Giúp sinh viên thoát bẫy bằng nhận diện và phòng trách lừa đảo trên không gian mạng

Trong bối cảnh cuộc sống ngày càng số hóa, cùng với những tiện ích vượt trội, không gian mạng cũng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ, đặc biệt là các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm đến ngày càng mở rộng, và một trong những mục tiêu hàng đầu hiện nay chính là sinh viên.

Tại tọa đàm "Thoát bẫy: nhận diện và phòng tránh lừa đảo cho sinh viên" do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức, Đại úy, Thạc sĩ Tống Duy Ngọc từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ sâu sắc, cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Vì sao sinh viên là mục tiêu hấp dẫn của lừa đảo qua mạng?

Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Đại úy Tống Duy Ngọc chỉ rõ, sinh viên là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước lừa đảo trực tuyến. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố:

Thứ nhất, sinh viên thường có tâm lý ham học hỏi và nhu cầu tìm kiếm cơ hội. Họ tích cực tìm kiếm việc làm thêm, học bổng, và các cơ hội phát triển bản thân trên nhiều nền tảng trực tuyến. Chính sự năng động và mong muốn cải thiện bản thân này lại vô tình mở ra cánh cửa cho kẻ xấu lợi dụng, thông qua các chiêu bài "việc nhẹ lương cao" hay các "cơ hội" hấp dẫn đến bất ngờ.

Đại úy Tống Duy Ngọc chỉ ra những yếu tố khiến các bạn sinh viên trở thành miếng mồi ngon của lừa đảo trực tuyến.

Đại úy Tống Duy Ngọc chỉ ra những yếu tố khiến các bạn sinh viên trở thành miếng mồi ngon của lừa đảo trực tuyến.

Thứ hai, sinh viên là thế hệ trẻ, sự hiện diện thường xuyên trên các nền tảng công nghệ và mạng xã hội khiến họ tiếp xúc nhiều hơn với không gian mạng và cũng dễ dàng bộc lộ thông tin cá nhân hơn. Việc đăng tải thông tin về tên tuổi, họ hàng, ngày tháng năm sinh, sở thích, nơi ở, hay các hoạt động cá nhân (như khám sức khỏe, thành tích học tập) lên mạng xã hội cung cấp cho kẻ lừa đảo một lượng dữ liệu khổng lồ để xây dựng chân dung và kịch bản lừa đảo phù hợp. Thậm chí, họ còn có thể dùng những thông tin này để tạo tài khoản ngân hàng hoặc thành lập doanh nghiệp "ma" đứng tên nạn nhân.

Thứ ba, theo phân tích của Đại úy Ngọc, đằng sau mỗi sinh viên là cả một "kho vàng" - nguồn tài chính từ gia đình. Bố mẹ Việt Nam sẵn sàng đầu tư rất nhiều cho việc học của con cái. Kẻ lừa đảo biết rằng nếu lừa được sinh viên, rất có thể số tiền bị mất chính là tiền của bố mẹ, và tình thương của bố mẹ dành cho con có thể khiến họ dễ dàng chấp nhận chuyển tiền khi nhận được tin giả về việc con gặp khó khăn. Sự thiếu kinh nghiệm sống và đôi khi là sự ngại chia sẻ với gia đình về các vấn đề gặp phải trên mạng cũng khiến sinh viên dễ "lọt bẫy" hơn.

Đại úy Tống Duy Ngọc nhấn mạnh rằng thủ đoạn lừa đảo trực tuyến hiện nay đã đạt đến mức độ "tinh vi và có hệ thống". Chúng không còn đơn giản là những tin nhắn hay cuộc gọi sơ sài. Kẻ lừa đảo liên tục cập nhật và biến đổi chiêu thức, thậm chí sử dụng công nghệ cao như deepfake để giả mạo hình ảnh và giọng nói của người thân. Các hình thức phổ biến được liệt kê bao gồm: các lời mời tham gia tài chính, giao dịch không rõ nguồn gốc; các cuộc gọi giả danh cơ quan chức năng (công an, tòa án, trụ sở điện lực, cảnh sát) yêu cầu cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền; các thông báo trúng thưởng, nhận quà; và đặc biệt là hình thức tuyển cộng tác viên "chốt đơn" ảo.

Trong chiêu trò "chốt đơn" ảo, nạn nhân được yêu cầu chuyển tiền trước để "mua hàng" giả vờ nhằm tăng tương tác cho các gian hàng ảo, và được hứa hẹn hoàn trả cả gốc lẫn hoa hồng. Bắt đầu với những đơn hàng nhỏ để tạo lòng tin và trả hoa hồng thật, kẻ lừa đảo dần dẫn dụ nạn nhân đến những đơn hàng có giá trị lớn hơn và cuối cùng chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Đây là hình thức đánh trực tiếp vào tâm lý muốn kiếm tiền dễ dàng, "việc nhẹ lương cao", đặc biệt hấp dẫn với những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc muốn tự chủ tài chính.

Một thủ đoạn khác cũng rất phổ biến là giả vờ chuyển nhầm tiền. Kẻ lừa đảo sẽ chuyển một khoản tiền nhỏ hoặc lớn vào tài khoản của nạn nhân với nội dung khó hiểu hoặc ghi chú "cho vay". Sau đó, chúng sẽ liên hệ, giả làm người chuyển nhầm và yêu cầu nạn nhân chuyển lại gấp. Mục đích của chúng không chỉ là số tiền đó mà có thể là để gài nạn nhân vào bẫy vay nặng lãi hoặc sử dụng tài khoản của nạn nhân cho mục đích bất hợp pháp. Điều nguy hiểm là những kẻ này có thể sử dụng thông tin của nạn nhân để mở tài khoản hoặc thành lập doanh nghiệp ma, khiến nạn nhân vô cớ dính dáng đến các vụ án hình sự.

