông sản là ưu tiên hàng đầu. Các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu trái cây cần được hỗ trợ và khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, Organic, các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc... để thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường khác, bên cạnh thị trường Trung Quốc.
“Bên cạnh đó, cần cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP cần được được tận dụng triệt để nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật và thuế quan, giúp trái cây Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính. Đặc biệt, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm trái cây cũng rất cần thiết, giúp kéo dài thời gian bảo quản, tạo giá trị gia tăng cao hơn và mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường khó tính hơn” - TS Trần Hữu Hiệp nêu quan điểm đồng thời nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch vùng trồng không thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc mà cần sự kết hợp đồng bộ của chính sách hỗ trợ, sự tham gia tích cực của DN và nhận thức đúng đắn từ phía nông dân. Yêu cầu quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và thực thi quy hoạch càng mang ý nghĩa thiết thực hơn trước bối cảnh sáp nhập các tỉnh, cần thay đổi phạm vi, đối tượng, nội dung, yêu cầu quy hoạch khi không gian phát triển của các tỉnh rộng lớn hơn, yêu cầu mới trọng việc liên kết các chuỗi giá trị tiếp tục cần thiết hơn.
Các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch linh hoạt, minh bạch, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát diện tích và loại cây trồng. Các chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp, trợ cấp chuyển đổi cây trồng đúng quy hoạch sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, vai trò của DN rất quan trọng trong việc ký kết các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, giúp nông dân tránh rơi vào vòng luẩn quẩn "trồng – chặt" theo giá cả tăng, giảm ngắn hạn của thi trường nông sản. Các hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Lương thực (VFA), Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa), Hiệp hội Trái cây (Vinafruit), Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản (VASEP)… tăng cường vai trò liên kết, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. “Chỉ khi có sự liên kết đồng bộ, bền vững giữa Nhà nước, DN và nông dân, chúng ta mới tháo gỡ được những điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản, hướng đến sự phát triển bền vững và ổn định” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ: “Thời gian qua ngành nông nghiệp thành phố tích cực khuyến cáo bà con quan tâm khâu chế biến sau khu hoạch. Đầu tư nghiên cứu chế biến tạo ra những ra những sản phẩm OCOP, ví dụ trà mãng cầu, các loại trái cây sấy… Đồng thời gắn sản xuất với phát triển du lịch. Từ đó, tích hợp đa giá trị cho nông nghiệp, tạo động lực phát triển cho ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững”.