Giúp phụ nữ cảnh giác trước nạn lừa đảo trên không gian mạng

HNN - Thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt chi hội, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu và nhận diện các thủ đoạn lừa đảo mới để kịp thời phòng tránh.

 Các hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Các hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Vừa mới thực hiện thủ tục cấp lại căn cước công dân, chị Ngô Thị Nga (Thủy Phù, TX. Hương Thủy) nhận được cuộc gọi từ số lạ. Bên kia đầu dây tự xưng là cán bộ công an của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu chị Nga làm theo hướng dẫn, cung cấp mã số vừa được gửi về số điện thoại để hoàn thiện hồ sơ cấp căn cước công dân và định danh mức độ 2. Thấy có mã số gửi đến thật, chị Nga cũng định đọc. Chững lại vài giây, chị hỏi lại người tự xưng là công an vài câu hỏi liên quan đến việc chị vừa làm lại căn cước thì bên kia trả lời “trú trớ”, không khớp nên chị cảnh giác. Sau khi trao đổi, thấy có vẻ không lừa được chị Nga nên người lạ kia liền cúp máy.

Chị Nga cho biết: Nếu không được tuyên truyền, tìm hiểu các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng (KGM) qua các buổi sinh hoạt ở chi hội, buổi tập huấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp thì tôi cũng bị lừa rồi. Bởi ai ngờ, những kẻ lừa đảo còn biết được việc mình vừa mới cấp đổi căn cước...

Sau khi nghe cháu gái ở TP. Hồ Chí Minh gửi một kiện hàng là áo quần, chị Trần Thị Thanh ở phường Phú Hội, quận Thuận Hóa nhận được cuộc gọi từ số lạ. Bên kia đầu dây tự xưng là nhân viên bưu cục chuyển hàng, đọc đúng tên họ người gửi, người nhận, báo chị có một kiện hàng áo quần (đúng tên cháu gái của chị) và yêu cầu chị chuyển khoản tiền phí ship 25 ngàn đồng để bưu cục vận chuyển đơn. Mới đầu, chị nghĩ đơn giản chắc cháu mình gửi hàng chưa trả ship nên tiền gửi được tính cho người nhận. Nhưng khi suy nghĩ lại, chị hỏi bên kia sao không giao hàng mới nhận tiền ship thì bị dọa nếu không chuyển khoản, hàng của chị sẽ lưu kho từ 15 ngày đến 1 tháng. Nghe đến đây, chị biết chắc đây là thủ đoạn lừa đảo, nên cúp máy luôn.

“Thủ đoạn lừa đảo này nhiều vô kể, nhiều khi mình chưa cập nhật kịp. Nhưng khi tham gia các hoạt động, sinh hoạt, tập huấn của Hội LHPN các cấp về việc cảnh giác trước nạn lừa đảo trên KGM, chúng tôi cũng cảnh giác hơn, biết thêm các kỹ năng để “vạch trần” các thủ đoạn của bọn lừa đảo. Chỉ cần hỏi vặn lại vài ba câu là những kẻ lừa đảo sẽ lộ “nguyên hình””, chị Thanh chia sẻ.

Những kẻ lừa đảo thường nhắm vào nạn nhân là phụ nữ tham gia mạng xã hội, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi và chủ yếu là để chiếm đoạt tiền bạc. Trước thực trạng đó, Hội LHPN TP. Huế yêu cầu Hội LHPN các cấp tích cực bám sát cơ sở, đa dạng các hình thức tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo trên KGM để hội viên kịp thời cập nhật thông tin, nhận diện thủ đoạn để chủ động phòng, tránh.

Bà Võ Thị Phương Thảo, Trưởng ban Xây dựng tổ chức hội, Hội LHPN TP. Huế cho biết: Hội LHPN thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông tại các địa phương để tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên KGM cho hội viên. Đồng thời, trên các trang mạng xã hội của các cấp hội phụ nữ cũng đăng tải rất nhiều thông tin định hướng tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo. Các cấp Hội LHPN các địa phương cũng đã tổ chức gần 300 lớp tập huấn, truyền thông về các kỹ năng tuyên truyền, vận động trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ sử dụng mạng an toàn, hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ có kỹ năng nhận diện các hành vi lừa đảo trên KGM.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/giup-phu-nu-canh-giac-truoc-nan-lua-dao-tren-khong-gian-mang-153681.html
Zalo