Giúp trẻ yêu văn hóa dân tộc qua các trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian rất cần thiết được lựa chọn giới thiệu trong nhà trường nói chung và trường mầm non nói riêng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trò chơi dân gian với những chức năng đặc biệt đã mang lại cho thế giới trẻ thơ nhiều điều thú vị và bổ ích, đồng thời thể hiện nhu cầu giải trí, vui chơi, quyền được chia sẻ niềm vui của các em với bè bạn và cộng đồng, khiến cho thế giới xung quanh các em trở nên đẹp đẽ, rộng mở hơn. Vì vậy, trò chơi dân gian rất cần thiết được lựa chọn giới thiệu trong nhà trường nói chung và trường mầm non nói riêng.

Phát triển tư duy, sáng tạo

Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong đó có nội dung đưa trò chơi dân gian vào trường học. Nhưng làm thế nào để đưa được trò chơi dân gian vào trong trường học một cách hiệu quả, lôi cuốn và hấp dẫn? Điều đó cần đến năng lực đặc biệt cũng như tâm huyết của các giáo viên trong nhà trường.

Trò chơi dân gian là vốn quý của dân tộc ta gắn liền với đời sống lao động và các hội hè, đình đám, vừa thể hiện tính sáng tạo của người lao động vừa là giải trí sau những ngày làm việc mệt nhọc, niềm vui khi mùa màng bội thu hay chiến thắng thiên nhiên… Trò chơi dân gian đa dạng, cuốn hút người chơi bởi sự bình dị, khéo léo, hấp dẫn, hòa nhập, cởi mở.

Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nói “Trò chơi dân gian không chỉ chắp cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước”. Rõ ràng vai trò của văn học dân gian nói chung và trò chơi dân gian nói riêng đối với sự phát triển của học sinh, trẻ mầm non là rất lớn. Vậy làm thế nào để tích hợp tốt trò chơi dân gian vào trường học khiến cho học sinh yêu thích hứng thú?

Thiết nghĩ để làm được việc này các thầy cô trực tiếp giảng dạy trước hết phải giữ được ngọn lửa nhiệt tình của tình yêu nghề nghiệp và xem việc giảng dạy là trách nhiệm, sứ mệnh cao cả.

Giáo viên có yêu thích, say sưa chuyên môn mới là tiền đề để tạo dựng, khơi gợi hứng thú học tập cho trò; tìm tòi, suy nghĩ, cách này, cách khác để lựa chọn trò chơi và cách tích hợp trò chơi sao cho đúng, cho hay, tổ chức các hoạt động học tập sao cho trẻ thấy yêu thích và làm theo.

Ngày nay, nhiều phương pháp giảng dạy mới ra đời, nhiều lý thuyết hàn lâm để giáo viên có thể tham khảo. Nhưng, phương pháp nào cũng chỉ thành công nếu người giáo viên làm chủ được kiến thức và bên cạnh đó phải có tâm huyết với nghề nghiệp của mình.

Với giáo viên nói chung và giáo viên trường mầm non nói riêng, ngoài kiến thức và tâm huyết thì phải thật sự nghiêm túc trong giờ lên lớp. Khi vào lớp, việc trước tiên là bao quát lớp và chú ý đến từng phản ứng nhanh hay chậm của trẻ và tuyệt đối không được khô cứng giáo điều. Ngoài những gì cần thiết truyền đạt cho trẻ phải biết trân trọng lắng nghe ý kiến đồng nghiệp.

 Minh họa/INT

Minh họa/INT

Mang lại sự gắn kết

Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, mỗi giáo viên cần cẩn trọng và có trách nhiệm từ nét vẽ đầu tiên. Do đó, thoạt nghe thì việc giảng dạy trường mầm non có vẻ như chỉ cung cấp thông tin một chiều, hướng dẫn trẻ và việc đó hoàn toàn thuộc quyền chủ động của cô giáo.

Nhưng nếu đi sâu vào vấn đề thì sẽ thấy không đơn giản chỉ là vấn đề mang lượng thông tin áp đặt một chiều cho trẻ. Giáo viên, vì thế cần hết sức thận trọng tới từng ngôn ngữ, cử chỉ, hành động trước trẻ em.

