Giúp học sinh vững vàng trước những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT
Nhiều giải pháp được các nhà trường triển khai để học sinh làm quen, vững vàng trước những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT
Năm học 2024-2025, lần đầu tiên học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Trước những đổi mới của đề thi, để giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài thi theo các hình thức theo yêu cầu của việc đổi mới, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức phân tích đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, thông qua các đợt tập huấn về công tác ra đề kiểm tra, thi tốt nghiệp do Bộ, Sở GD&ĐT tổ chức, giáo viên có thể nắm đầy đủ, toàn diện, chính xác hơn khi xây dựng đề kiểm tra, đánh giá trong năm học.
Từ đó, khi tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giúp học sinh dần làm quen với dạng hỏi mới để khỏi bỡ ngỡ khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trường THPT Phú Bài đã tổ chức cho giáo viên xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ngay từ học kỳ 2 của năm học 2023-2024.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, khi triển khai việc này, nhà trường có một số khó khăn liên quan đến năng lực ra đề của đội ngũ. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu tham khảo chưa phong phú, các nội dung, yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù có nhiều đổi mới nên rất khó khăn khi thực hiện xây dựng đề kiểm tra.
“Khắc phục khó khăn này, nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn có lộ trình dài hơi trong từng tuần, tháng, năm học đối với triển khai xây dựng đề kiểm tra tiếp cận với đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT. Bằng nguồn ngân sách, xã hội hóa, trường đầu tư thêm tài liệu tham khảo của các bộ sách, giúp giáo viên trong công tác dạy học và biên soạn đề kiểm tra, đánh giá”, thầy Hoàng Minh chia sẻ.
Tổ chức các đợt thi chuyên đề, thi thử
Cô Đỗ Quỳnh Ngọc, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết: Từ đầu tháng 8, Ban giám hiệu cùng Ban chuyên môn nhà trường đã tập trung xây dựng kế hoạch, biện pháp và tổ chức tập huấn cho giáo viên tiếp cận với chương trình mới, cấu trúc đề thi mới, phương pháp dạy học tích cực thầy cô có tâm thế tốt bước vào một năm học mới.
Việc xây dựng đề kiểm tra theo đúng cấu trúc mới của Bộ GD&ĐT được quan tâm. Đề được xây dựng có ma trận, trọng số và đặc tả, đáp ứng đúng tỷ lệ và bám sát mục tiêu của bài. Điều này giúp học sinh làm quen với dạng câu hỏi, cách ra đề và thời gian làm bài theo đề thi đổi mới.
Trường THPT Minh Châu đã thông qua giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh khối 12 về hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; từ đó có kế hoạch chia lớp, dạy tăng cường các môn học theo đúng nguyện vọng của học sinh.
“Để học sinh được tiếp cận với đề thi nhiều hơn, ngoài bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, trường còn tổ chức các đợt thi chuyên đề, thi thử để học sinh có cơ hội trải nghiệm giúp các em được rèn luyện, giảm bớt áp lực thi cử.
Sau mỗi bài kiểm tra và kỳ thi, giáo viên đều phân tích điểm mạnh, điểm cần cải thiện cho học sinh. Trường và lớp có khen thưởng, động viên với các em có tổng điểm thi cao nhất và bài thi đạt điểm tuyệt đối”, cô Đỗ Quỳnh Ngọc cho hay.
Trong quá trình làm đề kiểm tra theo cấu trúc mới, là giáo viên giảng dạy môn Toán, cô Đỗ Quỳnh Ngọc cho biết bản thân gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó có khó khăn vì thiếu tài liệu hướng dẫn, tham khảo cho cả giáo viên và học sinh; khó phân loại câu hỏi, cách ra đề để đảm bảo nội dung kiến thức và đánh giá được khách quan. Làm sao bảo đảm thời gian phù hợp cho mỗi dạng câu hỏi trong từng phần, bảo đảm sự đồng nhất trong đánh giá cũng khó khăn khi xây dựng câu hỏi, ra đề.
Trước thực tế này, cô Đỗ Quỳnh Ngọc cho rằng, nhà trường đã tăng cường sinh hoạt, tổ nhóm chuyên môn để chia sẻ những khó khăn khi dạy trong từng bài; tăng cường dự giờ để trao đổi chuyên môn; phân chia các thành viên trong tổ làm đề theo từng bài hoặc từng chuyên đề để xây dựng ngân hàng câu hỏi cho tổ.
Với giáo viên, thầy cô phải nắm chắc mục tiêu cần đạt trong từng bài, nắm được cấu trúc của đề thi; tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do Bộ/Sở GD&ĐT và trường tổ chức; tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các trường trong khu vực hoặc theo cụm; tăng cường sử dụng công nghệ vào bài giảng để học sinh có thể hiểu bài được sâu hơn.