Gỡ 'điểm nghẽn' để phát triển năng lượng tái tạo

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Theo các chuyên gia, một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phát triển chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch...

Xu hướng tất yếu

Theo TS Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%. Giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên). Cùng với đó là các cuộc cách mạng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tốc độ và mức độ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ngày càng nhanh và phổ biến.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn. Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch, đó chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch.

Nhu cầu điện năng cho phát triển là rất lớn. Ảnh: Quang Vinh

Nhu cầu điện năng cho phát triển là rất lớn. Ảnh: Quang Vinh

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, năng lượng là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Từ thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Theo tính toán để đạt mức tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 thì nhu cầu điện năng sẽ tăng gần 1,5 lần, tương đương với mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm. Với mức điện năng này theo các chuyên gia sẽ là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện xanh, sạch, thì nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026-2028 là điều rất hiển nhiên.

Tháo gỡ các rào cản về cơ chế

Từ thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển năng lượng quốc gia, với quan điểm năng lượng cần được đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại. Chính vì vậy, cần giải quyết nhanh, dứt điểm và hợp lý hợp tình với các dự án năng lượng tái tạo có vướng mắc về thủ tục đầu tư tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để giảm gánh nặng đàm phán giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với từng dự án điện năng lượng tái tạo. Tăng cường năng lực các địa phương trong xét duyệt, chọn nhà thầu và quản lý dự án năng lượng tái tạo; có các quy định cụ thể hơn về giao khu vực khảo sát, giao phát triển dự án điện gió ngoài khơi; thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt các yếu tố đầu vào theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg; thúc đẩy thành lập thị trường điện bán buôn và bán lẻ.

Cùng quan điểm, TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với yêu cầu và khát vọng rất lớn phát triển nhanh, bền vững, toàn diện đưa đất nước tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải vượt qua nhiều vấn đề, một trong số này là cung cấp đủ năng lượng để kiến tạo cho phát triển kinh tế. Theo định hướng phát triển của Chính phủ, hệ thống điện của Việt Nam sẽ phát triển theo chiều hướng xanh, sạch, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh tuần hoàn, phát thải thấp, phù hợp với các tiêu chuẩn, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cũng như cam kết tại COP 26, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn còn nhiều văn bản và quy định pháp luật cần được sửa đổi và thông qua trong thời gian tới, khi cơ chế chính sách của nhà nước trong cả ngắn, trung và dài hạn đều sẽ tập trung vào phát triển ngành công nghiệp năng lượng.

“Cần tháo gỡ khó khăn rào cản từ các cơ chế chính sách, thủ tục và quy định pháp lý trong đầu tư, phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng với việc hoàn thành mục tiêu đặt ra với ngành năng lượng, cũng như góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung” - TS Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-diem-nghen-de-phat-trien-nang-luong-tai-tao-10302775.html
Zalo