Đây đó còn hiện tượng giáo viên phụ thuộc nhiều thậm chí tuyệt đối vào tài liệu giảng dạy hoặc nhiều giáo viên khi lên lớp chưa biết bao quát lớp, chưa hướng dẫn được trẻ biết hợp tác, tương tác khi thực hiện các hoạt động tập thể. Việc lựa chọn đồ chơi dân gian phù hợp đối tượng cần phải lưu ý trò chơi là hình thái sinh hoạt ban đầu của trẻ do tác động ngoại cảnh mang lại dưới hình thức bắt chước hành động của người lớn với những sự việc diễn ra xung quanh hằng ngày.

Khởi đầu của trò chơi là trò, tức là các hoạt động cá nhân diễn ra có ý thức trước mắt người khác hay chỉ một mình, sau đó trò được kết nối với chơi thành trò chơi. Trò chơi là những hoạt động được bày ra để vui chơi, giải trí. Như vậy trò chơi là hoạt động có sự tham gia của nhiều người, của số đông.

Trò chơi dân gian không có bản quyền sáng tác (tức là không có tác giả cụ thể) mà do một tập thể - một nhóm người lao động sáng tạo nên. Tích hợp là hợp lại các mặt riêng lẻ thành một tổng thể, phối hợp tối ưu các hoạt động dạy học khác nhau, các kỹ năng, phương pháp của môn học khác nhau nhằm đáp ứng các mục tiêu, mục đích cụ thể, theo một nguyên tắc đồng tâm, cùng hướng tới một nội dung bao hàm sâu hơn, kỹ hơn.

Vậy, tích hợp trò chơi dân gian vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ được hiểu là: Đưa trò chơi dân gian vào từng hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ một cách hợp lý, không gò ép, không khiên cưỡng, không gây quá tải trong giờ học.

Thực tế cho thấy, nếu trong trường mầm non tổ chức trò chơi tốt thì khi về nhà trẻ còn lôi kéo cả ông bà, bố mẹ vào cuộc chơi, bà là cô giáo bé làm học trò ông (hoặc bố, mẹ) là bạn học... mọi việc diễn ra hệt như ở lớp học.

Những trò chơi Tập tầm vông, Chi vi chi vít, Nu na nu nống... chơi ở lớp cũng được trẻ tổ chức cho ông, bà, bố, mẹ… cùng chơi. Những chuyện ngoài đời như mua bán, nấu ăn, bác sỹ khám bệnh, cho uống thuốc... các bé cũng diễn lại đầy đủ với búp bê, gấu Misa như ở lớp học...

Có trò chơi dành riêng cho con gái như Trồng nụ trồng hoa, Nhảy dây, Chơi ô ăn quan, Chắt chuyền... Còn con trai cũng có Đá gà, Thả diều, Bắn nỏ, Đi cà kheo, Đánh khăng… Lại có trò chơi cả trai và gái cùng chơi như Rồng rắn lên mây, kéo co…

Các trò chơi dân gian cho trẻ em không giới hạn cho một vùng, địa phương nào, không thuộc của riêng làng này, huyện nọ mà được phổ biến trong toàn tỉnh, thậm chí trong cả nước. Tuy vậy, nếu có khác nhau cũng chỉ ở tên gọi, cách bài trí, thiết kế và sự thêm bớt để cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Tất nhiên cũng có trò chơi ở vùng này có mà vùng kia không có. Ví dụ, trẻ thành phố biết chơi Bắn bi, Nhảy dây nhưng không biết trò chơi Pháo đất, Bắn nỏ như ở nông thôn.

 Minh họa/INT

Minh họa/INT

Tính giáo dục của trò chơi

Cũng như văn hóa phi vật thể khác, trò chơi dân gian có sự giao lưu và có sự giống nhau về cả ngôn ngữ đến cách chơi, tất nhiên có nhiều trò chơi qua giao lưu giữa các vùng văn hóa sẽ có sự khác nhau đôi chút trong cùng một trò chơi giữa vùng này so với vùng kia, giữa quốc gia này với quốc gia khác, sao cho phù hợp với đất nước, con người của quốc gia đó. Song, nhìn chung trò chơi của trẻ em thường thuộc 3 nhóm sau:

Thứ nhất, Những trò chơi thiên về thể lực và nhanh nhẹn như: Đá gà, Vật tay, Kéo cưa, Kéo co, Nhảy lò cò, Cướp cờ, Đá bóng rơm, Nhảy ngựa, Bắn phốc...