Tâm lý học lừa đảo và "thời gian vàng"

Một trong những phân tích quan trọng từ Đại úy Tống Duy Ngọc là cách kẻ lừa đảo khai thác tâm lý con người, đặc biệt là áp lực thời gian. Ông gọi 39 giây đầu tiên khi tiếp nhận một cuộc gọi hoặc tin nhắn lừa đảo là "thời gian vàng". Trong khoảng thời gian cực ngắn này, kẻ lừa đảo tạo ra áp lực tâm lý rất lớn, thường liên quan đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng (như liên quan đến đường dây ma túy, nợ nần, vi phạm pháp luật) để khiến nạn nhân hoảng sợ, mất khả năng suy nghĩ lý trí và hành động vội vàng theo chỉ dẫn của chúng.

Đại úy đưa ra những ví dụ trực quan để cảnh báo bẫy lừa đảo.

Đại úy đưa ra những ví dụ trực quan để cảnh báo bẫy lừa đảo.

Sự sợ hãi trước các cơ quan chức năng, dù bản thân không làm gì sai, cũng là một điểm yếu bị khai thác. Kẻ lừa đảo còn đánh vào lòng tham của con người, bằng cách vẽ ra viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, lợi nhuận cao mà không cần nỗ lực. Đại úy Ngọc thẳng thắn cảnh báo rằng trên đời này "không làm mà cũng có ăn" thì chỉ có nhặt được của rơi không trả lại người mất, còn lại đều là lừa đảo.

Nguyên tắc vàng để phòng tránh lừa đảo

Đối diện với thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, việc phòng tránh không chỉ dựa vào công nghệ mà chủ yếu nằm ở bản lĩnh, hiểu biết và khả năng tiết chế bản thân của mỗi người. Đại úy Tống Duy Ngọc đưa ra những nguyên tắc phòng chống quan trọng:

Luôn cảnh giác và xác minh thông tin: Không vội tin vào bất kỳ thông báo hay yêu cầu nào liên quan đến tiền bạc, đặc biệt nếu nó đến từ số lạ hoặc qua các kênh trực tuyến. Nghi ngờ chính là tồn tại. Khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn nghi ngờ, hãy dừng lại, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào, đặc biệt là việc chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân/ngân hàng. Cách tốt nhất là gọi lại bằng số điện thoại đã biết của người thân hoặc cơ quan đó (tuyệt đối không gọi lại vào số vừa gọi đến bạn) để xác minh trực tiếp.

Hiểu về cách làm việc của cơ quan chức năng: Các cơ quan chức năng như công an, tòa án không làm việc với người dân thông qua điện thoại hoặc mạng mà không có giấy tờ, thủ tục chính thức. Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lý nào, họ sẽ gửi giấy triệu tập hoặc trực tiếp đến làm việc theo đúng quy định. Do đó, mọi cuộc gọi tự xưng là công an, yêu cầu chuyển tiền để chứng minh không liên quan hoặc phục vụ điều tra đều là lừa đảo.

Bảo vệ thông tin cá nhân: Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Không bấm vào các đường link lạ hoặc tải xuống ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các giấy tờ tùy thân (như căn cước công dân) qua điện thoại, tin nhắn, hay các trang web không tin cậy.

Tiết chế lòng tham và cảm xúc: Đừng tin vào những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" hay "kiếm tiền dễ dàng". Càng không nên hoảng sợ trước những lời đe dọa pháp lý vô căn cứ. Giữ tâm lý bình tĩnh, "điền tính lạnh lùng" khi đối diện với các tình huống áp lực.

Thông báo và chia sẻ: Nếu nghi ngờ hoặc đã trở thành nạn nhân, hãy thông báo ngay cho người thân và cơ quan công an, ngân hàng. Việc trình báo không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn cung cấp thông tin giúp cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn kẻ xấu tiếp tục lừa đảo người khác. Chia sẻ những kiến thức về lừa đảo với gia đình, bạn bè và những người xung quanh, vì "mỗi chúng ta là một đại sứ, một sứ giả" trong công cuộc phòng chống tội phạm này.

Sinh viên USTH hào hứng tham gia trò chơi tìm Công thức lừa đảo.

Sinh viên USTH hào hứng tham gia trò chơi tìm Công thức lừa đảo.

Tiếp cận thông tin chính thống: Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới từ các kênh truyền thông chính thống (như báo đài, VTV). Thông tin trên các kênh này đã được kiểm duyệt và đáng tin cậy hơn nhiều so với tin tức lan truyền trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng.

Thế giới số mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rẫy cạm bẫy. Với những đặc điểm về tâm lý, nhu cầu và sự tiếp xúc công nghệ, sinh viên đang trở thành mục tiêu hàng đầu của lừa đảo trực tuyến. Thủ đoạn của kẻ xấu ngày càng tinh vi, khai thác sâu vào tâm lý con người, đặc biệt là thông qua áp lực thời gian và lòng tham.

Tuy nhiên, như Đại úy Tống Duy Ngọc đã phân tích, việc trang bị cho bản thân kiến thức, sự cảnh giác, khả năng xác minh thông tin và một bản lĩnh vững vàng để đối diện với áp lực và tiết chế cảm xúc chính là tấm khiên hiệu quả nhất để thoát khỏi những cái bẫy lừa đảo thời đại số.

Ảnh: USTH

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/giup-sinh-vien-thoat-bay-bang-nhan-dien-va-phong-trach-lua-dao-tren-khong-gian-mang-post1744884.tpo
Zalo