Gỡ điểm nghẽn thể chế để tăng trưởng 2 con số
Để có được mức tăng trưởng 8% trở lên cho năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với nhiều vấn đề quan trọng khác, cần kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế.
Đầu tư công vẫn là động lực chính
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng là ba chân kiềng của tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo, thị trường bất động sản sẽ khó có đột biến trong năm 2025 (ảnh minh họa).
Với xuất khẩu, năm 2025 có một yếu tố rất khó lường là chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu tất cả quốc gia áp dụng chính sách "trả đũa" với Mỹ, kinh tế toàn cầu sẽ giảm so với dự báo 0,3% và lạm phát tăng so với dự báo 0,5%.
Điều này có thể khiến xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu chững lại, đồng USD cũng sẽ đứng ở mức cao. Sức mua toàn cầu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,3%.
Những vấn đề trên sẽ gây áp lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, do tăng chi phí sản xuất và giảm đơn hàng.
Về đầu tư, ông Nghĩa cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng chậm lại. Thực tế, vốn đăng ký FDI năm 2024 tăng không đáng kể. Vốn đăng ký ít, đồng nghĩa vốn giải ngân cũng ít theo.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản khó có sự đột biến trong năm 2025, mặc dù hành lang pháp lý mới đã cơ bản xây dựng xong.
"Như vậy, động lực đầu tư năm 2025 chỉ còn dựa vào đầu tư công, kỳ vọng có thể tốt hơn nhờ bảng giá đất mới có thể hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn.
Còn động lực tiêu dùng khó dự báo, vì công ăn việc làm của cả khu vực công và tư đang trong tình trạng thay đổi. Tiêu dùng năm nay có thể hi vọng vào du khách quốc tế, chứ khó kỳ vọng vào du lịch nội địa", ông Nghĩa nói.
Nhận diện điểm nghẽn
Từ phân tích trên, để tăng trưởng vào năm 2025 ở mức cao hơn, ông Nghĩa nhấn mạnh cần có cách làm khác.
Ông gợi ý, cơ chế cần phải thông thoáng hơn để giải quyết tình trạng "có tiền không tiêu được" thời gian qua. Muốn vậy, pháp luật phải thay đổi theo hướng không chú trọng vào quy trình mà chú trọng vào kết quả.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chính sự chồng chéo của hệ thống pháp luật hiện nay đang kìm hãm sự phát triển. Nếu khơi thông điểm nghẽn này, việc kinh tế tăng trưởng hai con số là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Cung, có 4 điểm nghẽn cần xử lý. Thứ nhất là việc pháp luật đã đặt ra các rào cản, các "trạm barie" để kiểm soát, quản lý.
Điểm nghẽn thứ hai là cùng một vấn đề lại có nhiều luật với những quy định khác nhau điều chỉnh, dẫn đến tình trạng chồng chéo, chưa kể văn bản dưới luật như nghị định hay thông tư cũng vậy.
Điểm nghẽn thứ ba là vướng mắc về xây dựng hạ tầng và bất động sản khi đang có hàng nghìn dự án xây dựng vướng mắc về mặt pháp lý, không thể triển khai được.
Thứ tư là hiện tượng công dân và doanh nghiệp đưa hồ sơ lên trên cổng thông tin, công chức xử lý hồ sơ phải mang hồ sơ đi hỏi lòng vòng, xin ý kiến hết từ các sở đến các bộ vẫn không biết đến khi nào mới giải quyết được.
Các điểm nghẽn này đã được nhận diện và cũng có những hướng giải quyết nhất định, nhưng ông Cung nói rằng "ai cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù và rồi cũng chỉ giải quyết được rất ít những vấn đề nhỏ, không giải quyết được điểm nghẽn".
Đưa ra hướng giải quyết, ông Cung cho rằng, đầu tiên phải giải quyết điểm nghẽn thứ ba khi hàng nghìn dự án xây dựng vướng mắc về mặt pháp lý.
"Bây giờ chúng ta phải phân biệt được thể nhân và pháp nhân. Pháp nhân là công ty có dự án, thể nhân có thể là chủ tịch, giám đốc hay kế toán trưởng công ty vi phạm luật pháp. Sai phạm của cá nhân thì chỉ xử lý cá nhân còn doanh nghiệp hoạt động bình thường và dự án vẫn phải được triển khai", ông Cung nói.
Còn điểm nghẽn thứ nhất và thứ hai đều xuất phát từ tư duy "không quản được thì cấm". Gốc rễ nằm ở việc chần chừ trong cải cách, khi nền kinh tế hiện nay vẫn còn mang dáng dấp của kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Từ đó, cán bộ, công chức can thiệp quá mức, quá nhiều khiến cho các loại thị trường kém phát triển.
Tôn trọng nguyên tắc thị trường
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC cho rằng, thể chế chính là chìa khóa cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Theo ông Đức, nếu giải quyết được điểm nghẽn thể chế, giải phóng được nguồn lực và tận dụng được lợi thế, đất nước sẽ tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Kinh tế thị trường có xu hướng tất yếu là hàng hoáluôn dồi dào nhất; nhanh chóng cân đối cung cầu nhất; vận hành hiệu quả, tiết kiệm nhất; giá thành thấp nhất. Do đó, cần giảm thiểu việc can thiệp trực tiếp, không đúng, không hợp lý vào thị trường. Vì nếu không sẽ mang lại tác dụng ngược", ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng cho rằng, quy luật thị trường là nguyên lý, nên hãy tôn trọng. Thị trường không bao giờ chịu đứng im, mà nó luôn biến động khó lường, phản ứng rất khách quan, nhanh nhạy, chính xác trước thể chế.
"Nhà nước là nhân tố đặc biệt quan trọng để kìm hãm hoặc thúc đẩy thị trường thông qua thể chế. Thể chế tốt không phải chỉ phát huy được lợi thế sẵn có, mà còn phải tạo ra lợi thế mới lớn hơn", ông Đức khẳng định.
5 động lực chính cho tăng trưởng
Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 con số là mục tiêu cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được, nhờ 5 động lực chính.
Đầu tiên là sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Tiếp theo là những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
Thứ ba là đẩy mạnh ba đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là "đột phá của đột phá" để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Thứ tư là sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta.
Thứ năm là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…