Thứ hai, Những trò chơi khéo léo chân tay: Đá cầu, Nhảy dây, Chim bay cò bay, Bắn bi, Pháo đất.

Thứ ba, Những trò chơi thiên về trí tuệ: Chơi ô ăn quan, Chi vi chi vít...

Những trò chơi của trẻ em dù ở phương diện nào, hầu hết đều gắn với các bài đồng dao. Trò chơi - đồng dao vốn có những giá trị quý báu trong việc phát triển tâm lý, tính cách, nhân cách, óc sáng tạo và lý tưởng thẩm mỹ cho trẻ.

Tính giáo dục của trò chơi - đồng dao rất lớn nhưng ở một số địa phương, hình như các nhà Folklore học, quản lý văn hóa và các nhà sư phạm học còn ít quan tâm sưu tầm, khai thác và ứng dụng.

Đây là một khoảng trống cần được “lấp” đầy bởi trò chơi dân gian nói chung, trò chơi - đồng dao nói riêng có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ bởi thông qua hoạt động vui chơi, trẻ em sẽ được làm quen với những tình huống và kỹ năng trong cuộc sống thật sôi động, phức tạp, đầy vất vả và thử thách sau này.

Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả Đỗ Minh Chính: “Những cảm xúc đa dạng, những mối quan hệ, quy tắc trong ứng xử, giao tiếp hay những trải nghiệm phong phú, đa dạng của cuộc sống thông qua các trò chơi; đặc biệt là các trò chơi - đồng dao đã không chỉ hàng ngày, hàng giờ bồi đắp đời sống tinh thần và hoàn thiện các chức năng tâm, sinh lý cho các em mà còn tạo nên khả năng tự điều chỉnh, sự thích ứng nhanh và những ứng xử văn hóa trong môi trường tập thể, cộng đồng và xã hội” (Báo Giáo dục và Thời đại số tháng 3 năm 2014).

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, các nhà trường nói chung và trường mầm non nói riêng đã rất tích cực trong việc đưa các sáng tác dân gian đặc biệt là các trò chơi dân gian vào trường học việc này khiến cho trẻ hứng thú học tập hơn.

Và, điều quan trọng là kiến thức về văn học dân gian, về di sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc được đưa vào các nhà trường, có ý nghĩa về giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho học sinh.

Đặc biệt, qua các trò chơi dân gian như Mèo đuổi chuột, Bịt mắt bắt dê, Kéo co... có một đặc điểm chung là diễn ra ngoài trời, luôn gắn bó trẻ với môi trường tự nhiên, đưa các em hòa đồng với thiên nhiên đồng thời giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết...

Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.

Môi trường vui chơi, thực hành của trẻ trong những trò chơi - đồng dao cũng chính là môi trường trao truyền cho các em các giá trị văn hóa của cộng đồng phong phú, đa dạng và linh hoạt.

Sưu tầm, khai thác, phổ biến các trò chơi dân gian cho trẻ em hiện nay là một vấn đề cấp thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ngày càng tốt đẹp mà nơi bắt đầu phải từ gia đình rồi đến nhà trường và cuối cùng là toàn xã hội.

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai vì “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập với khu vực và quốc tế, trước những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đương đại nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hiện đại và tiên tiến thì việc đầu tư xây dựng cho các hoạt động vui chơi tập thể một cách lành mạnh trên cơ sở khai thác các trò chơi dân gian vốn có sẽ tạo cho các em không gian vui chơi để giải tỏa tâm lý sau những hoạt động căng thẳng là rất cần thiết.

Và từ việc yêu thích các trò chơi dân gian, các em sẽ có ý thức gìn giữ, bảo tồn nét đẹp của văn hóa dân gian và đó cũng chính là biểu hiện của tình yêu đích thực đối với nền văn hóa dân tộc.

Đỗ Nguyên Thương (Nguyên Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Phú Thọ)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-tre-yeu-van-hoa-dan-toc-qua-cac-tro-choi-dan-gian-post720322.html
Zalo