GenZ về quê chăn ngỗng sau khi du học, chưa đầy 3 năm thành đại gia

Từ bỏ tương lai hào nhoáng ở thành phố, GenZ này chọn về quê làm nông và đạt được cái kết mỹ mãn.

Thạc sĩ bỏ phố về quê làm nông dân

Dư An Kỳ - một cô nàng GenZ người Hồ Nam (Trung Quốc) có một hành trình khởi nghiệp khác biệt với bạn bè đồng trang lứa. Cô từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính ở nước ngoài, tuy nhiên, An Kỳ lại từ bỏ cuộc sống văn phòng ở đô thị và trở về quê lập nghiệp.

Quê nhà của An Kỳ là huyện Vũ Cương, tỉnh Hồ Nam. Giống ngỗng ở Vũ Cương từ lâu đã được nuôi ở địa phương. Người ta nói rằng chúng có từ thời vua Càn Long và từng được dùng làm cống phẩm dâng lên vua.

Ưu điểm của loài ngỗng này là thịt rất mềm và hương vị vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, năng suất đẻ trứng của chúng lại rất thấp. Một con chỉ có thể đẻ 30 trứng/năm, thấp hơn nhiều so với các giống ngỗng khác. Điều này cũng khiến nông dân địa phương không mấy mặn mà với việc nuôi chúng.

Dù vậy, An Kỳ tin rằng mình có thể thay đổi trở ngại này và đưa giống ngỗng địa phương trở nên nổi tiếng. Tháng 10 năm 2019, trang trại của cô chính thức được thành lập. Bố cô đã hỗ trợ 1 triệu NDT (3,4 triệu đồng) cho con gái làm vốn khởi nghiệp.

Dám sai, dám thử cái mới để thành công

An Kỳ đã nghĩ ra một ý tưởng táo bạo: chăn nuôi quanh năm. Vào thời điểm đó, điều này dường như không thể thực hiện được vì các phương pháp canh tác truyền thống thường là theo mùa hoặc trái mùa, cả hai đều có những hạn chế theo mùa về sản lượng và doanh số.

Và thực tế cũng khiến An Kỳ không khỏi lo lắng. Những ngày đầu khởi nghiệp không hề dễ dàng. Cô đã học theo các phương pháp chăn nuôi trên mạng và nuôi 200 con ngỗng cái, 60 con ngỗng đực. Kết quả sau 8 tháng chỉ thu được hơn 40 quả trứng, thấp hơn con số 1.000 mà cô từng kỳ vọng.

Dù vậy, thất bại này không làm An Kỳ bỏ cuộc mà ngược lại còn khiến cô quyết tâm tìm ra giải pháp.

Cô đã mời các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Thượng Hải đến để cung cấp hướng dẫn kỹ thuật. Họ nhận thấy vấn đề nằm ở việc kiểm soát thời gian chiếu sáng. Sau khi điều chỉnh thời gian chiếu sáng từ 16 tiếng xuống còn 12 tiếng, lứa 1.200 con ngỗng đã sản xuất thành công hơn 30.000 quả trứng.

Tuy nhiên lúc này, An Kỳ lại gặp phải tình trạng eo hẹp về tiền bạc. Không muốn ỷ lại vào cha, cô đã tìm cách tiết kiệm chi phí chăn nuôi.

An Kỳ phát hiện ra Vũ Cương là một ngôi làng sản xuất đậu phụ, mỗi ngày đều thừa ra một lượng lớn bã đậu phụ mà không có ai xử lý. Những bã đậu giàu protein và chất xơ này có thể dùng làm thức ăn cho ngỗng. Bằng cách này, cô đã tiết kiệm được hơn 3.000 NDT (10,3 triệu đồng) tiền thức ăn mỗi ngày, đồng thời tiết kiệm được hơn 3 triệu NDT (10,3 tỉ đồng) để cải tạo chuồng ngỗng.

Kế đó, An Kỳ bắt đầu thử chế biến món ngỗng kho và bán với giá 208 NDT (715.000đ)/con.

Ngoài ra, cô còn cung cấp các loại ngỗng khác nhau theo yêu cầu của các nhà hàng. Chẳng hạn, ngỗng 90 ngày tuổi thích hợp để làm món luộc hoặc kho, ngỗng từ 180 ngày tuổi thích hợp để nấu canh. Dịch vụ đặc biệt này đã giúp tăng giá ngỗng thương phẩm. Thậm chí, An Kỳ còn sáng tạo ra dịch vụ “tiệc toàn ngỗng” để mở rộng thị trường.

Sau gần ba năm phát triển, trang trại của An Kỳ đã có giá trị sản lượng hàng năm đạt hơn 20 triệu NDT (68,7 tỉ đồng). Cô không chỉ bán được hơn 140.000 ngỗng thương phẩm mà còn giúp hơn 200 hộ nông dân địa phương gia nhập ngành chăn nuôi ngỗng.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/genz-ve-que-chan-ngong-sau-khi-du-hoc-chua-day-3-nam-thanh-dai-gia-204250304125207065.htm
Zalo