Trung Quốc triển khai dự án CCUS ngoài khơi đầu tiên

Trung Quốc đã bắt đầu vận hành dự án thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) ngoài khơi đầu tiên tại giàn khoan dầu Enping 15-1, nằm ở lưu vực cửa sông Châu Giang, phía bắc Biển Đông.

Giàn khoan dầu Enping 15-1 cách Thâm Quyến 200 km về phía tây nam. Ảnh China News

Giàn khoan dầu Enping 15-1 cách Thâm Quyến 200 km về phía tây nam. Ảnh China News

Dự án này nằm cách thành phố Thâm Quyến khoảng 200 km về phía tây nam, có chức năng thu hồi khí CO₂ sinh ra trong quá trình khai thác dầu, nén CO₂ thành trạng thái siêu tới hạn, rồi bơm xuống các tầng chứa dầu dưới lòng đất để lưu trữ lâu dài.

Khi được nén ở trạng thái siêu tới hạn, CO₂ có đặc tính giống chất lỏng hơn là khí, cho phép đạt mật độ cao và khả năng lưu trữ lớn hơn trong các tầng ngầm. Trạng thái này cũng giúp CO₂ dễ dàng thẩm thấu vào các lỗ rỗng trong đá và dễ dàng trộn lẫn với dầu thô, qua đó cải thiện hiệu suất thu hồi dầu — mục tiêu chính của dự án.

Theo Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đơn vị vận hành dự án, hệ thống hiện đang bơm khoảng 8 tấn CO₂ mỗi giờ và có kế hoạch nâng công suất lên 17 tấn mỗi giờ sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp thiết bị.

Giàn khoan Enping 15-1 là cơ sở khai thác dầu ngoài khơi lớn nhất châu Á và thuộc một mỏ dầu có sản lượng hơn 7.500 tấn dầu thô mỗi ngày. Mỏ dầu này có hàm lượng CO₂ tự nhiên cao, theo phương pháp truyền thống sẽ được khai thác cùng với dầu thô rồi thải ra ngoài, gây rủi ro ăn mòn thiết bị và làm tăng lượng khí thải.

Bằng cách tái nạp CO₂ đã thu hồi vào lòng mỏ, dự án này đặt mục tiêu cải thiện khả năng thu hồi dầu, đồng thời cô lập carbon dưới lòng đất. CNOOC giới thiệu đây là một mô hình “hai trong một” giúp giảm phát thải và chi phí vận hành. Tuy nhiên, việc sử dụng CO₂ để tăng cường khai thác dầu vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.

Các nhà phê bình cho rằng công nghệ tăng cường khai thác dầu bằng CO₂ (CO₂-EOR) có thể đi ngược lại các mục tiêu khí hậu khi nó tiếp tục tạo điều kiện cho quá trình sản xuất nhiên liệu hóa thạch, trong khi một số ý kiến khác coi đây là bước chuyển tiếp hướng đến chiến lược quản lý carbon toàn diện hơn.

Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý rằng mặc dù CO₂-EOR có thể làm giảm cường độ carbon trong quá trình khai thác dầu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc loại bỏ carbon ròng. Để đạt được lượng “dầu carbon âm” (carbon-negative oil), cần có hệ thống giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc lưu trữ CO₂ vĩnh viễn trong lòng đất, và áp dụng các giới hạn nghiêm ngặt đối với lượng khí thải phát sinh trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc đã có các quy định cụ thể hoặc cơ chế giám sát độc lập nào để theo dõi mức độ an toàn trong quá trình lưu trữ CO₂ ngoài khơi, cũng như để đánh giá tác động khí hậu tổng thể khi sử dụng loại khí này cho quá trình khai thác dầu.

Thiếu minh bạch trong báo cáo và giám sát khiến quá trình đánh giá tính hiệu quả của những sáng kiến càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, ông Wan Nianhui, Tổng giám đốc khu vực vận hành mỏ dầu Enping, tin rằng dự án sẽ góp phần thúc đẩy các mục tiêu giảm carbon của Trung Quốc.

“Trong thập kỷ tới, chúng tôi sẽ bơm hơn một triệu tấn CO₂ và thúc đẩy sản lượng dầu thô tăng thêm 200.000 tấn”, ông cho biết.

“Đây là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới mục tiêu đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon”, ông nói thêm.

CNOOC cho biết dự án này đã bơm gần 200.000 tấn CO₂ kể từ khi đi vào hoạt động giữa năm 2023. Dự án hiện đang được định vị như một hình mẫu cho các giải pháp giảm phát thải carbon quy mô lớn ngoài khơi, áp dụng cho khu vực Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông–Hồng Kông–Ma Cao.

Hiện có khoảng 65 dự án CCUS thương mại đang hoạt động trên toàn cầu, song phần lớn trong số đó được triển khai trên đất liền. Các dự án CCUS ngoài khơi vẫn còn tương đối hiếm do tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật và chi phí cao.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-trien-khai-du-an-ccus-ngoai-khoi-dau-tien-727910.html
Zalo