Thiết lập mạng lưới cụm doanh nghiệp OCOP để tăng chất và lượng

Trước sự mở rộng của chương trình OCOP trong thời gian gần đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu đang là nỗi trăn trở của hầu hết doanh nghiệp khi thừa đáp ứng tiêu chuẩn nhưng vẫn thiếu đầu ra.

Khó khăn tìm đầu ra

Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất và phát huy trí tuệ địa phương để tạo ra sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng và tạo việc làm ổn định.

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.

Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chưa có độ phủ về thông tin để mở rộng thị trường.

Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chưa có độ phủ về thông tin để mở rộng thị trường.

Trong thời gian qua, Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh thành đã nỗ lực đưa các sản phẩm tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng OCOP vào hệ thống phân phối của các siêu thị hiện đại như Central Retail, Aeon, MM Mega Martket, Satra…

Tuy nhiên, để mở rộng hơn thị phần bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP. Bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.

Hơn nữa, bên cạnh yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Ngoài ra, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hóc Môn, Chủ chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP huyện Hóc Môn nhận định, có một điểm nghẽn cần giải quyết hiện nay là sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp chưa có nhiều hoạt động mang tính đột phá để mở rộng thị trường.

“Do đó, doanh nghiệp đạt chứng nhận dễ “chết yểu” vì không ghi nhận sự phát triển. Nguyên nhân chính đến từ việc người dân chưa hiểu rõ sản phẩm OCOP là như thế nào, độ phủ thông tin về sản phẩm OCOP còn rất hạn chế”, ông Luận chia sẻ.

Xây dựng mô hình liên kết

Đây cũng là lý do mà mới đây, UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) và các đơn vị liên quan chính thức ra mắt câu lạc bộ OCOP Hóc Môn. Dịp này, Hội quán OCOP Hóc Môn cũng chính thức đi vào hoạt động. Đây sẽ là nơi để các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm từ marketing, thị trường, chất lượng, đầu tư sản xuất… để hoàn thiện sản phẩm, từ đó hướng đến mở rộng cả thị trường nội địa, lẫn quốc tế.

Tính đến hiện tại, trên địa bàn toàn huyện Hóc Môn đã được công nhận 40 sản phẩm OCOP của 20 chủ thể. Trong đó, 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Tại đợt 2 trong năm 2024 này, huyện Hóc Môn đón nhận thêm 7 sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Lễ ra mắt câu lạc bộ OCOP Hóc Môn.

Lễ ra mắt câu lạc bộ OCOP Hóc Môn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận thông tin, câu lạc bộ OCOP Hóc Môn ban đầu quy tụ 16 hội viên. Sau một tháng hoạt động, câu lạc bộ đã kết nạp thêm nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị trình hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP và những doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng để nâng cấp thành sản phẩm OCOP để các thành viên có thể hỗ trợ cho nhau.

“Trong câu lạc bộ, chúng tôi sẽ có các chuyến tham quan đến cơ sở, nhà máy sản xuất của từng đơn vị thành viên. Đồng thời các thành viên có nhiều kinh nghiệm sẽ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp mới từ việc bố trí, trưng bày sản phẩm; cách thức hoạt động cho đến thực hiện các tiêu chí đặt ra cho một sản phẩm OCOP… Từ đó, mỗi một đơn vị sẽ có bước “tiền OCOP” với kiến thức vững chắc, tích lũy đủ kinh nghiệm để trình hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP”, ông Luận chia sẻ.

Ngoài ra, nét mới và độc đáo của hoạt động này là Hội quán OCOP Hóc Môn với chương trình “Chợ phiên OCOP” được tổ chức định kỳ vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần với sự tham gia của Hội nông dân, Mặt trận tổ quốc và các phòng kinh tế của huyện Hóc Môn để thông báo cho nông dân, bà con ở các xã… có thể đến tìm hiểu, mua sản phẩm OCOP của huyện. Đồng thời, các hội viên mới và doanh nghiệp, đối tác sẽ có thêm cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chứng nhận OCOP, quảng bá thương hiệu OCOP và mở rộng thị trường.

"Hiệu ứng rất tốt, người dân phần nào hiểu hơn vào sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng chợ phiên OCOP, trưng bày sản phẩm tại khu vực trung tâm của chợ huyện Hóc Môn. Ngoài ra, mỗi xã sẽ có một cửa hàng OCOP để tiếp cận nhiều người tiêu dùng", ông Luận cho hay.

Nhờ hiệu quả mang lại, hiện Câu lạc bộ OCOP Hóc Môn đã có một doanh nghiệp mở thêm cửa hàng OCOP cá nhân ở địa điểm khác. Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ OCOP Hóc Môn về cơ bản mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, góp phần nâng giá trị và mở rộng thị trường thông qua nhiều hơn nữa các kênh thương mại, từ truyền thống cho đến hiện đại.

Đây cũng là mô hình được nhiều doanh nghiệp đánh giá đáng học hỏi và nhân rộng ra toàn TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thiet-lap-mang-luoi-cum-doanh-nghiep-ocop-de-tang-chat-va-luong-d228265.html
Zalo