Giữa Thủ đô, lương sinh viên làm thêm trong 3 giờ chỉ bằng 1 bát phở

Mặc dù đang ở giữa lòng Thủ đô, nhưng rất nhiều sinh viên chỉ được nhận mức lương làm thêm thấp hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu mà Chính phủ đề ra.

Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những sinh viên tất bật với những công việc làm thêm từ các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng cho đến các trung tâm thương mại. Dù công việc có phần vất vả, nhưng thực tế nhiều sinh viên đang phải chấp nhận mức lương dưới mức tối thiểu vùng.

Theo nghị định số 74/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng tăng lên 6% so với nửa đầu năm 2024. Các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã tăng từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng, tương đương tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ. Riêng các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức thuộc vùng II nên có mức lương tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ.

Em Bùi Thảo Nguyên - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Em Bùi Thảo Nguyên - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, mức lương thực tế của các em sinh viên không cao đến như vậy. Em Bùi Thảo Nguyên sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Hồi đầu năm 2 em có làm bán thời gian cho một shop quần áo, được trả 17.000 đồng/giờ. Tuy nhiên sau khi lên năm 3, lịch học thay đổi nên em chuyển chỗ, qua làm bồi bàn cho một quán ăn từ 18 giờ chiều đến 22 giờ đêm, nhưng lương mỗi giờ cũng chỉ được trả 18.000 đồng”.

“Em đang làm nhân viên bán hàng cho một quán cà phê, dù là giữa thủ đô nhưng mức lương em nhận được lúc đầu chỉ là 15.000 đồng/giờ. Sau mấy tháng em mới lên được mức 18.000 đồng/giờ. Có nhiều hôm vướng lịch học em chỉ làm được 3 giờ và tiền công chỉ bằng 1 bát phở” - một sinh viên khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền - em Trần Thị Thanh Thủy bộc bạch.

Lý giải nguyên nhân tại sao các em sinh viên lại chấp nhận mức lương thấp như vậy, Thủy và Nguyên đều cho biết: “Dù biết là thấp, nhưng chúng em không còn lựa chọn nào khác vì những công việc này phù hợp với lịch học tại trường và gần nơi chúng em thuê trọ. Chúng em không biết đến mức lương tối thiểu vùng, mà nếu có biết thì chúng em không cũng dám nói vì hiện tại chỗ làm thêm part-time nào của sinh viên đều trả những mức lương tương tự như thế”.

Từ những chia sẻ trên, có thể thấy, một sự thật không thể phủ nhận đó chính là nhận thức hạn chế của sinh viên về quyền lợi lao động đáng lẽ các em phải được nhận. Nhiều sinh viên chưa hiểu rõ về các quy định, dẫn đến việc chấp nhận mức lương “bèo bọt” mà không biết phản kháng hay đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Hơn nữa, chủ yếu sinh viên lựa chọn những công việc linh hoạt về thời gian để phù hợp với lịch học trên trường, dẫn đến việc chấp nhận làm trong các điều kiện không đảm bảo về thu nhập và quyền lợi.

Nguyên nhân này đã và đang tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những công việc làm thêm với mức lương xứng đáng với công sức của các em. Đồng thời, cũng trở thành nỗi lo chung của nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi tìm kiếm công việc để có thêm thu nhập trang trải những khoản phí đắt đỏ tại thành phố lớn như Hà Nội.

Sinh viên chấp nhận mức lương thấp vì phù hợp với lịch học tại trường và gần nơi thuê trọ

Sinh viên chấp nhận mức lương thấp vì phù hợp với lịch học tại trường và gần nơi thuê trọ

Thêm vào đó, hầu hết các sinh viên làm thêm chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động về mức lương và các quyền lợi khác. Việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp.

Theo các chuyên gia về xã hội học, để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo mức thu nhập xứng đáng cho sinh viên, trước hết phải nâng cao nhận thức về quyền lợi người lao động cho sinh viên thông qua các hình thức: Tổ chức buổi hội thảo tuyên truyền từ phía các trường và các tổ chức lao động. Ngoài ra, có thể tạo ra các kênh truyền thông tuyển dụng uy tín cho sinh viên như các nhà trường hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên tìm được việc làm tốt và giảm thiểu tình trạng bị trả lương thấp.

Tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi vừa được trình Thường vụ Quốc hội ngày 24/9, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ mỗi tuần. Mức lương theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu hiện hành (vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng).

Hy vọng rằng, khi Luật được thông qua, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm “công cụ” quản lý vấn đề việc làm. Cùng với đó, các sinh viên tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ không còn phải đối mặt với mức lương thấp hơn tiêu chuẩn, thay vào đó có thể tìm được những công việc xứng đáng và công bằng hơn trong tương lai.

Bài và ảnh: Hà Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giua-thu-do-luong-sinh-vien-lam-them-trong-3-gio-chi-bang-1-bat-pho-354564.html
Zalo