Vì sao kiểm lâm phải yêu cầu chứng minh nguồn gốc chim cảnh tại quán cà phê?

Trước băn khoăn của nhiều người chơi chim cảnh tại Huế về việc mang chim đến quán cà phê phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp, lực lượng kiểm lâm địa phương đã có những giải thích cụ thể nhằm làm rõ quy định pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật rừng thông thường.

Ngày 17/5, Chi cục Kiểm lâm TP Huế đã có thông tin lý giải liên quan về quy định yêu cầu các chủ quán cà phê trên địa bàn khi tiếp khách hàng có mang theo chim cảnh phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các cá thể chim.

Không cấm nuôi nhốt nhưng phải rõ nguồn gốc

Hiện nay, băn khoăn lớn nhất từ người chơi chim cảnh tại Huế, đó là các loại chim như chào mào, vành khuyên - vốn phổ biến trong thú chơi chim - có thuộc diện bị cấm nuôi?

Lực lượng kiểm lâm TP Huế kiểm tra, tuyên truyền và yêu cầu chủ các quán kinh doanh cà phê trên địa bàn ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời.

Lực lượng kiểm lâm TP Huế kiểm tra, tuyên truyền và yêu cầu chủ các quán kinh doanh cà phê trên địa bàn ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm TP Huế, chim chào mào (Pycnonotus jocosus), vành khuyên đều là động vật rừng thông thường, không thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm nên không bị cấm nuôi nhốt.

Mặc dù việc nuôi nhốt chim chào mào không bị cấm, nhưng hoạt động khai thác từ tự nhiên phải được thực hiện theo phương án hợp pháp và có sự phê duyệt của cơ quan kiểm lâm. Trên thực tế, TP Huế chưa từng cấp phép cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tiến hành khai thác loài chim này trong tự nhiên.

Trong khi đó, tình trạng săn bắt trái phép chim đã xảy ra. Trong đó, đáng chú ý là vụ cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ hơn 900 cá thể chim chào mào không có nguồn gốc hợp pháp được vận chuyển trái phép trên địa bàn vào năm 2024. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tận diệt loài nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Đối với việc xác định nguồn gốc hợp pháp, Kiểm lâm TP Huế cho hay, có 5 trường hợp được công nhận, gồm chim khai thác từ tự nhiên có giấy phép, chim nhập khẩu hợp pháp, mua sau tịch thu của cơ quan chức năng, nuôi sinh sản từ cá thể mẹ có nguồn gốc hợp pháp và chim mua bán, chuyển nhượng từ người nuôi có hồ sơ hợp lệ. Các trại nuôi hợp pháp phải có sổ theo dõi, kê khai tăng giảm đàn, chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý.

Khó chứng minh, vẫn phải kiểm soát

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người chơi chim lâu năm không còn giữ hồ sơ về nguồn gốc vật nuôi, dẫn đến khó chứng minh hợp pháp khi bị kiểm tra. Kiểm lâm TP Huế thừa nhận đây là vấn đề nan giải và đang phối hợp các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương để tìm giải pháp phù hợp.

Về loại giấy tờ được chấp nhận, đại diện Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, hồ sơ hợp pháp là bảng kê lâm sản có xác nhận của hạt kiểm lâm cấp huyện. Một số giấy tờ khác từ cơ quan chuyên ngành cũng có thể được xem xét.

Lực lượng kiểm lâm Huế tịch thu 1.000 chim chào mào không rõ nguồn gốc, tàng trữ tại một bến xe khách trên địa bàn vào năm 2024.

Lực lượng kiểm lâm Huế tịch thu 1.000 chim chào mào không rõ nguồn gốc, tàng trữ tại một bến xe khách trên địa bàn vào năm 2024.

Trước lo ngại việc dùng chung bảng kê cho nhiều cá thể chim do hình dạng giống nhau, cơ quan chức năng thừa nhận chưa thể kiểm soát triệt để vì các loài này hiện chưa thể gắn chip hay mã số định danh. Khi cần, các lực lượng khác phải phối hợp với kiểm lâm để xác minh.

Trước một số ý kiến về việc Chi cục Kiểm lâm Huế ra quy định “khác người” về chứng minh nguồn gốc chim cảnh, đại diện cơ quan này khẳng định việc thực thi đúng pháp luật là trách nhiệm chung, và Huế là một trong những địa phương đi đầu trong tuyên truyền và quản lý động vật hoang dã. Việc siết quản lý chim cảnh, trong đó có hội thi chim chào mào như thời gian vừa qua, nhằm tránh cổ vũ cho hành vi săn bắt trái phép, phù hợp với các chỉ thị và quy định hiện hành của Trung ương và địa phương.

Trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm TP Huế đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, nổi bật là vụ thu giữ và thả về tự nhiên gần 1.000 chim chào mào không rõ nguồn gốc vào năm 2024, nhận được nhiều sự ủng hộ, phản ứng tích cực từ cộng đồng xã hội.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-kiem-lam-phai-yeu-cau-chung-minh-nguon-goc-chim-canh-tai-quan-ca-phe-post1743114.tpo
Zalo